Thị trưởng Rome Ignazio Marino từ chức sau hàng loạt bê bối

Thị trưởng thủ đô Rome Ignazio Marino đã từ chức sau khi các chính đảng, trong đó có đảng Pd cầm quyền, liên tục gây áp lực buộc ông phải rời bỏ chức vụ do dính líu đến hàng loạt bê bối.
Thị trưởng Rome Ignazio Marino từ chức sau hàng loạt bê bối ảnh 1Thị trưởng Rome Ignazio Marino. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 8/10, Thị trưởng thủ đô Rome Ignazio Marino đã tuyên bố từ chức sau khi các chính đảng, trong đó có đảng Dân chủ (Pd) cầm quyền mà ông là thành viên, đã liên tục gây áp lực buộc ông phải rời bỏ chức vụ do dính líu đến hàng loạt bê bối trong thời gian nắm quyền.

Marino từ chức sau khi Viện công tố Rome, theo đề nghị của Phong trào 5 Sao (M5S), đảng lớn thứ hai ở Italy, mở một cuộc điều tra vào những khoản chi của ông sau khi giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Hội đồng thành phố vào năm 2013 với 63,9% số phiếu bầu.

Theo các đảng đối lập, một phần chi phí tính vào ngân sách của Marino là "mờ ám" và là chi cá nhân thay vì cho chính quyền thành phố.

Hôm 7/10, ông Marino đã tuyên bố sẽ hoàn trả 20.000 euro cho chính quyền Rome, nhưng điều này không thể thuyết phục được các đảng phái đối lập và cả đảng Pd ngừng gây áp lực buộc ông từ chức.

Theo báo chí Italy, đảng Pd buộc phải hy sinh một chính trị gia của mình ở địa phương quan trọng nhất nước để tránh cho uy tín của đảng và Thủ tướng Matteo Renzi xuống thấp hơn nữa trong thời điểm mà Pd và chính phủ đang gặp nhiều khó khăn.

Marino đã liên tục chịu áp lực trong thời gian qua, thường xuyên bị phê phán là thiếu năng lực, bị các các chính trị gia bảo thủ công kích vì ủng hộ hôn nhân đồng giới và bị chỉ trích vì liên tục thực hiện các chuyến đi ra nước ngoài, dù trên thực tế, từ những chuyến đi ấy, ông đã mang về 13 triệu euro từ các nhà tài trợ nghệ thuật nước ngoài để thực hiện việc trùng tu nhiều di tích lịch sử có giá trị ở Rome.

Cuối năm ngoái, thủ đô Rome rung chuyển bởi vụ scandal "mafia thủ đô." Mặc dù không nằm trong danh sách điều tra, nhưng ông Marino đã chịu áp lực nặng nề sau khi một loạt quan chức dưới quyền bị bắt, bị điều tra hoặc phải từ chức do dính líu đến mafia trong hàng loạt các dự án xây dựng, quản lý công viên, thu hồi xử lý rác thải và tiếp nhận người nhập cư.

Thị trưởng Marino bị chỉ trích là không đủ năng lực điều hành khi để hệ thống giao thông công cộng của thành phố rơi vào cảnh hỗn loạn, nhiều nơi ở Rome ngập trong rác thải và để dấy lên những nghi ngờ của dư luận vào việc mafia đã thâm nhập sâu vào chính quyền thành phố, kiểm soát nhiều dự án lớn trong xây dựng cơ bản và chi phối hoạt động của các sở trực thuộc.

Ông Marino cũng rơi vào vòng xoáy công kích nặng nề sau khi để xảy ra vụ đám tang của một bố già mafia được tổ chức rầm rộ ngay giữa lòng thủ đô mà chính quyền không hề can thiệp vào tháng Tám vừa qua.

Trên thực tế, vị thị trưởng từng là một bác sỹ này đã tiếp quản Rome trong thời điểm chính quyền cánh hữu để lại một khoản thâm hụt 900 triệu euro trong ngân sách, với nhiều công ty trực thuộc chính quyền thành phố hoặc thua lỗ nặng nề, như tập đoàn giao thông công cộng ATAC nợ 1,4 tỷ euro, hoặc bị điều tra vì dính dáng đến mafia, như tập đoàn vệ sinh môi trường AMA.

Tuần báo thời sự chính trị l'Espresso cho rằng, gây áp lực khiến thị trưởng Marino phải từ chức là cách để Pd quay lại kiểm soát nền chính trị thủ đô đang có nguy cơ tuột khỏi tay họ, trong bối cảnh chỉ hai tháng nữa là diễn ra sự kiện "Năm thánh của Vatican" mà Italy chịu trách nhiệm về an ninh và hậu cần. Sự kiện này dự kiến sẽ thu hút hơn 20 triệu lượt khách tới Rome.

L'Espresso cho rằng, Pd cũng như chính phủ lo ngại việc ông Marino cùng chính quyền đang chịu áp lực và đầy chia rẽ của ông này sẽ không bảo đảm được sự thành công cho sự kiện rất quan trọng đối với hình ảnh của Italy.

Việc duy trì lâu vị trí thị trưởng Rome của ông Marino lâu hơn nữa có thể làm xấu hơn nữa hình ảnh của phe trung-tả cầm quyền.

Uy tín của Pd, chính phủ và Thủ tướng Renzi đã xuống thấp trong thời gian qua, sau hàng loạt những khó khăn mắc phải trong việc đưa ra và thực hiện các quyết sách về kinh tế, lao động và chính trị.

"Nếu thời gian vẫn còn, Thủ tướng Renzi cần phải tránh để cho "virus thủ đô" lan rộng ra nhiều nơi khác trong cả nước," tuần báo này kết luận.

Nhiều khả năng tỉnh trưởng Rome Franco Gabrielli sẽ nắm quyền điều hành chính quyền thành phố cho đến khi diễn ra cuộc bầu cử Hội đồng thành phố, dự kiến vào giữa tháng Tư và tháng Sáu năm sau./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục