Tuần qua (ngày 31/8 đến 5/9), giá lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long có xu hướng ổn định sau một thời gian dài tăng giá trong tháng Tám.
Giá tiêu cũng giữ giá ngang bằng với tuần trước, chỉ có giá càphê nhích tăng nhẹ.
Thị trường nông sản trong nước
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn An Giang, giá lúa tươi thường tại tỉnh dao động từ 5.850-6.100 đồng/kg, tương đương tuần trước; các loại lúa chất lượng cũng có giá đi ngang, cụ thể Jasmine từ 6.000 - 6.300 đồng/kg, lúa OM từ 5.950-6.200 đồng/kg.
Giá lúa Hè Thu cuối vụ ở Đồng Thấp tăng từ 300-600 đồng/kg so với tháng trước. Hiện lúa tươi giống IR 50404 có giá 5.900-6.000 đồng/kg; OM 5451 giá 6.000 đồng/kg; Đài thơm 8 giá 6.000 đồng/kg; Jasmine giá 6.100 đồng/kg; OM 6976 giá 5.900-6.000 đồng/kg.
Nhiều nông dân thu hoạch lúa Hè Thu muộn trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp rất phấn khởi vì lúa tươi được doanh nghiệp thu mua với giá cao. Giá lúa tăng là do thị trường tiêu thụ nội địa và xuất khẩu có dấu hiệu hút hàng.
[Infographics] Ngành nông nghiệp xuất siêu 6,2 tỷ USD trong 8 tháng
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tính chung giá lúa gạo trong tháng 8 tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tăng so với tháng Bảy.
Thu hoạch vụ Hè Thu cơ bản đã gần hoàn tất, nguồn cung hạn chế khiến cho giá lúa tăng trung bình từ 200-300 đồng/kg.
Riêng tại Cần Thơ, giá lúa được ghi nhận ở mức cao so với cùng kỳ 5 năm trở lại đây. Từ đầu tháng Tám đến nay giá lúa tại Cần Thơ liên tục tăng, trung bình 500 đồng/kg.
Theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương Mại - Bộ Công Thương, gạo 5% tấm của Việt Nam giá tuần này tăng lên 490 USD/tấn, so với 480-490 USD/tấn của tuần trước, do nguồn cung khan hiếm.
Tuy nhiên, các thương gia cho biết nhu cầu yếu có thể cản trở giá tăng thêm nữa trong những tuần tới. Nguồn cung trên thị trường Việt Nam sẽ không tăng cho tới vụ thu hoạch mới.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo 8 tháng năm 2020 đạt 4,5 triệu tấn với 2,2 tỷ USD, giảm 1,7% về khối lượng nhưng tăng 10,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Giá gạo xuất khẩu bình quân 7 tháng đạt 487,2 USD/tấn, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2019.
Giá gạo xuất khẩu Việt Nam tăng lên mức cao nhất kể từ cuối năm 2011 do tác động từ yếu tố mùa vụ, hiện vụ thu hoạch Hè Thu đã gần kết thúc nên nguồn cung bị thu hẹp hơn; ngoài ra, dịch COVID-19 tái bùng phát khiến nhiều tác nhân trong chuỗi tăng cường dự trữ. Dự báo giá sẽ tiếp tục tăng trong vài tháng tới cho đến khi vụ thu hoạch mới vào khoảng tháng 10.
Theo xu hướng càphê thế giới, giá cà phê trong nước tuần qua cũng tăng khá. Theo Diễn đàn của người làm cà phê, giá càphê nhân xô tại thị trường Tây Nguyên tăng 100-200 đồng, lên dao động trong khung 33.500-33.900 đồng/kg.
Tại cảng Thành phố Hồ Chí Minh, giá càphê Robusta xuất khẩu loại 2,5% đen vỡ, đứng ở 1.544 USD/tấn, với mức chênh lệch cộng 90-100 USD/tấn theo giá kỳ hạn tháng 11 tại London.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, xuất khẩu càphê 8 tháng đạt 1,16 triệu tấn với 1,98 tỷ USD, giảm 1,3% về khối lượng và giảm 1,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.
Thị trường càphê trong nước biến động tăng cùng xu hướng thị trường thế giới.
So với tháng 7/2020, giá càphê vối nhân xô các tỉnh Tây Nguyên tăng 800 đồng/kg lên mức 32.900-33.400 đồng/kg.
Giá càphê cao nhất ở khu vực tỉnh Đắk Lắk và thấp nhất tại khu vực tỉnh Lâm Đồng.
Càphê Robusta giá FOB giao tại cảng Thành phố Hồ Chí Minh tăng 0,6% lên mức 34.400 đồng/kg.
