Thị trường trái phiếu doanh nghiệp ghi nhận những dấu hiệu phục hồi

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp cho thấy một số tín hiệu tích cực. Cụ thể là sự tăng trưởng về thanh khoản trên thị trường thứ cấp và sự đa dạng hóa cơ cấu ngành nghề phát hành.
Khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành mới trong tháng 10 đã giảm xuống còn 28.100 tỷ đồng. (Ảnh: Vietnam+)

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục ghi nhận những diễn biến phức tạp. Những đánh giá nhìn chung chỉ ra thị trường đã có những tín hiệu tích cực về thanh khoản và hoạt động hoàn trả nợ, song nguy cơ từ các trái phiếu đáo hạn trong thời gian tới, đặc biệt là nhóm bất động sản vẫn là mối lo ngại lớn.

Cơ cấu đa dạng

Theo báo cáo từ Công ty Xếp hạng tín nhiệm đầu tư Việt Nam (VIS Rating), khối lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành mới trong tháng 10 đã giảm xuống còn 28.100 tỷ đồng (so với 56.100 tỷ đồng của tháng 9). Trong đó, các ngân hàng thương mại đã phát hành tổng cộng 15.800 tỷ đồng, tiếp tục chiếm phần lớn trong các đợt phát hành mới. Tuy nhiên, cơ cấu ngành nghề về phát hành trái phiếu cho thấy sự đa dạng hơn.

Ngoài ra, VIS Rating lưu ý 11% tổ chức phát hành trong tháng có hồ sơ tín nhiệm ở mức "dưới trung bình" hoặc thấp hơn. Tuy nhiên, con số này đã được cải thiện so với mức 24% của tháng trước.

Tương tự, báo cáo của Công ty xếp hạng tín nhiệm của FiinGroup (FiinRatings) cũng chỉ ra những con số tương tự và cho biết đây tháng có giá trị phát hành thấp nhất kể từ tháng 7/2024. Về điều này, FiinRatings lý giải là do hoạt động của nhóm tổ chức tín dụng chậm lại sau khi đã phát hành mạnh trong tháng trước để đáp ứng tỷ lệ an toàn cuối quý 3 theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Cụ thể, FiinRatings cho biết tỷ trọng trái phiếu của các tổ chức tín dụng giảm xuống còn 58% so với mức trên 80% của các tháng trước. Sự xuất hiện của các đợt phát hành lớn từ các doanh nghiệp phi ngân hàng như Vinfast (6.000 tỷ đồng), Vinhomes (2.000 tỷ đồng) và Vietjet (2.000 tỷ đồng) đã góp phần làm đa dạng hóa cơ cấu này. Đáng chú ý, lô trái phiếu 1.000 tỷ đồng của Công ty Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia I.D.I (thuộc lĩnh vực thủy sản), được bảo lãnh thanh toán bởi GuarantCo và được FiinRatings xác nhận là lô trái phiếu xanh đầu tiên của một doanh nghiệp phi tài chính.

Ngoài ra, FiinRatings cho hay hoạt động mua lại trái phiếu trong tháng của toàn thị trường đạt gần 17,500 tỷ đồng, giảm 14,5% so với tháng trước. Và, mặc dù hoạt động mua lại của nhóm doanh nghiệp phi tài chính tăng gấp đôi, nhưng ngân hàng vẫn chiếm tới 72% giá trị mua lại trong tháng. Theo đó, tổng giá trị mua lại trong 10 tháng của năm đạt 146.300 tỷ đồng, giảm 16,3% so với cùng kỳ năm trước.

Rủi ro vẫn hiện hữu ở thị trường thứ cấp

Về thị trường thứ cấp, ông Trần Quốc Thắng, chuyên viên phân tích của VIS Rating cho hay tỷ lệ vòng quay trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường thứ cấp đã tăng lên mức 10% (so với mức 9% trong tháng trước). Đây là tháng thanh khoản thị trường đạt mức cao nhất kể từ đầu năm tới nay.

Trong tháng, mặc dù thị trường không có trường hợp chậm trả lần đầu, nhưng ông Thắng đưa ra cảnh báo về rủi ro cao đối với một số trái phiếu đáo hạn trong tháng 11.

“Trong số 42 trái phiếu đáo hạn trong tháng 11, chúng tôi đánh giá rằng có 14 trái phiếu có nguy cơ chậm trả nợ gốc. Cụ thể, hầu hết những trái phiếu này đã chậm trả lãi trước đó và 33% số trái phiếu đáo hạn tháng 11 có nguy cơ chậm trả gốc, cao hơn so với tỷ lệ 10,5% trái phiếu chậm trả nợ gốc trong 10 tháng của năm," ông Thắng chỉ ra.

Lũy kế đến cuối tháng 10, báo cáo VIS Rating ghi nhận tỷ lệ chậm trả ổn định ở mức 14,9%. Tuy nhiên, báo cáo lưu ý nhóm ngành năng lượng có tỷ lệ chậm trả lũy kế cao nhất (45%), trong khi nhóm bất động sản nhà ở chiếm 60% tổng lượng trái phiếu chậm trả.

Phân tích cụ thể hơn, FiinRatings cũng ghi nhận sự tăng trưởng nhẹ về thanh khoản trên thị trường thứ cấp, đạt mức bình quân 5.100 tỷ đồng/ngày. Trong đó, nhóm ngành ngân hàng và bất động sản vẫn chiếm phần lớn giá trị giao dịch, lần lượt đạt 45,9% và 29,3%. Báo cáo FiinRatings cũng nhấn mạnh áp lực trái phiếu đáo hạn trong giai đoạn cuối năm 2024, đặc biệt là tháng 12 với giá trị là hơn 4.300 tỷ đồng và tập trung vào nhóm doanh nghiệp phi tài chính, nhất là ngành bất động sản và sản xuất. Công ty này ước tính có khoảng 1.000 tỷ đồng nợ gốc trái phiếu có nguy cơ chậm trả đến cuối năm đến từ một vài doanh nghiệp bất động sản có tình hình tài chính không tốt.

Quan sát diễn biễn thị trường, FiinRatings cũng cho biết tỷ lệ trái phiếu doanh nghiệp có vấn đề (bao gồm chậm trả và được tái cấu trúc) đạt 19%, tăng 10 điểm cơ bản so với tháng 9. Tuy nhiên, báo cáo đánh giá giá trị chậm trả trong tháng 10 chỉ tăng chậm.

Trong tháng, thị trường ghi nhận sự xuất hiện của trái phiếu xanh, đặc biệt là lô trái phiếu của I.D.I được bảo lãnh bởi GuarantCo được đánh giá là một tín hiệu tích cực. Điều này thể hiện sự phát triển của thị trường trái phiếu bền vững. Tuy nhiên, tổng giá trị phát hành trái phiếu xanh vẫn còn khiêm tốn so với các nước trong khu vực. Do đó, các chuyên gia đều nhấn mạnh sự cần thiết của việc hoàn thiện khung pháp lý cho trái phiếu xanh để thu hút thêm nguồn vốn đầu tư.

Cụ thể, FiinRatings chỉ ra rằng tỷ lệ trái phiếu doanh nghiệp có tài sản bảo đảm thấp (12% tổng giá trị phát hành trong 10 tháng và 41% giá trị trái phiếu doanh nghiệp phi tài chính) và tỷ lệ trái phiếu được bảo lãnh bởi tổ chức tín dụng cũng thấp (dưới 3%). Điều này cho thấy dự thảo sửa đổi Luật chứng khoán nếu được thông qua, sẽ có tác động đáng kể đến nguồn cung trái phiếu trên thị trường. Bởi, việc yêu cầu có tài sản bảo đảm hoặc bảo lãnh thanh toán sẽ là thách thức cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục