Cơ quan dịch vụ tài chính Indonesia OJK thông báo có hơn 40 công ty đã đăng ký để huy động khoảng 30.000 tỷ Rupiah (2,2 tỷ USD) vốn mới thông qua các đợt chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) và phát hành trái phiếu thông qua Sở giao dịch chứng khoán Indonesia (IDX) trong vài tháng tới.
Đây là dấu hiệu cho thấy thời điểm vàng của nền kinh tế, khi toàn bộ quá trình bầu cử và các thủ tục pháp lý đã được hoàn thành với sự xác nhận của Tòa án Hiến pháp đối với Tổng thống đương nhiệm, ông Joko Widodo, người sẽ bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai vào tháng 10/2019.
Các thị trường tài chính thường là lĩnh vực đầu tiên phản ứng với bất kỳ tín hiệu mới nào về sự ổn định chính trị, kinh tế vĩ mô và dự đoán chính sách.
Các chương trình ưu tiên hàng đầu của Chính quyền Tổng thống Joko Widodo với cộng đồng doanh nghiệp là cơ sở hạ tầng, xây dựng năng lực thể chế để phát triển hệ thống quản trị và cấp phép kinh doanh thông thoáng, hiệu quả và đúng thẩm quyền, cũng như hệ thống đào tạo nghề tốt hơn.
Chiến lược của ông Joko Widodo hứa hẹn sẽ đẩy mạnh các chương trình tạo làm việc và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Trong báo cáo kinh tế hàng quý công bố mới đây, Ngân hàng thế giới (WB) đã hạ dự báo tăng trưởng của Indonesia năm 2019 xuống 5,1%, vì các yếu tố tiêu cực bên ngoài.
Với các điều kiện thị trường hiện nay, xuất khẩu, tiêu dùng cũng như đầu tư của chính phủ và tư nhân sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng chính.
Điều này đòi hỏi Chính phủ Indonesia phải có những cải cách lớn, quản lý tài chính và tiền tệ thận trọng để duy trì tỷ giá ổn định và lạm phát thấp, trên cơ sở đó cho phép Ngân hàng Trung ương Indonesia đưa ra chính sách ổn định để cắt giảm tỷ lệ lãi suất, cũng như đưa ra các biện pháp hỗ trợ bổ sung để kích thích nhu cầu trong nước./.