"Thị trường tiền tệ: Cần được quan tâm sát sao hơn"

Cuộc đua lãi suất của các ngân hàng đang lan rộng, đến nay, đã có ít nhất 6-7 ngân hàng đưa lãi suất huy động kỳ hạn dài lên 13%/năm.
Cuộc đua lãi suất của các ngân hàng đang lan rộng, khi đến nay, đã có ít nhất 6-7 ngân hàng đưa lãi suất huy động kỳ hạn dài lên mức 13%/năm như ACB, Sacombank, Bắc Á, Đại Á...

Một số lãnh đạo ngân hàng cho biết, việc các ngân hàng đưa lãi suất huy động kỳ hạn dài lên 13%/năm là nhằm khuyến khích khách hàng gửi tiền kỳ hạn dài, từ đó cân đối giữa nguồn vốn đầu vào và đầu ra. Bởi thời gian qua, phần lớn các khoản cho vay của ngân hàng đều là dài hạn, khiến nguồn tiền không cân đối giữa huy động và cho vay.

Hiện Ngân hàng Nhà nước cho phép các tổ chức tín dụng được tự thỏa thuận lãi suất kỳ hạn trên 1 năm với khách hàng, vô tình tạo ra kẽ hở để các ngân hàng gặp khó khăn về thanh khoản tăng lãi suất.

Tổng Giám đốc một ngân hàng cổ phần cho biết sẽ không quá khó để các nhân viên giao dịch cho khách hàng hưởng mức 12-13%/năm ở kỳ hạn trên 12 tháng ghi trên sổ sách. Khi thực tế khách muốn rút trước hạn ngân hàng vẫn cho rút với lãi suất ghi trên sổ là 9%/năm, phần lãi suất chênh lệch còn lại sẽ được chi trực tiếp bằng tiền mặt.

Các ngân hàng không chỉ nâng lãi suất các kỳ hạn dài mà tình trạng vượt trần lãi suất vẫn đang âm thầm diễn ra tại một số ngân hàng. Không chỉ những khoản tiền tỷ mới được nhân viên các ngân hàng chăm sóc mà thời điểm này khoản tiền 100 triệu đồng trở lên cũng được "mặc cả" lãi suất. Hiện các mức lãi suất này dao động trong khoảng từ 9,5% đến 12%/năm đối với kỳ hạn dưới 12 tháng.

Tuy nhiên, điều kỳ lạ là, từ đầu năm đến nay, lượng tiền huy động của các ngân hàng vẫn tăng trưởng rất tốt, trong khi tăng trưởng tín dụng chỉ bằng 1/10 vốn huy động. Một số chuyên gia đặt ra câu hỏi, vậy các ngân hàng vẫn cấp tập huy động vốn để làm gì?

Theo một chuyên gia ngân hàng, trong thời gian qua liên tiếp những sự cố về ngân hàng đang là cơ hội cho các ngân hàng lớn, đặc biệt ngân hàng quốc doanh có được niềm tin của người gửi tiền, nên nguồn vốn huy động tăng rất nhanh. Ngược lại, một số ngân hàng cổ phần nhỏ phải “chịu trận” khi khách hàng không gửi mới hoặc rút tiền gửi chuyển sang địa chỉ mà họ yên tâm hơn.

Cùng với đó, việc giá vàng tăng liên tục trong những ngày qua đã khiến nhiều người dân rút tiền ra mua vàng cũng đã làm hao hụt nguồn tiền của các ngân hàng. Ngoài ra, việc vay mượn trên thị trường 2 (liên ngân hàng) giữa các ngân hàng ngày càng ngặt nghèo hơn khi Thông tư 21 vừa có hiệu lực quy định ngân hàng nào có nợ quá hạn từ 10 ngày trên liên ngân hàng sẽ không được tham gia giao dịch đi vay.

Tiến sỹ Nguyễn Đại Lai, chuyên gia tài chính ngân hàng cho rằng: “Không loại trừ một số ngân hàng huy động vốn dài hạn nhưng thực chất là để bù đắp thanh khoản tạm thời. Ngân hàng nào thừa vẫn thừa, ngân hàng nào thiếu vẫn thiếu.”

Còn Tiến sỹ Nguyễn Trí Hiếu cũng nhận định, nguồn vốn đang chạy lòng vòng thông qua nhiều kênh, chưa chảy vào sản xuất kinh doanh. Tồn kho tăng cao, nợ xấu khiến các ngân hàng không dám đẩy mạnh cho vay, tiền chạy sang các kênh đầu tư khác, đặc biệt là đầu tư tài chính, kể cả vàng, thậm chí là đầu tư vào doanh nghiệp khác.

Đồng tình với những nhận định trên, Ủy ban giám sát Tài chính Quốc gia cũng vừa có báo cáo gửi Chính phủ về xuất hiện một số dấu hiệu cần được quan tâm sát sao trên thị trường tiền tệ.

Cụ thể, Theo Ủy ban này, lãi suất huy động đã có dấu hiệu tăng vượt trần quy định từ đầu tháng Chín. Đó là dấu hiệu cho thấy một số ngân hàng có thể có khó khăn về thanh khoản.

Bên cạnh đó, khối lượng giao dịch trên thị trường tiền tệ liên ngân hàng đang có dấu hiệu chậm lại (doanh số giao dịch liên ngân hàng tháng 9 giảm 60%), điều này sẽ buộc Ngân hàng Nhà nước phải có chính sách linh hoạt hơn trong việc hỗ trợ thanh khoản cho những ngân hàng gặp khó khăn dù chỉ tạm thời.

Ngoài ra, giá vàng biến động mạnh, một mặt do tác động của giá vàng thế giới tăng cao, mặt khác do hiệu ứng chính sách về vàng của Ngân hàng Nhà nước sẽ chấm dứt hoạt động huy động và cho vay vàng của các ngân hàng thương mại vào 25/11/2012 nhưng thị trường chưa có thông tin về chính sách cụ thể sẽ xử lý những vấn đề liên quan tới vàng sau ngày 25/11/2012 như thế nào.

Theo Ủy ban Giám sát, các dấu hiệu trên đây diễn ra trong cùng một khoảng thời gian, nếu không được khắc phục sớm sẽ rất dễ tạo hiệu ứng cộng hưởng gây tác động tâm lý tiêu cực đến thị trường, ảnh hưởng lớn tới việc kiểm soát lạm phát những tháng cuối năm. Hơn nữa, nếu thị trường vàng biến động làm thay đổi cân đối cung cầu về vàng tất yếu sẽ tác động đến thị trường ngoại hối và gây biến động đến tỷ giá.

Chính vì vậy, Ủy ban Giám sát kiến nghị cần nghiên cứu những tác động có thể phát sinh sau ngày 25/11/2012 khi các ngân hàng thương mại chấm dứt hoạt động cho vay, huy động vàng. Ngân hàng Nhà nước cần sớm công bố chính sách liên quan đến quyền và lợi ích của người dân cũng như của các chủ thể trong nền kinh tế liên quan đến vàng bao gồm: quyền và điều kiện huy động vàng trong xã hội hoặc giữ hộ vàng cho dân; chuyển nhượng, mua bán; cơ chế xuất nhập khẩu vàng và cơ chế đảm bảo liên thông giá vàng trong nước và quốc tế…

Một kiến nghị nữa được Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia đưa ra là tập trung tháo gỡ khó khăn thúc đẩy thị trường tiền tệ liên ngân hàng để thị trường tiền tệ liên ngân hàng đóng vai trò là nơi điều tiết tiền tệ, giải quyết vấn đề thanh khoản của các ngân hàng khó khăn tạm thời. Ngân hàng Trung ương với tư cách là “người cho vay cuối cùng” chỉ can thiệp hỗ trợ khi thị trường không điều tiết được.

Báo cáo chỉ rõ: "Giải pháp ngắn hạn này cùng với giải pháp mang tính cơ bản hơn là giải quyết nợ xấu ngân hàng, cơ cấu lại tổ chức tín dụng sẽ tạo nền tảng để khắc phục một cách cơ bản những bất cập hiện nay trên thị trường tiền tệ - nguyên nhân gây trở ngại nhiều cho việc thực hiện chính sách tiền tệ và chính sách tín dụng".

Bên cạnh đó, Ủy ban Giám sát cũng khuyến cáo, cần có giải pháp hữu hiệu bao gồm cả việc tăng cường công tác quản lý, giám sát thị trường nhằm ngăn chặn tình trạng vượt trần lãi suất./.

Minh Thúy (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục