Liên tục đi lên trong 3 phiên giao dịch đầu tuần, song đà giảm của 2 phiên cuối tuần đã khiến giá vàng giao kỳ hạn chứng kiến tuần mất giá thứ tư trong vòng năm tuần qua.
Giữa lúc tâm lý lo ngại về tình hình kinh tế toàn cầu chưa lắng dịu, giới đầu tư vẫn đổ tiền vào “thiên đường an toàn” là vàng. Đó chính là lý do giúp thị trường kim loại quý này đi lên trong cả ba phiên giao dịch đầu tuần (8-10/8 vừa qua).
Ngoài ra, thông tin cho hay năng suất lao động của Mỹ giảm quý thứ ba liên tiếp trong quý 2 vừa qua đã làm dấy lên những quan ngại về khả năng nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ tăng trưởng chậm lại trong thời gian tới, khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dè dặt hơn trước quyết định nâng lãi suất trong năm nay và đẩy đồng USD hạ giá so với rổ tiền tệ, qua đó tạo thêm lợi thế cho vàng.
Tuy nhiên, tới phiên giao dịch ngày 11/8, giá vàng đảo chiều đi xuống khi đồng USD mạnh lên và thị trường chứng khoán Mỹ khởi sắc với các chỉ số Dow Jones và S&P 500 đều chạm mức cao kỷ lục trong ngày. Dù vậy, triển vọng chưa chắc chắn về chính sách tiền tệ của Mỹ đã phần nào hạn chế đà giảm của kim loại quý này.
Trong phiên giao dịch cuối tuần (12/8), vàng tiếp tục lùi sâu vào cuối phiên dù cho đã đi lên trong hầu hết thời gian cả phiên, do các nhà đầu tư đua nhau bán ra chốt lời sau khi giá mặt hàng này “vọt” hơn 1% nhờ báo cáo đáng thất vọng về doanh thu bán lẻ của Mỹ trong tháng Bảy vừa qua.
Vào lúc 1 giờ 50 phút ngày 13/8 (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay tại thị trường London (Anh) giảm 0,3%, xuống 1.334,36 USD/ounce. Tính chung cả tuần, giá vàng này tăng nhẹ 0,04%.
Trong khi đó, giá vàng kỳ hạn giao tháng 12 tới tại thị trường Mỹ cũng mất 0,5%, xuống 1.343,20 USD/ounce, sau khi chạm mức “đỉnh” của ngày là 1.362,50 USD/ounce. Tính chung cả tuần, giá vàng này mất 0,09%, ghi dấu tuần giảm giá thứ tư trong vòng năm tuần qua.
Trước đó, sau khi Bộ thương mại Mỹ công bố báo cáo cùng ngày cho hay doanh số bán lẻ của nước này không biến động đáng kể trong tháng Bảy vừa qua, trái ngược với dự báo tăng 0,4% của giới phân tích và đà tăng 0,8% của tháng Sáu vừa qua, giúp giá vàng giao ngay bật tăng mạnh 1,4%, chạm mức 1.355,80 USD/ounce.
Báo cáo trên chứng tỏ hoạt động tiêu dùng của người dân Mỹ đang có xu hướng chậm lại sau khi tăng mạnh 4,2% trong quý 2 năm nay. Điều này lại giúp vàng hưởng lợi, bởi “sức khỏe” của nền kinh tế Mỹ là điều kiện tiên quyết để Fed đưa ra các chính sách lãi suất của mình.
Thêm vào đó, các tín hiệu ảm đạm từ Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - cũng góp phần nâng đỡ giá vàng vào lúc mở đầu phiên giao dịch 12/8.
Doanh thu bán lẻ trong tháng Bảy giảm mạnh, sản lượng công nghiệp trong cùng kỳ tăng yếu hơn dự kiến, còn các khoản cho vay mới của các ngân hàng cũng giảm xuống mức thấp nhất trong hai năm qua, là những thông tin khiến triển vọng kinh tế Trung Quốc trở nên u ám hơn, qua đó đẩy các nhà đầu tư tìm tới vàng.
Mặc cho đà sụt giảm của vàng trong ngày cuối tuần, một vài nhà phân tích vẫn giữ tâm lý lạc quan đối với triển vọng của kim loại quý trong vài tuần tới. Hiện thị trường đang chờ đợi Fed công bố biên bản cuộc họp chính sách tháng Bảy, dự kiến vào ngày 17/8 tới.
Cũng trong phiên này, giá các mặt hàng kim loại quý như bạc, bạch kim cũng đều đi xuống./.