Liên quan đến thương vụ tập đoàn hoá chất quốc gia Trung Quốc ChemChina mua lại công ty thuốc bảo vệ thực vật và hạt giống cây trồng Syngenta (Thụy Sỹ) với giá trị khoảng 43 tỷ USD, nhiều người đã lo ngại thị trường thuốc bảo vệ thực vật Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng sau thương vụ này.
Đặc biệt, đầu tháng Tư vừa qua, các cơ quan chống độc quyền của Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã chấp thuận thương vụ trên với các điều kiện kèm theo.
Không có sự độc quyền
Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) khẳng định thị trường thuốc bảo vệ thực vật của Việt Nam không bị ảnh hưởng bởi việc tập đoàn ChemChina mua lại công ty Syngenta.
Cùng chung quan điểm, ông Nguyễn Xuân Hồng, Nguyên Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật cũng cho biết, Syngenta là công ty sản xuất thuốc bảo vệ thực vật lớn trên thế giới và là công ty có nhiều phát minh về công nghệ biến đổi gen. Tuy nhiên, đây chỉ là một trong những đơn vị cung cấp thuốc bảo vệ thực vật cho Việt Nam với thị phần khoảng 15% số lượng thuốc bảo vệ thực vật hàng năm.
“Việc một tập đoàn của Trung Quốc mua lại công ty này cũng không có tác động ảnh hưởng gì đến thị trường thuốc bảo vệ thực vật. Bởi từ trước đến nay, chúng ta vẫn nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật từ Trung Quốc một cách bình thường theo mối quan hệ thị trường,” ông Hồng cho hay.
Cục trưởng Hoàng Trung cũng phân tích thêm, riêng công ty Syngenta từ trước đến nay vẫn hoạt động ở Việt Nam, việc tập đoàn ChemChina hay bất cứ đơn vị nào mua lại này chỉ là sang tên đổi chủ chứ không ảnh hưởng gì đến thị trường thuốc bảo vệ thực vật trong nước.
“Vì cơ cấu các bộ thuốc của đơn vị này vẫn ổn định không có gì thay đổi. Hơn nữa cách thức quản lý bên đó như thế nào cũng không có ảnh hưởng đến thị trường thuốc bảo vệ thực vật. Việc mua-bán là tuân theo quy luật của thị trường,” Cục trưởng Hoàng Trung nhấn mạnh.
Cục trưởng Hoàng Trung cũng nêu rõ, mỗi năm Việt Nam nhập khoảng trên 50% số thuốc bảo vệ thực vật và nguyên liệu từ Trung Quốc. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng nhập thuốc bảo vệ thực vật từ 40 quốc gia khác như Đức, Đan Mạch, Isarel, Ấn Độ và một số nước ASEAN và cũng xuất đi khoảng 40 quốc gia.
“Như vậy, có thể khẳng định, riêng về thị trường thuốc bảo vệ thực vật, hiện chúng ta vẫn được điều tiết ổn định và không phụ thuộc vào bất cứ một thị trường nào. Thực ra, Trung Quốc họ cũng chỉ có một số sản phẩm chính thôi chứ không phải toàn bộ hàng chúng ta nhập khẩu,” Cục trưởng Hoàng Trung nói.
Đa dạng hóa thị trường
Cục trưởng Hoàng Trung cũng khuyến cáo, ngoài giải pháp đa dạng thị trường nhập khẩu thuốc bảo vệ thực vật để tránh sự phụ thuộc vào một thị trường, thì các doanh nghiệp cũng cần đa dạng hóa sản phẩm nhập từ các nước khác vào.
“Năm 2016, Việt Nam nhập khoảng 100.000 tấn thuốc bảo vệ thực vật từ 40 thị trường, trong đó có Trung Quốc. Song lượng thuốc nhập khẩu vào khoảng 100.000 tấn thì sẽ được gia công và xuất đi khoảng 40%, chứ không phải tất cả nhập về đều để dùng trong nước. Vì thế nhiều khi nhìn vào cơ cấu thuốc và cứ theo số lượng là không đúng mà phải đánh giá cùng với số liệu thuốc xuất ra nữa,” Cục trưởng Hoàng Trung cho hay.
Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ước giá trị nhập khẩu thuốc trừ sâu và nguyên liệu trong quý 1 năm nay đạt khoảng 183 triệu USD, tăng 7,5% so với cùng kỳ năm 2016. Nguồn nhập khẩu thuốc trừ sâu và nguyên liệu trong 2 tháng đầu năm nay chủ yếu là từ Trung Quốc chiếm khoảng 53,1% tổng giá trị của mặt hàng này.
Bên cạnh đó, trong 2 tháng đầu năm nay, giá trị nhập khẩu thuốc trừ sâu và nguyên liệu tăng tại 4 thị trường, trong đó tăng mạnh nhất là thị trường Đức và Ấn Độ đều tăng 34,5%, Trung Quốc tăng 29,4% và Thái Lan tăng 16,6%.
Đối với vấn đề quản lý chất lượng thuốc bảo vệ thực vật, Cục trưởng Hoàng Trung cũng cho biết, việc này được thực hiện bằng cách kiểm tra 100% đầu vào và phải kiểm tra chất lượng nhà nước, hàng gia công cũng phải kiểm tra chặt. Hơn nữa, dù có nhập từ bất cứ nước nào khi được phép sử dụng ở Việt Nam đều phải đảm bảo chất lượng và yêu cầu của Việt Nam.
“Các sản phẩm thuốc nhập qua đường chính ngạch vẫn đảm bảo chất lượng. Chỉ có một số trường hợp nhập lậu thuốc ngoài danh mục là nguy cơ chất lượng kém, độc hại cao. Nhiều người cho rằng thực tế lượng nguyên liệu thuốc bảo vệ thực vật nhập vào Việt Nam lớn hơn rất nhiều lần bởi tình trạng nhập lậu, tuy nhiên không phải như vậy. Hiện nay nhập khẩu nguyên liệu thuốc bảo vệ thực vật chúng ta áp dụng thuế là 0% nên không có động lực để nhập lậu,” Cục trưởng Hoàng Trung nhấn mạnh./.