Giá vàng thế giới giảm hơn 4% trong phiên 8/1 và ghi nhận tuần giao dịch kém nhất từ tháng 11/2020 tới nay, do triển vọng về một sự chuyển giao quyền lực suôn sẻ ở Washington đã tác động đến giá kim loại quý.
Ngoài ra, lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ tăng vọt cũng tạo áp lực lên giá vàng trong phiên này.
Theo đó, giá vàng giao ngay giảm 3,6% xuống 1.843,06 USD/ounce vào lúc 2 giờ 45 phút sáng 9/1 (theo giờ Việt Nam).
Giá vàng Mỹ giao kỳ hạn phiên này giảm tới 4,1% xuống 1.835,40 USD/ounce - mức chốt phiên thấp nhất kể từ ngày 14/12/2020 (theo công ty dữ liệu tài chính Factset). Đây cũng là mức giảm phần trăm theo ngày tồi tệ nhất kể từ ngày 9/11/2020.
Một báo cáo việc làm tháng 12/2020 của Mỹ yếu hơn dự kiến cũng không cung cấp nhiều hỗ trợ cho kim loại quý trong phiên này, dù các nhà phân tích mong đợi chính phủ mới của Tổng thống đắc cử Joe Biden sẽ đưa ra nhiều biện pháp hỗ trợ kinh tế hơn.
[Vàng trong nước tiếp tục giảm thêm 200.000 đồng, tỷ giá tăng nhẹ]
Trong khi đó, việc đảng Dân chủ kiểm soát Thượng viện Mỹ đã tăng kỳ vọng của nhà đầu tư về những biện pháp kích thích lớn, qua đó nâng lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Mỹ lên mức cao nhất kể từ tháng 3/2020.
Vàng thường được coi là “hàng rào” chống lại khả năng lạm phát tăng cao do các gói kích thích kinh tế lớn, đặc biệt là vào năm 2020. Nhưng điều này đã thay đổi khi lợi suất trái phiếu cao hơn, làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ những tài sản không sinh lời như vàng.
Nhìn chung, thị trường vàng thế giới đã có một tuần giao dịch khá nhiều biến động với hai phiên tăng và ba phiên giảm liên tiếp. Yếu tố chính chi phối thị trường trong tuần này là cuộc đua vào Thượng viện Mỹ tại bang Georgia.
Mở đầu tuần mới, giá vàng thế giới tăng hơn 2% trong phiên 4/1 và đạt mức cao nhất trong gần hai tháng trước thềm cuộc bầu cử vào hai ghế Thượng viện Mỹ tại bang Georgia. Kết quả cuộc bầu cử này sẽ quyết định đảng nào kiểm soát Thượng viện Mỹ.
Giá vàng thế giới chạm mức cao nhất hai tháng trong phiên giao dịch 5/1, nhờ đồng USD yếu và những lo ngại ngày càng gia tăng về đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Giới đầu tư phiên này cũng chờ đợi kết quả cuối cùng từ cuộc bầu cử Thượng viện Mỹ tại bang Georgia, điều có thể ảnh hưởng tới triển vọng gói kích thích kinh tế mới.
Sang phiên 6/1, giá vàng quay đầu giảm hơn 2% do đồng USD phục hồi khi lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ tăng, cùng với giới đầu tư đặt cược đảng Dân chủ giành chiến thắng trong cuộc đua giành ghế Thượng viện tại bang Georgia.
Đà giảm tiếp tục kéo dài sang phiên 7/1, khi giá vàng vẫn chịu áp lực từ đà tăng của đồng USD và lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ. Song, triển vọng về gói kích thích lớn hơn của Mỹ đã kiềm chế bớt đà giảm của kim loại quý này. Các nhà giao dịch cho biết giá vàng có lúc giảm tới 2,5% trong phiên 7/1, khi lợi suất trái phiếu Kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng hơn 1% lần đầu tiên kể từ tháng 3/2020.
Với mức giảm sâu trong phiên cuối tuần 8/1, giá vàng đã mất gần 3,2% trong cả tuần giao dịch vừa qua.
Ông Edward Moya, nhà phân tích thị trường cấp cao tại công ty môi giới đầu tư OANDA, cho biết thị trường vàng đang trải qua một giai đoạn chuyển dịch lớn đối với nhiều nhà đầu tư và họ bắt đầu từ bỏ kênh “trú ẩn an toàn” này của mình. Cùng với đó, thị trường trái phiếu Kho bạc Mỹ dự kiến sẽ đón nhận dòng tiền đổ vào khá mạnh mẽ và điều đó ảnh hưởng tương đối tới sức hấp dẫn của vàng.
Ngoài ra theo ông Jeffrey Sica, người sáng lập công ty tư vấn Circle Squared Alternative Investments, kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump đồng ý chuyển giao quyền lực một cách có trật tự, nhiều nhà đầu tư đã triển khai một số hoạt động chốt lời tạm thời.
Nhiều nhà phân tích cũng nhận định một số nhà đầu tư có thể đã chuyển hướng dòng tiền sang đồng tiền kỹ thuật số bitcoin - vốn đã ghi nhận một đợt tăng giá ấn tượng trong thời gian gần đây./.