Thị trường trái phiếu Đông Nam Á có thể kéo dài đà tăng

Trái phiếu chính phủ định giá theo đồng rupiah của Indonesia và đồng baht của Thái Lan đang dẫn đầu khu vực trong quý 4/2020, mang lại tỷ suất lợi nhuận lần lượt gần 10% và 5% tính đến nay.
Thị trường trái phiếu Đông Nam Á có thể kéo dài đà tăng ảnh 1Đồng rupiah của Indonesia. (Nguồn: AFP)

Theo giới chuyên gia phân tích, trái phiếu Indonesia đang dẫn đầu đà phục hồi của thị trường trái phiếu Đông Nam Á, giữa lúc nền kinh tế khu vực được hy vọng sẽ phục hồi nhờ vắcxin ngừa dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Và hiệu suất ấn tượng của thị trường thu nhập cố định của khu vực có thể là dấu hiệu báo trước cho năm 2021 khá rực rỡ cho thị trường này.

Trái phiếu chính phủ định giá theo đồng rupiah của Indonesia và đồng baht của Thái Lan đang dẫn đầu khu vực trong quý 4/2020, mang lại tỷ suất lợi nhuận lần lượt gần 10% và 5% tính đến nay. Tỷ suất lợi nhuận và đồng tiền của cả hai quốc gia đã tăng nhanh sau cuộc bầu cử Mỹ và sự lạc quan về kết quả thử nghiệm của một số ứng cử viên vắcxin ngừa COVID-19.

Theo chỉ số Bloomberg-Barclays, trái phiếu nội tệ tại nhóm thị trường mới nổi toàn cầu đã tăng gần 4,5% tính riêng trong quý 4/2020. Còn tính từ đầu năm tới nay, tổng tỷ suất lợi nhuận của nhóm thị trường này là 2,8%.

Trong khi trái phiếu châu Mỹ Latinh tỏ ra vượt trội hơn châu Á khi những thông tin lạc quan về vắcxin ngừa COVID-19 thúc đẩy kỳ vọng về sự phục hồi ở các nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất như Brazil và Colombia, trái phiếu Đông Nam Á có những yếu tố tích cực khác ủng hộ mình.

Đầu tiên là mức định giá tiền tệ. Đồng rupiah vẫn được định giá thấp hơn so với các đồng tiền khác, do vậy hứa hẹn mang lại lợi nhuận tiềm năng nhất.

Theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp, tỷ giá hối đoái thực tế (REER) của đồng rupiah thấp hơn khoảng 3,5% so với mức trung bình của năm năm. Đồng ringgit của Malaysia cũng tương tự, trong khi REER của đồng baht của Thái Lan và peso của Philippines được định giá cao hơn 3%. Ngân hàng Trung ương Indonesia cũng cho biết đồng rupiah vẫn bị định giá thấp, báo hiệu rằng họ ít khả năng cản trở bất kỳ động thái tăng giá nào.

[Barlays Research: Kinh tế Đông Nam Á đang phục hồi nhưng chưa vững]

Thị trường tiền tệ có thể sẽ là yếu tố chính đóng góp vào tỷ suất lợi nhuận trong năm tới của thị trường Đông Nam Á vì lãi suất chính sách đã ở mức thấp kỷ lục. Tiếp đó là triển vọng lạm phát. Đây cũng là yếu tố Indonesia có lợi thế hơn so với các nước trong khu vực khi tính tới lợi suất thực tế. Nước này có lợi suất danh nghĩa cao nhất trong khu vực châu Á mới nổi, trong khi lạm phát năm 2021 dự kiến chỉ tăng nhẹ so với năm nay.

Theo ước tính trung bình của các nhà kinh tế tham gia cuộc khảo sát của Bloomberg, lạm phát năm 2021 của Indonesia sẽ là 2,4% so với mức trung bình 2,1% trong giai đoạn từ tháng 1-10/2020. Để so sánh, lạm phát năm tới của Thái Lan và Malaysia được dự báo lần lượt ở mức 1% và 1,8%, dù đây là một mức tăng đáng kể so với hiện tại vì cả hai quốc gia đã giảm phát tám tháng liên tiếp cho đến nay.

Một yếu tố khác cũng ảnh hưởng tới thị trường trái phiếu Đông Nam Á năm tới là vắcxin ngừa COVID-19. Các lệnh phong tỏa và tác động tương ứng đối với việc đi lại ở Malaysia và Philippines nghiêm trọng hơn mức trung bình ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Theo chỉ số đo lường tính hiệu quả của các lệnh phong tỏa do Goldman Sachs tổng hợp, cả hai nước đều ở mức 48,7 và trên mức trung bình của châu Á-Thái Bình Dương là 21,7. Chỉ số của Indonesia là 22,0.

Dù việc hạn chế di chuyển của Thái Lan hiện ít nghiêm trọng hơn so với các nước châu Á khác, quốc gia này cũng sẽ được hưởng lợi từ sự phục hồi của ngành du lịch vốn đóng góp khoảng 20% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP). Đồng baht trước đó đã tăng giá sau khi Pfizer và Moderna thông báo kết quả tích cực về thử nghiệm vắcxin ngừa COVID-19 ở giai đoạn cuối.

Do vậy, việc phân phối rộng rãi vắcxin sẽ có khả năng thúc đẩy tiêu thụ và tăng trưởng, đặc biệt là ở những quốc gia chịu nhiều ảnh hưởng nhất từ lệnh phong tỏa hiện nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục