Ngày 20/4, lực cung giá rẻ vẫn áp đảo trên thị trường chứng khoán khiến các chỉ số chính tiếp tục lao dốc. Đóng cửa phiên giao dịch, VN-Index rơi 21,73 điểm (-1,55%) và xuống 1.384,72 điểm; HNX-Index mất 12,65 điểm (-3,22%), chốt tại 380,04 điểm đồng thòi UpCoM-Index giảm 1,92 điểm (-1,77%) và về 106,4 điểm.
Diễn biến trong ngày, thị trường những tưởng đã lấy lại đà hồi phục ở thời điểm cuối đợt sáng và đầu đợt chiều. Song về cuối phiên áp lực bán gia tăng nhanh chóng, lấn lướt trên các nhóm ngành. Trong bối cảnh dòng tiền vẫn rất yếu, VN-Index thêm một lần nữa đánh mất những thành quả có được và đảo chiều trượt dài, xuyên thủng dễ dàng ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật 1.400 điểm.
[Nhà đầu tư tháo chạy khiến VN-Index mất 116 điểm sau 6 phiên đỏ sàn]
Hôm nay, nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn có dấu hiệu tích cực hơn, lực mua xuất hiện và đẩy giá giao dịch lên cao, nhờ đó một số mã đã duy trì được sắc xanh đến hết phiên, như VCB (+0,9%), MSN (+3,15%), VIC (+0,63%), MBB (+0,68%)…
Song, những lực cầu hỗ trợ này đã không đủ sức ngăn được thị trường đi xuống khi hầu hết nhóm ngành tiếp tục nhuộm đỏ, trong đó nhóm cổ phiếu tài chính (-8,65%), khai khoáng (-6,29%), nông-lâm ngư nghiệp (-6,2%) và các nhóm sản xuất nhựa-hóa chất; thiết bị điện, xây dựng… cùng giảm trên 5%.
Diễn biến giao dịch ngày 20/3:
Thị trường hôm nay ghi nhận 771 mã giảm giá (trong đó 165 mã giảm sàn), 182 mã tăng giá và 672 mã đi ngang. Thanh khoản trên ba sàn đạt 26.115 tỷ đồng, khối lượng chứng khoán chuyển nhượng tương ứng 846,7 triệu đơn vị.
Theo đánh giá từ Bộ Tài chính, thị trường chứng khoán Việt Nam giảm điểm trong những tháng đầu năm cùng chung xu hướng với các thị trường chứng khoán thế giới trước những tín hiệu về khả năng ngân hàng trung ương các nước áp dụng chính sách siết chặt tiền tệ (nhằm đối phó với lạm phát và tình hình căng thẳng chính trị giữa Nga và Ukraine). Với tâm lý thận trọng trước những bất ổn kinh tế, dòng tiền đầu tư có thể phát sinh chuyển hướng sang các tài sản ít rủi ro như vàng. Theo đó, chứng khoán toàn cầu đã ghi nhận những nhịp điều chỉnh giảm trong quý 1/2022 và thời gian gần đây.
Nhằm đảm bảo thị trường chứng khoán trong nước tiếp tục phát triển ổn định, minh bạch, Bộ Tài chính chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tích cực hoàn thiện khung pháp lý cho thị trường đồng thời hoàn thiện chiến lược phát triển thị trường đến năm 2030 (định hình mục tiêu, giải pháp và lộ trình phát triển thị trường chứng khoán về dài hạn).
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán đẩy mạnh kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động thị trường, rà soát, nhận diện các mã cổ phiếu có giao dịch bất thưởng; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm; tiếp tục thực hiện tái cấu trúc công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ rà soát, phân loại, kiểm tra tại chỗ, xây dựng phương án đối với từng công ty để có biện pháp xử lý; phát triển và đa dạng hóa các loại hình quỹ đẩu tư nhằm cải thiện chất lượng cầu đầu tư, hướng tới cầu đầu tư bền vững./.