Thị trường Trung Quốc không nhập hàng, nông dân chịu mùa ớt... đắng

Với mức giá ớt bán tại vườn có lúc xuống bằng 1/10 năm ngoái, chỉ còn 2.000 đồng/kg, điệp khúc “được mùa mất giá” đã quay trở lại với mức thiệt hại báo động.
Thị trường Trung Quốc không nhập hàng, nông dân chịu mùa ớt... đắng ảnh 1(Ảnh minh họa: Hoài Thu/TTXVN)

Thời điểm hiện nay đã là cuối vụ thu hoạch ớt ở các huyện trong tỉnh Bình Định. Với mức giá ớt bán tại vườn có lúc xuống bằng 1/10 năm ngoái, điệp khúc “được mùa mất giá” đã quay trở lại với mức thiệt hại báo động. Bà con nông dân trồng ớt tổng kết lại vụ mùa năm nay với chỉ một câu ngắn gọn: “mùa ớt... đắng."

Huyện Phù Mỹ là địa phương trồng ớt nhiều nhất tỉnh Bình Định, với khoảng 1.100ha ớt. Sau những ngày trồng ớt là những đêm mất ngủ vì bán ớt.

Nông dân Đặng Thanh Tịnh, xã Mỹ Quang, huyện Phù Mỹ năm nay trồng được 2 sào ớt. Tổng chi phí bỏ ra hơn 6 triệu đồng, nay thu hoạch chưa được 10 triệu đồng, công lao động nửa năm của ông Tịnh tính ra chưa được 4 triệu đồng.

Ông buồn bã: “Năm ngoái cứ mỗi sào tôi thu về được khoảng 30, 40 triệu vì giá ớt khoảng 40.000-50.000 đồng/kg. Năm nay, giá ớt chỉ ở khoảng dưới 10.000 đồng/kg, có thời điểm xuống tới 2.000 đồng/kg, không bõ công làm."

Cùng chung nỗi buồn về giá ớt là chị Nguyễn Thị Đính, xã Mỹ Chánh, huyện Phù Mỹ. Theo chị Đính, do địa hình đất nhà chị chỉ phù hợp với trồng ớt nên kinh tế gia đình cũng phụ thuộc vào loại cây trồng này.

"Bây giờ bán ớt lỗ nhưng tôi đợi qua mùa khô rồi lại trồng tiếp. Năm ngoái, ớt được giá, năm nay ớt rớt giá, còn sang năm như thế nào cũng không rõ nữa," chị Đính trăn trở.

Theo các nông dân, năm nay, thương lái đồng loạt thu mua với mức giá thấp. Lý do đưa ra là thị trường Trung Quốc không nhập hàng.

Theo khảo sát, đến cuối tháng 5/2017, giá ớt chỉ thiên loại 1 xuất khẩu là 9.000 đồng/kg; giá ớt chỉ địa (người địa phương gọi là ớt ngọt, chuyên dùng để sản xuất ớt tương) dao động từ 2.000 đến 5.000 đồng/kg. Trong khi đó, 2 năm trước, giá hai loại ớt đều ở mức 30.000 đến 40.000 đồng/kg.

Lý giải về sự rớt giá thê thảm này, chủ cơ sở thu mua ớt Ðào-Hòa (ở xã Mỹ Chánh Tây, huyện Phù Mỹ) cho biết: “Vì được giá từ những năm trước nên năm nay, bà con đổ xô đi trồng ớt. Cơ sở của tôi chỉ thu mua ớt tại các xã Mỹ Hòa, Mỹ Trinh, Mỹ Chánh, Mỹ Chánh Tây mà mỗi đêm gom hơn 10 tấn ớt (năm ngoái chỉ khoảng 5 tấn/đêm). Khi lượng cung cao hơn nhu cầu, phía Trung Quốc liền xuống giá. Thị trường là vậy."

Theo ông Ngô Đình Ba, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phù Mỹ, vụ ớt Đông Xuân 2016-2017 dù gặp thời tiết bất thuận, mưa gió kéo dài nhưng nông dân huyện này vẫn cố gắng khắc phục để trồng được 1.100ha ớt, tăng hơn năm ngoái 100ha.

Về giá cả trên thị trường, việc tiêu thụ ớt rất khó khăn. Từ giữa đến cuối vụ, giá ớt hạ thê thảm, có giai đoạn xuống đến 2.000 đồng/kg. Nhìn chung, mùa ớt năm nay thất bát, nông dân hầu như không có lãi.

[Người trồng hoa ở Quảng Ngãi, Bình Định thiệt hại nặng vì mưa lũ]

Sau các đợt "giải cứu" nông sản, vấn đề mới chỉ được giải quyết ở phần ngọn, còn cái gốc là làm sao để sản xuất nông nghiệp bài bản, có quy hoạch, vững vàng và có giải pháp tiêu thụ bền vững.

Về vấn đề “được mùa, mất giá” trong sản xuất nông nghiệp, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng cũng có nhiều trăn trở. Việc tìm kiếm thị trường đầu ra cho sản phẩm nông nghiệp là một bài toán rất khó, không riêng gì ở tỉnh Bình Định.

Để giải quyết bài toán này, tỉnh cũng kiến nghị với Trung ương có chiến lược cụ thể, lâu dài về sản xuất nông nghiệp bền vững gắn với thị trường. Ở tầm địa phương, Bình Định cũng đang cơ cấu, quy hoạch lại, khuyến cáo người dân nuôi trồng cây gì, con gì, ở quy mô nào cho phù hợp.

Thị trường trong nước cũng rất quan trọng nhưng lâu nay khâu phối hợp tiêu thụ chưa được nhịp nhàng, tư thương mua rẻ, bán đắt và ăn lãi cao. Tỉnh sẽ đẩy mạnh phát triển nông nghiệp chất lượng cao, hướng đến thị trường lâu dài, ví dụ rau sạch, gà sạch hiện đang bán rất chạy.

“Chúng tôi sẽ đẩy mạnh phối hợp với các cấp Trung ương để tìm đầu ra bền vững tại thị trường trong nước, cạnh tranh với các sản phẩm nhập ngoại," ông Hồ Quốc Dũng khẳng định./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục