Thị trường và giới quan sát "trông ngóng" đợt giảm lãi suất mới của Fed

Áp lực giá cơ bản đang gia tăng, báo cáo thị trường lao động tháng 10 có thể gây nhiễu loạn thị trường cùng cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ đang khiến lộ trình giảm lãi suất của Fed trở nên mờ mịt hơn.
Người tiêu dùng mua sắm tại siêu thị ở California, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Thị trường và giới quan sát đa phần đều đồng ý nhận định rằng Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất tại cuộc họp vào tuần tới (ngày 6-7/11 theo giờ địa phương), trong bối cảnh lạm phát hạ nhiệt và áp lực tiền lương dịu bớt.

Tuy nhiên, áp lực giá cơ bản đang gia tăng, báo cáo thị trường lao động tháng 10 có thể gây nhiễu loạn thị trường cùng những bất ổn xoay quanh cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ ngày 5/11 đang khiến lộ trình giảm lãi suất vào tháng 12 - và đặc biệt vào năm sau - trở nên mờ mịt hơn.

Bộ Thương mại Mỹ hôm 31/10 báo cáo chỉ số giá chi tiêu cá nhân (PCE), thước đo lạm phát ưa thích của Fed, trong tháng 9/2024 đã tăng 2,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tỷ lệ này đã giảm từ mức 2,3% của tháng Tám và tiến gần đến mục tiêu 2% do Fed đề ra.

Công nhân cảng Houston ở Texas, Mỹ đình công ngày 1/10. (Ảnh: THX/TTXVN)

Củng cố thêm cho khả năng Fed hạ lãi suất là chỉ số chi phí lao động (một thước đo tăng trưởng tiền lương do Bộ Lao động Mỹ tổng hợp) chỉ tăng 0,8% trong quý 3/2024, mức tăng nhỏ nhất kể từ quý 2/2021.

Tốc độ tăng trưởng tiền lương suy yếu cùng với đà tăng trưởng kinh tế vững chắc củng cố quan điểm rằng lạm phát sẽ không bùng phát trở lại tại Mỹ.

Phó Chủ tịch Krishna Guha của công ty tư vấn đầu tư Evercore ISI lưu ý những số liệu này ủng hộ kịch bản kinh tế Mỹ sẽ "hạ cánh mềm" tức là lạm phát hạ nhiệt song song với thị trường lao động khỏe mạnh và tránh được suy thoái.

Thị trường giao dịch hợp đồng tương lai cũng phản ánh kỳ vọng này: giới đầu tư đặt cược Fed có 94% khả năng cắt giảm lãi suất 25 điểm cơ bản tại cuộc họp tháng 11, rồi 70% khả năng cắt giảm thêm 25 điểm cơ bản nữa vào tháng 12.

Đợt cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản trước đó của Fed vào tháng Chín xuất phát từ lo ngại rằng duy trì lãi suất cao trong bối cảnh lạm phát thấp có thể tác động tiêu cực đến thị trường việc làm.

Tuy nhiên, giới quan sát cảnh báo lộ trình cắt giảm lãi suất vào tháng 12 và năm tới của Fed chưa chắc chắn.

Báo cáo việc làm được công bố hôm 1/11 (giờ địa phương) dự kiến cho thấy tỷ lệ thất nghiệp tại Mỹ ổn định ở mức 4,1% và 113.000 việc làm đã được tạo ra trong tháng 10.

Đáng chú ý, tốc độ kiến tạo việc làm đã chậm lại. Nguyên nhân được cho là do ảnh hưởng của các cơn bão gần đây và cuộc đình công tại nhà sản xuất máy bay Boeing.

Tuy nhiên, một số nhà quan sát cho rằng số liệu này chỉ phản ánh các yếu tố tạm thời chứ không phải sự suy giảm thực sự của thị trường lao động.

Điều đáng lo ngại hơn là sự tăng nhẹ của PCE lõi (đã loại trừ các mặt hàng thực phẩm và năng lượng dễ biến động). Chỉ số này trong tháng Chín đã tăng lên 2,7% - bằng với tháng Tám và vượt mức kỳ vọng 2,6% của thị trường.

Lạm phát cơ bản tăng mạnh có thể làm dấy lên nghi ngờ về khả năng Fed nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa.

Ông Michael Landsberg, quản lý cấp cao của công ty dịch vụ đầu tư Landsberg Bennett Private Wealth Management, tin rằng Fed có thể tạm dừng cắt giảm lãi suất vào tháng 12 do lo ngại khả năng lạm phát tăng tốc trở lại.

Càng khiến tình hình thêm bất ổn là cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ sắp tới. Các nhà phân tích cho rằng một kịch bản chiến thắng của đảng Cộng hòa có thể thúc đẩy áp lực tiền lương và lạm phát.

Thị trường tài chính gần đây dự báo triển vọng lạm phát cao hơn trong 5 năm tới.

Nhìn chung, sự hội tụ của một loạt yếu tố trên khiến thị trường khó nắm bắt hướng đi cho các quyết định chính sách của Fed trong giai đoạn tiếp theo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục