Giá vàng thế giới trụ vững trên ngưỡng 1.800 USD/ounce trong phiên giao dịch 14/7. Thị trường đang dấy lên trở lại nỗi lo về việc số ca mắc mới COVID-19 tăng trên toàn cầu buộc nhiều khu vực tái áp đặt các biện pháp hạn chế nhằm khống chế sự lây lan của dịch bệnh.
Khép phiên này, giá vàng giao ngay tăng 0,4% lên 1.809,83 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng Mỹ giao kỳ hạn gần như không đổi, vẫn giữ ở mức 1.813,4 USD/ounce.
Jeffrey Sica, người sáng lập Circle Squared Alternative Investments, nhận định thị trường đang xuất hiện dự báo về việc giới đầu tư quay lại với vàng trong vai trò là công cụ ngừa bất ổn khi các biện pháp đóng cửa đang được triển khai ở quy mô rộng hơn.
Nhiều khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ không chỉ tiếp tục triển khai các chương trình kích thích kinh tế mà trong một số trường hợp sẽ còn tăng quy mô các chương trình này - yếu tố hỗ trợ đáng kể giá vàng.
Nhiều khu vực tại châu Á đang cân nhắc ngừng mở cửa trở lại nền kinh tế giữa bối cảnh số ca lây mắc mới COVID-19 tăng làm dấy lên nỗi lo về làn sóng lây nhiễm thứ hai.
[Giá vàng châu Á phiên chiều 14/7 vẫn quanh mức cao nhất 9 năm]
Tính từ đầu năm đến nay, giá vàng đã tăng hơn 19%, chủ yếu nhờ yếu tố lãi suất thấp hơn và các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới triển khai các biện pháp kích thích kinh tế lớn.
Đồng USD phiên này giảm giá khi mà đồng euro mạnh lên giữa lúc giới đầu tư lạc quan về khả năng Liên minh châu Âu (EU) triển khai thêm gói kích kinh tế.
Lượng vàng dự trữ do quỹ trao đổi vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust nắm giữ tăng 0,3% lên 1.203,97 tấn trong phiên 13/7.
Giá palladium phiên này giảm 0,7% xuống 1.966,5 USD/ounce trong khi giá bạch kim hạ 0,3% xuống 826,05 USD/ounce. Giá bạc phiên này tăng 0,4% lên 19,16 USD/ounce, sau khi tăng lên mức "đỉnh" kể từ tháng 9/2019 trong phiên 13/7.
Khép lại phiên này tại thị trường Việt Nam, Công ty Vàng Bạc Đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 50,17-50,55 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra)./.