Việc chọn ngành nào, lĩnh vực nào để ưu tiên phát triển không thể do một trung tâm chỉ huy hay nhà nước tự nghĩ ra, mà các doanh nghiệp phải tham gia cạnh tranh toàn cầu để vào được chuỗi giá trị gia tăng đó mới là yếu tố quyết định.
Đây là ý kiến của Giáo sư Nguyễn Quang Thái bên lề hội thảo: "Hiệp định TPP - Cơ hội và thách thức phát triển ngành công nghiệp Việt Nam" do Bộ Công Thương tổ chức sáng nay (1/3), tại Hà Nội.
Cụ thể hơn, theo Giáo sư Nguyễn Quang Thái, Tổng Thư ký hội khoa học kinh tế Việt Nam, nhà nước chỉ đóng vai trò hoạch định chính sách và đưa ra dự kiến ban đầu, còn bản thân thị trường mới là nơi sàng lọc và đánh giá hiệu quả của lĩnh vực đó.
Đơn cử, lĩnh vực dệt may có thể phát triển mạnh hơn khi tham gia Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) do thị trường được mở rộng và các doanh nghiệp Việt Nam cũng có cơ hội để nâng cao năng lực cạnh tranh từ chính những lợi thế thương mại đó.
Tuy nhiên, trong bối cảnh ấy, nhiều lĩnh vực và doanh nghiệp khác lại gặp khó khăn, nhất là ngành công nghiệp ôtô của Việt Nam, sau nhiều năm hưởng ưu đãi nhưng nhiều chỉ tiêu về tỷ lệ nội địa hóa đã không hoàn thành mục tiêu đề ra.
Trong khi đó, lộ trình cắt giảm thuế quan, đến năm 2018, sản phẩm ôtô nhập khẩu từ các quốc gia thành viên ASEAN và ASEAN + 3 (gồm Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản) sẽ giảm xuống mức 5% và 0%. Với tỷ lệ nội địa hóa thấp như hiện nay, ngành công nghiệp ôtô Việt Nam sẽ chịu áp lực cạnh tranh lớn hơn.
"Trong bối cảnh hội nhập, việc xác định ôtô là lĩnh vực ưu tiên bởi nhà nước đã tính đến việc mở rộng thị trường trong khối TPP sẽ có tác động to lớn đến ngành này, qua xuất khẩu sẽ giúp tăng tỷ lệ nội địa hóa, góp phần tạo động lực cho các ngành công nghiệp phụ trợ," Giáo sư nói.
Có thể thấy, cơ hội và thách thức luôn đan xen trong sân chơi thương mại toàn cầu, một điều chắc chắn là chỉ có những doanh nghiệp với sự chuẩn bị tốt mới có thể đi đến thành công.
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh, khi hội nhập và tham gia hiệp định TPP, các thành phần kinh tế đều cạnh tranh bình đẳng và một thách thức không nhỏ cho lĩnh vực công nghiệp đó là nhiều doanh nghiệp qui mô nhỏ sẽ phải dời cuộc chơi nhưng đây là điều kiện để tái cơ cấu các ngành sản xuất.
Thứ trưởng nhấn mạnh, việc đưa ra những khuyến nghị và đóng góp ý kiến của các chuyên gia cần đi kèm những chính sách mới đem lại hiệu quả cho doanh nghiệp.
"Các đơn vị của Bộ Công Thương cần tổng hợp những đánh giá của chuyên gia, qua đó tham mưu, giúp nhà nước xây dựng các chính sách, pháp luật để đón đầu cơ hội trong hội nhập," thứ trưởng yêu cầu.
Lãnh đạo Bộ Công Thương cũng khuyến nghị các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động tìm hiểu các thông tin liên quan về các hiệp định thương mại tự do, để có thể nắm bắt thông tin cũng như các cam kết cụ thể trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh của mình, từ đó có những biện pháp tận dụng các cơ hội do Hiệp định TPP mang lại.
Bên cạnh đó, bản thân các doanh nghiệp cũng cần củng cố, đào tạo, nâng cao trình độ và tay nghề đội ngũ nhân lực, đề ra các mục tiêu và phương thức hướng hoạt động của doanh nghiệp phù hợp với các đòi hỏi của quá trình Hội nhập kinh tế quốc tế.
Về dài hạn, các doanh nghiệp trong nước cần bám sát lộ trình và các quy định về mở cửa thị trường của Hiệp định TPP nhằm xây dựng kế hoạch đầu tư, sản xuất hiệu quả, nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như tận dụng được cơ hội tham gia chuỗi cung ứng trong khu vực./.