Thị trường sữa thế giới năm 2020: Nhiều trở ngại phía trước

Các yếu tố khác như chi phí sản xuất tăng, độ tin cậy của người tiêu dùng thấp, năng lực sản xuất hạn chế và các quy định chặt chẽ về môi trường ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất và chế biến sữa.
Khách tham quan các gian hàng sữa tại Triển lãm Quốc tế ngành sữa và sản phẩm sữa. (Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN)

Báo cáo của Công ty nghiên cứu thị trường EMR với tựa đề “Báo cáo và Triển vọng của thị trường sữa toàn cầu trong năm 2019-2024” dự báo rằng thị trường sữa và các sản phẩm từ sữa trên toàn cầu sẽ tăng trưởng 2,5% mỗi năm.

Cho dù phải đối mặt với nhiều “làn gió ngược," song nhu cầu tiêu thụ không ngừng gia tăng giúp ngành công nghiệp chế biến sữa đón nhận triển vọng khá lạc quan trong thời gian tới.

"Mắt xích” quan trọng trong chuỗi thực phẩm

Sữa là một phần quan trọng trong chuỗi thực phẩm mà con người sử dụng hàng ngày. Với sự hiện diện rộng rãi trong các mặt hàng thực phẩm khác nhau, sữa được coi là một mô hình thu nhỏ của ngành công nghiệp thực phẩm, khi xu hướng ăn uống của người sử dụng sữa phần lớn cũng tác động tới các loại thực phẩm khác.

Theo báo cáo của EMR, thị trường sữa vẫn đang trên đà tăng trưởng tích cực, chủ yếu được thúc đẩy bởi nhu cầu tiêu thụ sữa trên thế giới. Nhu cầu về sữa, đặc biệt là các sản phẩm từ sữa như bơ, sữa chua, phô mai,… đang có xu hướng “hồi sinh” tại các nước phát triển do nhiều người đã thay đổi thói quen ăn uống và có “thiện cảm” hơn với các sản phẩm sữa béo trong vài năm gần đây.

Tại các nước đang phát triển, lượng tiêu thụ các sản phẩm từ sữa cũng được dự báo sẽ tăng nhờ thu nhập của người dân cao hơn, dân số phát triển mạnh và chế độ ăn uống ngày càng toàn cầu hóa. Ngoài ra, việc quy trình sản xuất sữa ngày càng hiệu quả và ổn định tại các nền kinh tế đang phát triển cũng góp phần hỗ trợ tích cực tới đà tăng trưởng của ngành chế biến sữa tại những thị trường này.

Tuy nhiên, mức tiêu thụ sữa và các sản phẩm từ sữa bình quân đầu người ở các nền kinh tế mới nổi được dự báo sẽ tiếp tục thấp hơn nhiều so với các nước phát triển.

Các sản phẩm sữa tươi được tiêu thụ rộng rãi hơn tại các nền kinh tế mới nổi như Ấn Độ và Pakistan, còn người tiêu dùng tại các nước phát triển có xu hướng chuộng các sản phẩm sữa qua chế biến. Ở các nước phát triển, hầu hết sữa sản xuất ra đều được chế biến thành phômai, bơ, sữa bột gầy và sữa bột nguyên kem (SMP và WMP).

Châu Á là thị trường tiêu thụ sữa chủ lực và khu vực này cũng quyết định diễn biến của thị trường sữa toàn cầu. Trung Quốc, Ấn Độ và Pakistan là những thị trường sữa hàng đầu trong khu vực này, với tốc độ tăng trưởng sản lượng sữa chủ yếu từ Ấn Độ và Pakistan. Trong khi đó, Mỹ - một thị trường sữa lớn khác, cũng đang phục hồi sau thời kỳ khan hiếm nguồn cung sữa do hạn hán kéo dài.

Trong khi đó, báo cáo mới nhất của ngân hàng Rabobank nhận định thị trường sữa toàn cầu có thể sẽ duy trì sự ổn định trong sáu tháng tới, với triển vọng nhu cầu tiêu thụ đủ mạnh để cân bằng với nguồn cung khá khiêm tốn. Tổng sản lượng sữa của bảy thị trường xuất khẩu sữa hàng đầu thế giới gồm Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), New Zealand, Australia, Brazil, Argentina và Uruguay dự kiến sẽ tăng 0,8% vào đầu năm 2020.

[Triển vọng phát triển cho ngành công nghiệp chế biến sữa Việt Nam]

Đáng chú ý, các sản phẩm sữa không đường dự kiến sẽ đóng vai trò thúc đẩy đà tăng trưởng thị trường sữa trong những năm tới. Tại Mỹ, châu Âu và Trung Quốc, tỷ lệ dân số không sử dụng sữa có đường tương ứng là hơn 5%, 10% và 90%. Tại những thị trường này, các sản phẩm sữa không chứa đường đang ngày càng phổ biến rộng rãi, bởi theo đa số người dân, các sản phẩm không chứa đường hoặc có hàm lượng đường thấp được coi là tốt cho sức khỏe.

Sắp xếp, vận chuyển sữa học đường tại tổng kho Hà Nội của công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk). (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Những rào cản tăng trưởng

Mặc dù nhu cầu tiêu thụ sữa vẫn tăng cao, song Rabobank cho rằng ngành công nghiệp sữa toàn cầu vẫn phải đối mặt với những khó khăn trong thời gian tới.

Thời tiết mùa Hè ấm lên tại Trung Quốc và Bắc Âu là một trong những nguyên nhân hạn chế nguồn cung sữa trên thế giới. Ngoài ra, các yếu tố khác như chi phí sản xuất tăng, độ tin cậy của người tiêu dùng thấp, năng lực sản xuất hạn chế và các quy định chặt chẽ về môi trường cũng ảnh hưởng tới hoạt động sản xuất và chế biến sữa.

Về mặt nhu cầu, báo cáo của Rabobank cho hay, xu hướng giảm tốc đáng kể của nền kinh tế thế giới, lòng tin của người tiêu dùng suy giảm và tình hình căng thẳng thương mại giữa các nước vẫn là vấn đề gây “đau đầu” cho nhiều nhà xuất khẩu sữa. Chẳng hạn vào quý 2/2019 Trung Quốc công bố tốc độ tăng GDP thấp nhất trong gần 30 năm và các thị trường Đông Nam Á đã bị ảnh hưởng bởi điều này.

Trong khi đó, EU cũng phải đối mặt với những thách thức tương tự khi Đức chứng kiến đà sụt giảm kinh tế trong quý 2/2019 cùng với những thách thức từ việc Vương quốc Anh rời khỏi EU (còn gọi là Brexit). Các nhà sản xuất sữa New Zealand cũng đang phải đối mặt với khó khăn do các quy định mới về nguồn nước vừa được Chính phủ công bố.

Theo Rabobank, Trung Quốc có thể nằm ngoài dự báo lạc quan về triển vọng nhu cầu tiêu thụ sữa toàn cầu từ nay tới giữa năm 2020, bởi sức mua vào mạnh trong nửa đầu năm 2019 đã giúp nước này có một lượng sữa dự trữ khá lớn.

Bên cạnh đó, sự thay đổi thói quen ăn uống của người tiêu dùng, sự cạnh tranh khắc nghiệt và tranh chấp thương mại toàn cầu đang tác động đến sự tăng trưởng của các công ty sữa. Khảo sát được thực hiện dựa trên kết quả hoạt động của một số công ty sữa lớn trên thế giới cho thấy, lợi nhuận tích lũy trên vốn đầu tư (ROIC) của các công ty này đã giảm 3% trong năm 2018./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục