Trong phiên ngày 8/9, giá vàng rơi xuống mức thấp nhất kể từ ngày 26/8, chứng khoán Âu-Mỹ kéo dài chuỗi giảm điểm trong khi giá dầu ghi nhận mức tăng nhẹ.
Giá vàng thế giới rơi xuống mức thấp hai tuần phiên 8/9
Giá vàng thế giới rơi xuống mức thấp của hai tuần trong phiên ngày 8/9 trong bối cảnh đồng USD và lợi suất trái phiếu Mỹ tăng cao ảnh hưởng đến kim loại quý này nhiều hơn so với những quan ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Khép phiên này, giá vàng giao ngay giảm 0,1% xuống 1.792,27 USD/ounce, sau khi giảm xuống mức thấp nhất kể từ ngày 26/8 là 1.781,30 USD/ounce. Giá vàng kỳ hạn của Mỹ giảm 0,3% xuống 1.793,5 USD/ounce.
Jim Wyckoff, nhà phân tích cấp cao của công ty vàng Kitco Metals (Canada), cho biết mặc dù có một số lo ngại rủi ro lớn hơn trên thị trường, nhưng hoạt động bán tháo vàng vẫn diễn ra.
Lo ngại về tăng trưởng kinh tế chậm lại do biến thể Delta gây ra đã tác động đến các thị trường chứng khoán trong tuần này. Tuy nhiên, dòng tiền đổ vào vàng đã bị hạn chế bởi lợi suất trái phiếu mạnh lên và đồng USD tăng giá, khiến vàng trở nên đắt đỏ hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.
[Giá vàng, giá dầu thế giới đều giảm do những quan ngại về nhu cầu yếu]
Ngân hàng Societe Generale của Pháp nhận định đà tăng giá của vàng trong năm 2021 đã bị hạn chế dù cho lãi suất ở mức thấp và lạm phát cao. Giá vàng có thể giao dịch ở mức trung bình 1.750 USD/ounce vào năm 2022 do dòng đầu tư tiếp tục giảm.
Vàng thường có xu hướng tăng giá trong môi trường lãi suất thấp, trong khi một số nhà đầu tư cũng coi kim loại này như một hàng rào chống lạm phát cao do các biện pháp kích thích.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh New York John Williams ngày 8/9 cho biết thể chế này có thể bắt đầu giảm tốc độ mua tài sản vào cuối năm 2021 nếu nền kinh tế Mỹ tiếp tục cải thiện.
Nhà đầu tư cũng đang hướng sự chú ý đến cuộc họp của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) trong ngày 9/9 để tìm kiếm manh mối về việc ngân hàng này có rút dần các biện pháp hỗ trợ kinh tế hay không.
Trên thị trường kim loại quý khác, giá bạc giao ngay giảm 1,2% xuống 24,02 USD/ounce, giá bạch kim giảm 1,7% xuống 981,77 USD/ounce, còn giá palladium mất 4,8% xuống 2.259,23 USD/ounce.
Tại thị trường Việt Nam, cuối ngày 8/9, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 56,50 - 57,22 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).
Giá dầu thế giới tăng hơn 1% phiên 8/9
Giá dầu tăng hơn 1% trong phiên giao dịch 8/9 do các nhà sản xuất ở Vịnh Mexico của Mỹ chậm khôi phục sản lượng sau cơn bão Ida.
Trong phiên giao dịch này, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 91 xu Mỹ (1,3%) lên 72,60 USD/thùng và dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 95 xu Mỹ (1,4%) lên 69,30 USD/thùng.
Các nhà sản xuất dầu ở Vịnh Mexico của Mỹ vẫn đang chật vật để khởi động lại hoạt động sau khi bão Ida quét qua khu vực này với gió mạnh và mưa như trút nước.
Khoảng 77% sản lượng tại vùng này vẫn chưa khôi phục, tương đương 1,4 triệu thùng mỗi ngày. Các giếng khai thác dầu của vùng Vịnh chiếm khoảng 17% sản lượng dầu của nước Mỹ.
Các nhà giao dịch sẽ theo dõi chặt chẽ số liệu của Viện Dầu mỏ Mỹ (API) và Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) để có thông tin rõ ràng hơn về tác động của cơn bão Ida đối với sản lượng dầu thô và sản lượng lọc dầu của đất nước.
EIA dự báo sản lượng dầu thô của Mỹ sẽ giảm 200.000 thùng/ngày xuống 11,08 triệu thùng/ngày trong năm 2021, mức giảm lớn hơn so với dự báo giảm 160.000 thùng/ngày trước đó.
Chứng khoán thế giới tiếp tục giảm điểm trong phiên 8/9
Chứng khoán Âu-Mỹ kéo dài chuỗi giảm điểm trong phiên 8/9, khi giới đầu tư vẫn lo ngại diễn biến dịch COVID-19 có thể tác động tới đà phục hồi của các nền kinh tế.
Trong phiên này trên thị trường Phố Wall, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 0,2% xuống 35.031,07 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng lùi 0,1% xuống 4.514,07 điểm, trong khi chỉ số công nghệ Nasdaq Composite để mất 0,6% và khép phiên ở mức 15.286,63 điểm.
Bên cạnh những lo ngại về dịch COVID-19 và biến thể Delta lây lan nhanh của nó, tâm lý trên Phố Wall đã bị tổn hại bởi một báo cáo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho biết tăng trưởng kinh tế "giảm nhẹ" trong tháng 7 – 8/2021, giữa bối cảnh thiếu nhân công và nguyên liệu vẫn lan rộng.
Ở bên kia bờ Đại Tây Dương, các thị trường chứng khoán châu Âu đều giảm khoảng 1%. Chỉ số FTSE 100 tại London (Anh) giảm 0,8% xuống 7.095,53 điểm, chỉ số DAX 30 trên sàn Frankfurt (Đức) để mất 1,5% xuống 15.610,28 điểm và chỉ số CAC 40 tại Paris (Pháp) lùi 0,9% xuống 6.668,89 điểm. Chỉ số tổng hợp Euro Stoxx 50 khi đóng cửa cũng hạ 1,1% xuống 4.177,15 điểm.
Các thị trường cũng đang theo dõi kỳ vọng về việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) bắt đầu kết thúc các biện pháp hỗ trợ - chính sách mà Fed cho biết họ cũng có thể bắt đầu vào cuối năm nay.
Trong nhiều tuần qua, các nhà đầu tư đã cố gắng định hình về thời điểm các ngân hàng trung ương sẽ bắt đầu thu hẹp các biện pháp hỗ trợ của họ khi các nền kinh tế phục hồi và lạm phát tăng nhanh.
Tuy nhiên, dữ liệu việc làm của Chính phủ Mỹ cho thấy tốc độ tạo việc làm đã chậm lại đáng kể ở nền kinh tế lớn nhất thế giới vào tháng Tám, có thể do số ca nhiễm COVID-19 tăng đột biến. Nhiều nhà phân tích coi đó là dấu hiệu Fed có thể lùi thời điểm thu hẹp các biện pháp hỗ trợ của mình.
Cũng trong phiên này, bitcoin đã phục hồi và giao dịch ở mức khoảng 46.100 USD/bitcoin sau khi biến động dữ dội vào thứ Ba (7/9), khi El Salvador trở thành quốc gia đầu tiên đưa đồng tiền điện tử này thành một đồng tiền hợp pháp.
Bitcoin phiên 7/9 đã giảm gần 20% xuống mức thấp nhất là 43.000 USD/bitcoin khi ví kỹ thuật số chính thức gặp vấn đề kỹ thuật do nhu cầu lớn của người tiêu dùng, mặc dù vấn đề này đó sau đó đã được giải quyết.
Tại thị trường trong nước, kết thúc phiên giao dịch 8/9 chỉ số VN - Index giảm 8,29 điểm (0,62%) xuống 1.333,61 điểm, chỉ số HNX-Index tăng 0,80 điểm (0,23%) lên 347,28 điểm./.