Hiện đang được tới 5 bộ cùng quản lý những thông tin từ buổi tọa đàm “Giúp nhà nông tránh sử dụng phân bón giả, phân bón kém chất lượng” cho thấy thị trường phân bón Việt Nam vẫn còn nhiều bất ổn, tình trạng kinh doanh hàng giả và kém chất lượng diễn ra phổ biến. Không những vậy, tại buổi tọa đàm do Báo Công Thương tổ chức ngày 2/10, nhiều nhận định cho thấy tình trạng nhiễu loạn giá bán phân bón, gây bức xúc trong bà con nông dân. "Người trần mắt thịt" Bỏ ra 42 triệu đồng để mua gần 3 tấn phân bón cho cây trồng có thêm năng suất, nhưng trớ trêu là gần 3 ha càphê của gia đình ông Đặng Thanh Nhàn, thôn 2, xã Trường Xuân, huyện Đắk Song, tỉnh Đăk Nông sau khi được bón thúc đã bị rụng lá, quả héo non, cây chết dần. Ngay sau đó, ông đã làm đơn phản ánh đến nơi bán loại phân bón này là Công ty Cổ phần vật tư Tổng hợp và Phân bón hóa sinh (Địa chỉ: Ấp 5, đường số 8, xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh) và nhận được lời giải thích của nhân viên công ty là "hàng chậm tan". Ngay sau đó, công ty đã đền bù cho gia đình ông Dũng 120kg phân bón, trong đó chỉ có 20kg có nhãn hiệu của công ty, còn lại 100kg không có nhãn hiệu, coi như đã khắc phục hậu quả. Sau khi nhận được phản ánh, Chi cục Quản lý thị trường địa phương đã vào cuộc và xử phạt công ty này. Tuy nhiên, theo ông Nhàn, doanh nghiệp chỉ bị phạt 55 triệu đồng còn thiệt hại của gia đình ông phải bỏ ra cho diện tích càphê lên tới nửa tỷ đồng. "Tiền mất tật mang, hậu quả thì nặng nề, không chỉ một vụ cây trồng mất mùa mà phải cần thêm 3 năm làm việc cật lực thì vườn càphê mới có thể phục hồi và cho hoa trái, chưa kể còn ảnh hưởng lâu dài đến thổ nhưỡng..." ông Nhàn buồn bã. Cùng chung cảnh ngộ, ông Nguyễn Đắc Tranh, huyện Gia Bình tỉnh Bắc Ninh cũng bỏ ra 4 triệu đồng để mua phân NPK về bón cho cây lúa, nhưng đau xót là ông cũng mua phải phân bón giả, nên sau một thời gian cây lúa cũng không phát triển. Ông Dũng cho hay, cả thôn có trên 300 hộ dân thì quá nửa các hộ đã mua phải phân bón giả của công ty này và hầu hết vụ mùa đó đều bị trắng tay. "Nếu nhìn bằng mắt thường thì nông dân như chúng tôi không thể nhận biết được đâu là loại phân bón có chất lượng và kém chất lượng, bởi hiện nay công nghệ sản xuất phân bón rất hiện đại," ông Dũng bộc bạch.
Dây chuyền sản xuất phân bón NPK Đầu Trâu cung cấp ra thị trường. (Ảnh: TTXVN)
Không chỉ về chất lượng, tình trạng nhiễu loạn giá bán cũng là gánh nặng cho bà con nông dân. Theo phản ánh của ông Hoàng Quốc Việt, tại thị trường miền Tây Nam bộ, số lượng, chủng loại phân bón NPK rất đa dạng, tuy cùng một mặt hàng nhưng giá bán chênh lệch nhau khoảng 3.000 đồng/kg và người nông dân như lạc vào "ma trận phân bón." "Đã đến lúc doanh nghiệp lớn phải công bố giá từng vùng là bao nhiêu, thậm chí các thành viên hiệp hội phải ngồi lại với nhau để có thể đưa ra mức giá bán phù hợp, bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng," ông Đỗ Thanh Lam, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường nhấn mạnh tại buổi tọa đàm. 5 bộ quản, thị trường vẫn nhiều loạn Số liệu thống kê chưa đầy đủ của Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương), 9 tháng đầu năm nay, lực lượng Quản lý thị trường đã xử lý 350 vụ vi phạm về phân bón, thu hơn 700 tấn với những hành vi chủ yếu như vi phạm về đăng ký kinh doanh, hàng giả, hàng nhái. Tuy nhiên, vấn nạn phân bón giả vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ. Theo ông Phùng Hà, Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương), phân bón giả và kém chất lượng đã là vấn nạn từ lây nay, tình trạng này xuất hiện ở 3 khâu là sản xuất (chủ yếu là phân NPK và phân hữu cơ), lưu thông trên thị trường và nhập khẩu. "Mặc dù đã có Nghị định xử phạt đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón giả nhưng ông Hà cho rằng, do mức xử phạt nhẹ nên không đủ chất răn đe. Ngoài ra, nhiều địa phương còn xuê xoa trong xử phạt, lực lượng thanh tra mỏng nên hoạt động hậu kiểm cũng chưa đạt như mong muốn nên tình trạng phân bón giả vẫn còn tồn tại," ông Phùng Hà nhấn mạnh. Theo quy định hiện hành, mặt hàng phân bón có tới 5 bộ quản lý và trách nhiệm chính thuộc về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, song ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng Phòng Thanh tra chuyên ngành, Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn cũng đổ lỗi do lực lượng thanh tra còn quá mỏng, phải phối hợp với các ngành chức năng khác. Ngoài ra, phải thu mẫu để kiểm tra (chờ đợi một thời gian mới có kết quả) nên việc xử lý cũng gặp nhiều khó khăn hơn. "Với trường hợp hai hộ nông dân vừa nêu đã mua phải phân bón giả thì chúng tôi cũng rất 'áy náy.' Tuy nhiên, việc thanh kiểm tra là phải truy xuất từ nguồn gốc chứ không chỉ xử lý riêng đại lý, vì thế việc xử lý vi phạm trong sản xuất, kinh doanh phân bón chưa kịp thời, triệt để," ông Dũng nêu ý kiến. Để lập lại trật tự trên thị trường này, hiện Bộ Công Thương đã hoàn tất dự thảo nghị định về quản lý phân bón thay thế, Nghị định 113/2003/NĐ-CP và Nghị định 191/2007/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 113/2003/NĐ-CP về quản lý sản xuất, kinh doanh phân bón. Trong đó sẽ phân công rõ trách nhiệm quản lý nhà nước về phân bón, điều kiện để các tổ chức, cá nhân được cấp phép sản xuất phân bón như phải đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực; hệ thống quản lý chất lượng đảm bảo chất lượng phân bón... Theo lãnh đạo Cục Hóa chất, dự thảo về Nghị định mới về kinh doanh phân bón cũng kiến nghị đưa mặt hàng này là ngành kinh doanh có điều kiện nhằm khắc phục được những điều còn thiếu trong các văn bản trước, đó là phải có quy định cụ thể phân bón là gì, chất dinh dưỡng là gì, thế nào là phân bón giả… Ngoài ra, khi có nhiều cơ quan cùng tham gia quản lý thì phải chỉ định cơ quan nào chịu trách nhiệm chính, cơ quan nào phối hợp; tổ chức đoàn thanh tra liên ngành duy nhất để tránh việc liên tục kiểm tra tại doanh nghiệp; đoàn thanh tra sau phải công nhận kết quả của đoàn trước, nếu nghi ngờ thì đưa ra trọng tài. [Cần chế tài đủ mạnh để ổn định thị trường phân bón] Trong khi chờ các biện pháp mạnh từ phía cơ quan chức năng, người nông dân vẫn rất cần những thông tin về chất lượng phân bón cũng như giá cả hợp lý để có thể bám ruộng, ổn định đời sống./.
Bộ Công Thương cho biết mỗi năm Việt Nam cần khoảng 10 triệu tấn phân bón các loại (cả vô cơ và hữu cơ), hiện nguồn sản xuất trong nước đáp ứng được khoảng 80%, còn lại phải nhập khẩu 20% và nguồn nhập khẩu chính vẫn từ Trung Quốc.
6 tháng đầu năm 2013, qua kiểm tra các doanh nghiệp phía Nam, Cục Quản lý thị trường đã phát hiện có doanh nghiệp trộn cả bột đá, đất sét, cao lanh vào để làm phân bón khiến hàm lượng chất dinh dưỡng kém, không đủ tiêu chuẩn cho cây trồng.
Đáng buồn hơn, còn có cả thành viên trong Hiệp hội phân bón Việt Nam cũng có dấu hiệu vi phạm.
|
Đức Duy (Vietnam+)