Thị trường phái sinh với sản phẩm ‘nghèo nàn’ rất dễ bị thao túng

Thị trường chứng khoán phái sinh chỉ với một sản phẩm được xây dựng trên cơ sở chỉ số VN30 là quá “đơn điệu” và dễ bị thao túng, ảnh hưởng đến thị trường cơ sở.
Các thị trường chứng khoán non trẻ rất dễ xuất hiện những nhóm đầu tư thao túng từ thị trường cơ sở và đến sản phẩm phái sinh. (Ảnh minh họa. Nguồn: PV/Vietnam+)

Thị trường chứng khoán có sự điều chỉnh về chỉ số trong năm 2018, VN-Index giảm 9,32% so với cuối năm 2017, tuy nhiên trong quý 1 năm nay đã có sự khởi sắc, VN-Index đã tăng 9,88% so với cuối năm 2018.

Để có cái nhìn tổng quan về những biến động của thị trường trong thời qua, VietnamPlus đã có cuộc trò chuyện với ông Phạm Tuyến, Giám đốc Môi giới Công ty Chứng khoán KIS.

Quy mô thị trường gắn với sự lớn mạnh của doanh nghiệp

-         Thời gian trở lại đây, kinh tế vĩ mô ghi nhận những bước tăng trưởng khả quan, những yếu tố này đã phản ánh vào thị trường chứng khoán như thế nào?

Ông Phạm Tuyến: Sau gần hai thập kỷ, thị trường chứng khoán Việt Nam có sự tăng trưởng mạnh mẽ, quy mô thị trường ngày càng gia tăng. Riêng trên sàn HoSE, giá trị cổ phiếu niêm yết giao dịch bình quân đạt 5.427 tỷ đồng/phiên trong năm 2018.

Sang năm 2019, trong tháng đầu năm hoạt động giao dịch có giảm song tới tháng 2 và 3 quy mô giao dịch bình quân đã hồi phục trở lại, lần lượt đạt 2.671 tỷ đồng/phiên, 4.342 tỷ đồng/phiên, 4.727 tỷ đồng/phiên.

Bên cạnh đó, thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục hấp dẫn dòng tiền đầu tư nước ngoài, khối ngoại mua ròng trong năm 2018 là 41.244 tỷ đồng (tại HoSE) và tiếp tục mua ròng 5.040 tỷ đồng ở quý 1 năm nay.

Cùng với đó là sự lớn mạnh không ngừng từ khối doanh nghiệp cũng như quá trình cổ phần hóa, thoái vốn của nhiều doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân..., điều này đã tạo nên chất lượng hàng hóa trên thị trường ngày càng nâng cao.

[59 tổ chức quốc tế quản lý 250 tỷ USD ký cam kết đầu tư tạo tác động]

Theo tôi, thắng lợi của tăng trưởng kinh tế nói chung trong những năm qua không thế thiếu vắng sự phát triển của các doanh nghiệp niêm yết. Và phải ghi nhận những đóng góp của thị trường, bởi bản thân các doanh nghiệp niêm yết không thể tự vận động nếu không có nguồn vốn của các cổ đông.

Nhìn lại diễn biến từ những năm qua có thể thấy, việc tăng quy mô thị trường luôn gắn liền với sự phát triển ngày càng lớn mạnh của các tổ chức niêm yết. Nhiều doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân sau khi cổ phần hóa được đưa lên sàn đã tạo nên “dấu ấn Việt Nam,” nhiều tỷ phú đã xuất hiện với những đóng lớn vào nền kinh tế, như Tập đoàn VINCOM, Tập đoàn Hòa Phát, Hãng hàng không VietJet, Công ty Sữa Việt Nam –VINAMILK, Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, Tập đoàn Masan, Ngân hàng Techcombank…

Có hay không các hoạt động thao túng?

-         Với những sản phẩm chất lượng cùng tín hiệu lạc quan của nền kinh tế thì điều gì đã khiến cho thị trường có những biến động về chỉ số như thời gian qua?

Ông Phạm Tuyến: Với những nhà đầu tư và các thành viên có thời gian dài gắn bó với thị trường, những “cảm nhận” về hoạt động thao túng từ các sản phẩm phái sinh đang gây nên sự xáo trộn trên thị trường cơ sở mà trước đây chưa từng diễn ra. Cụ thể, từ khi sản phẩm phái sinh chỉ số VN30 ra đời cho đến nay được gần 2 năm, thị trường chứng khoán cơ sở luôn ở trong tình trạng biến động lớn và gây “mất mát” lớn không chỉ về tiền bạc mà còn ảnh hưởng đến niềm tin ở nhà đầu tư đối với thị trường chứng khoán Việt Nam.

Trên thực tế, dù là nhà đầu tư lâu năm hay nhà đầu tư mới, những quỹ đầu tư nước ngoài hay trong nước, tất cả đều thấu hiểu sản phẩm phái sinh không phải là nơi để doanh nghiệp huy động vốn mà đây chính là sân chơi ngắn hạn và có tính rủi ro cao với tỷ lệ mất mát khá lớn.

Do đó, các thị trường chứng khoán non trẻ rất dễ xuất hiện các nhóm đầu tư thao túng từ thị trường cơ sở và đến sản phẩm phái sinh.

Trên thị trường cơ sở, việc tác động đến chỉ số đối với các nhóm thao túng là có thể xảy ra, do sự ảnh hưởng của một nhóm cổ phiếu lớn gây tác động đến chỉ số chung của toàn thị trường. Nhóm này nắm nguồn lực về tài chính và dễ dàng thao túng việc tăng hay giảm của các mã cổ phiếu trong rổ có ảnh hưởng chỉ số VN-Index và VN30 nói riêng.

Đối với sản phẩm phái sinh cũng tương tự, ngoài việc tác động lên chỉ số của nhóm VN30 (bao gồm 30 cổ phiếu có vốn hóa lớn và có tác động lớn nhất đến chỉ số của thị trường), thì việc mua hay bán trên các hợp đồng tương lai cũng được tác động tương tự như việc thao túng giá các cổ phiếu.

Thị trường chứng khoán ngày càng đòi hỏi các sản phẩm mới phù hợp hơn, như sản phẩm phái sinh dựa trên bộ chỉ số VN100 hoặc VN150 thay vì chỉ có VN30. (Ảnh minh họa. (Nguồn: PV/Vietnam+)

Gia tăng các sản phẩm phái sinh

-         Là thành viên của thị trường, ông trông đợi điều gì để hướng tới sự lành mạnh hóa trên thị trường chứng khoán cơ sơ cũng như thị trường phái sinh?

Ông Phạm Tuyến: Thị trường chứng khoán phái sinh chỉ với một sản phẩm được xây dựng trên cơ sở chỉ số VN30 như hiện nay là quá “đơn điệu.”

Việc xây dựng sản phẩm phái sinh để phát triển thị trường và tạo thêm công cụ cho nhà đầu tư là hoàn toàn hợp lý. Nhưng, các cơ quan quản lý xây dựng ra các sản phẩm phải có tính thay đổi và linh hoạt thay vì chậm chễ như hiện nay.

Thị trường chứng khoán ngày càng đòi hỏi các sản phẩm mới phù hợp hơn, như sản phẩm phái sinh dựa trên bộ chỉ số VN100 hoặc VN150 thay vì chỉ có VN30.

Cùng với quá trình xây dựng sản phẩm phái sinh mới phù hợp với thực trạng của thị trường, các sở giao dịch cũng nên sớm triển khai sản phẩm phái sinh hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ và chứng quyền có đảm bảo.

Kinh nghiệp từ các nước tiên tiến trên thế giới, thị trường có thể xem xét bỏ đi những sản phẩm phái sinh liên quan đến chứng khoán cơ sở, thay vào đó chỉ phát triển sản phẩm hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ và chứng quyền có đảm bảo. Bởi, sản phẩm phái sinh hiện nay ẩn chứa những nhân tố tiềm ẩn gây ra những biến động khó lường trên thị trường, mà ở đó một nhóm hay một số nhóm có thể thao túng thị trường cơ sở cũng như sản phẩm phái sinh nhằm thu lợi nhuận từ các thị trường này. Việc làm trên sẽ làm xáo trộn và mất đi sự cân bằng, sự phát triển lành mạnh thị trường chứng khoán Việt Nam theo chủ trương của Chính phủ cũng như giới đầu tư mong đợi.

Theo tôi, để các doanh nghiệp, các doanh nhân, nhà đầu tư trong nước và quốc tế tiếp tục có niềm tin vào sự phát triển của thị trường, Chính phủ cần chỉ đạo, giao Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tập trung hơn nữa trong việc phát triển các sản phẩm chứng khoán cũng như cần có chế tài đủ mạnh để nhằm tạo ra môi trường đầu tư ổn định, minh bạch và công bằng.

Cá nhân tôi cho rằng, cần khởi tố một vài vụ việc điển hình đối với những hành vi thao túng để làm “sạch” thị trường. Những vụ việc thao túng thị trường chứng khoán cơ sở, thao túng hợp đồng tương lai chỉ số cần có các cơ quan thanh tra, giám sát và công an vào cuộc, từ đó gia tăng niềm tin với giới đầu tư tham gia vào thị trường giúp cho quá trình huy động vốn, luân chuyển vốn trong doanh nghiệp, cho nền kinh tế được phát triển.

Về giải pháp trước mắt, tôi cho rằng thị trường cần thiết phải xây dựng sản phẩm phái sinh có tính linh hoạt, dựa trên rổ cổ phiếu lớn từ thị trường cơ sở đồng thời cần tăng tỷ lệ ký quỹ khi giao dịch sản phẩm này, nhằm tránh những rủi ro cũng như tác động xấu đến thị trường cơ sở như hai năm gần đây là khá rõ.

Bên cạnh đó, các cơ quan thanh tra giám sát thị trường cũng như các sở giao dịch cần tăng cường hơn nữa chức năng nhiệm vụ của mình để tìm kiếm những sai phạm trên thị trường. Ngoài ra quá trình thoái vốn doanh nghiệp Nhà  nước cần tiếp tục đẩy mạnh cùng với đó Chính phủ cân nhắc, xem xét cho phép nhà đầu tư nước ngoài được gia tăng tỷ lệ sở hữu đối với một số nhóm cổ phiếu trên thị trường./.

(Nhấp chuột vào ảnh để xem kích thước chuẩn)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục