Thị trường chứng khoán Việt Nam có tốc độ phát triển nhanh nhất về quy mô và thanh khoản trong khu vực ASEAN và Đông Á, sau 17 năm phát triển. Quy mô của thị trường cổ phiếu tăng gấp 3 lần, từ 22% GDP (năm 2006) lên 44% GDP (năm 2010) và thời điểm hiện tại (11/2017) đạt hơn 63% GDP.
[Báo Nhật Bản đề cao thành tựu 30 năm phát triển kinh tế của Việt Nam]
Theo các chuyên gia, thị trường vốn bước vào giai đoạn “làn sóng thứ hai” sau lần đầu trỗi dậy vào thời điểm Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) năm 2007.
“Trong thời gian ngắn, nền kinh tế đã huy động khối lượng vốn rất lớn từ mọi thành phần chảy vào. Tuy nhiên, đây không phải là hiệu ứng trước mắt, nó khẳng định niềm tin kinh doanh của các nhà đầu tư. Họ kỳ vọng vào sự phát triển nền kinh tế Việt Nam trong thời gian tới rất cao,” ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc, Công ty Chứng khoán Sài Gòn nhấn mạnh.
Bài 1: Xu hướng thị trường và những con số 'biết nói'
Giai 2011-2015, hoạt động cổ phần hóa diễn ra khá khó khăn với những phiên đấu cổ phần doanh nghiệp Nhà nước “ế ẩm.” Bên cạnh đó, sự tăng trưởng của thị trường chứng khoán cũng chỉ duy trì ở mức khiếm tốn, chỉ số VN-Index sau mọi nỗ lực tăng gần 20% . (VN-Index tăng 95 điểm từ mức 484 điểm lên 579 điểm, từ 31/12/2010 đến 31/12/2015).
[Cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước: Quyền lực của dòng tiền 'khôn']
Tuy nhiên, đến cuối năm 2016 đầu năm 2017, thị trường tài chính Việt Nam bất ngờ có những bước tăng trưởng ngoạn mục, hàng loạt các thương vụ bán vốn cổ phần lớn thành công (như Vietjet Air, Vienam Airline, Vincom Retail, Vinamilk…)
Kỷ lục nối tiếp kỷ lục
Thời gian gần đây, các dòng tiền lớn ồ ạt đổ về thị trường chứng khoán, giá trị giao dịch mỗi phiên liên tục xác lập những mốc kỷ lục. Đỉnh điểm tại các phiên giao dịch đầu tháng 11, tổng giá trị giao dịch bình quân trên hai sàn chứng khoán niêm yết HoSE (Thành phố Hồ Chí Minh) và HNX (Hà Nội) đạt 8.600 tỷ đồng/phiên, bên cạnh đó hoạt động bán vốn tại các công ty cổ phần cũng diễn ra rất sôi động.
Theo ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, chỉ số chỉ số đại diện cho thị trường chứng khoán Việt Nam VN-Index có mức tăng trưởng 16% trong năm 2016, song đến thời điểm hiện tại của năm 2017, VN-Index đã tăng trưởng tiếp 24,5%. Thanh khoản của thị trường tăng 50%, từ mức 3.000 tỷ đồng/phiên (năm 2016) lên mức 4.500 tỷ đồng/phiên (năm 2017).
Ông Dũng lạc quan cho biết thêm, thị trường trái phiếu đang phát triển nhanh và mạnh. Cụ thể, dư nợ thị trường trái phiếu đã tăng từ mức 14% GDP (năm 2016) lên gần 40% (năm 2017), trong đó thị trường trái phiếu Chính phủ gần 30% GDP và thị trường trái phiếu doanh nghiệp xấp xỉ 6% GDP.
“Đáng chú ý, thanh khoản của thị trường trái phiếu Chính phủ tăng ngoạn mục, từ mức 324 tỷ đồng/phiên (năm 2009) lên 9.000 tỷ đồng/phiên (năm 2017), tăng 27 lần và gấp đôi giá trị giao dịch bình quân phiên của thị trường cổ phiếu,” ông Dũng nói.
“Câu lạc bộ” vốn hóa tỷ USD
Quay lại thời điểm cuối năm 2016, hầu hết các chuyên gia trong nước đều có chung mối quan ngại về khả năng rút vốn của nhà đầu tư nước ngoài ra khỏi các thị trường mới nổi trong đó có Việt Nam, trước sự kiện nước Mỹ có tổng thống mới và những dự báo về khả năng lãi suất của Cục dự trữ liên bang Mỹ (FED).
Ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc Phân tích và Tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân Công ty Chứng khoán SSI nhớ lại, chỉ sau ba tuần kể từ khi ông Donald Trump thắng cử, thị trường chứng khoán Mỹ nhanh chóng được rót vào thêm 35 tỷ USD từ các dòng vốn rút khỏi các thị trường mới nổi. Riêng tại Việt Nam, tổng dòng vốn chạy ra trong ba tuần đó là 72 triệu USD. (tỷ giá 22.675 VND/USD).
Thời điểm đó, ông Linh khá lo lắng về dòng tiền của năm 2017 trước bối cảnh vĩ mô như trên cộng thêm với lực cung nguồn hàng dự báo rất lớn. Nhiều công ty dự kiến kế hoạch chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng và niêm trên thị trường chứng khoán. Đơn cử, khoảng 12 doanh nghiệp rất lớn của Nhà nước lúc đó chuẩn bị niêm yết với tổng vốn lên tới 260.000 tỷ đồng, cộng thêm các doanh nghiệp tư nhân lớn như Vietjet, Masan, Novaland… tổng vốn hóa vào khoảng 100.000 tỷ đồng.
“Cộng mức vốn hóa tại hai nhóm công ty trên là 360.000 tỷ đồng, chiếm 2/3 vốn hóa thị trường chứng khoán. Cung ra nhiều vậy, thị trường chứng khoán sợ không hấp thụ được hết,” ông Linh nhớ lại.
Về điều này, ông Phạm Hồng Sơn, Phó chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng chia sẻ, thời điểm 2006, cả hai sở giao dịch chứng khoán có 192 doanh nghiệp niêm yết/đăng ký giao dịch, trong đó duy nhất có một doanh nghiệp có giá trị vốn hóa trên 1 tỷ USD. Song đến nay, thị trường có trên 700 doanh nghiệp niêm yết, 640 doanh nghiệp đăng ký giao dịch, trong đó có 23 doanh nghiệp có giá trị vốn hóa trên 1 tỷ USD.
“Thị trường chứng khoán Việt Nam đang thực sự trở thành một kênh huy động vốn quan trọng cho nền kinh tế. Vốn hóa của thị trường cổ phiếu và thị trường trái phiếu hiện đạt mức trên 100% GDP, so với mức 130% GDP của dư nợ tín dụng ở thời điểm hiện tại, cho thấy thị trường tài chính – tiền tệ của Việt Nam đang từng bước đạt được cơ cấu cân bằng, vững chắc,” ông Sơn nói./.
Bài 2: Sáu lý do để Việt Nam hấp dẫn nhà đầu tư Nhật Bản