Một số địa phương trồng cà phê tại khu vực Tây Nguyên gặp khó khăn với tình trạng thiếu nước kéo dài, cùng với sản lượng thấp có thể sẽ đẩy giá nội địa tăng trong thời gian tới.
Trong tuần, giá tiêu tại khu vực trọng điểm Tây Nguyên giao dịch ở quanh mức 47.500-50.000 đồng/kg, tương đương với tuần trước. Ngưỡng cao nhất tại Bà Rịa - Vũng Tàu đã chạm mức 50.000 đồng/kg. Gia Lai và Đồng Nai chốt mức thấp nhất, các tỉnh còn lại ở mức 47.500 đồng/kg.
Thị trường nông sản thế giới
Trên thị trường nông sản Mỹ, kết thúc phiên giao dịch 4/9, giá các loại nông sản giao kỳ hạn trên sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT), Mỹ, diễn biến trái chiều; giá ngô và đậu tương đều tăng, trong khi giá lúa mỳ giảm.
Cụ thể, giá ngô giao tháng 12/2020 khép phiên 4/9 tăng 4,25 xu Mỹ (1,2%) lên 3,58 USD/bushel và giá đậu tương giao tháng 11/2020 tăng 2 xu Mỹ (0,21%) lên 9,68 USD/bushel.
Ở chiều ngược lại, giá lúa mỳ giao tháng 12/2020 chốt phiên với mức giảm 3 xu Mỹ (0,54%) xuống 5,5025 USD/bushel. (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).
Công ty tư vấn AgResource, có trụ sở tại Chicago, cho hay giá ngô và đậu tương tăng là nhờ nhu cầu nhập khẩu từ Trung Quốc gia tăng.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) thông báo khoảng 318.000 tấn đậu tương Mỹ đã được xuất khẩu sang Trung Quốc.
Cơ quan này ước tính Trung Quốc đã đặt mua gần 20,5 triệu tấn đậu tương Mỹ và con số này có thể tăng lên 26-28 triệu tấn trong niên vụ 2020/2021.
Trung Quốc cũng đã đặt mua gần 1,2 triệu tấn ngô Mỹ trong tuần này. Trong khi đó, mặt hàng lúa mỳ của Mỹ không nhận được sự quan tâm từ khách hàng Trung Quốc. Trung Quốc đã đặt 250.000 tấn lúa mì HRW/HRS của Mỹ trong tuần trước.
Về thị trường gạo châu Á, giá gạo xuất khẩu tại thị trường Thái Lan đã giảm xuống trong tuần này, kết thúc chuỗi ba tuần tăng giá liên tiếp do đồng baht yếu đi theo sau sự kiện Bộ trưởng Tài chính Thái Lan đột ngột xin từ chức vì lý do sức khỏe. Trong khi đó, giá gạo Việt Nam tăng lên do nguồn cung giảm.
Giá gạo 5% tấm của Thái Lan đã giảm xuống 500-513 USD/tấn trong phiên ngày 3/9, so với mức 500-520 USD/tấn trong tuần trước.
Đồng baht đã bị tác động bởi sự từ chức đột ngột của Bộ trưởng Tài chính vừa được bổ nhiệm, Predee Daochai, qua đó làm gia tăng sự bất ổn cho nền kinh tế vốn đang bị ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19. Bên cạnh đó, nguồn cung gạo mới (từ vụ thu hoạch vừa kết thúc trong tháng này) cũng góp phần khiến giá gạo giảm.
Giá gạo đồ 5% tấm của nước xuất khẩu hàng đầu Ấn Độ không đổi ở mức 384-390 USD/tấn.
Một nhà xuất khẩu tại Kakinada, bang Andhra Pradesh, cho biết các nhà xuất khẩu không tiến hành bất kỳ sự thay đổi nào về giá bán, nhưng họ sẽ phải tăng giá nếu đồng rupee tăng cao. Đồng rupee đã tăng khoảng 3% trong hai tuần qua.
Về thị trường càphê thế giới, giá càphê đã tăng lên mức cao của 8 tháng rưỡi trong phiên ngày 4/9 do lượng hàng tại các kho dự trữ giảm và sản lượng cà phê tại Colombia, nhà sản xuất hạt càphê Arabica lớn thứ hai, ở mức thấp.
Giá càphê có xu hướng cao hơn trong ba tuần qua do nguồn cung giảm dần. Lượng càphê Arabica do ICE theo dõi đã giảm xuống mức thấp nhất trong 20 năm rưỡi qua là 1,192 triệu bao (1 bao = 60kg) trong ngày 3/9.
Ngoài ra, lượng càphê Robusta do ICE giám sát đã giảm xuống mức thấp nhất trong 20 tháng là 10.908 lot (1 lot=10 tấn) vào ngày 28/8.
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, trên sàn ICE Europe-London, giá càphê Robusta giao tháng 11/2020 tăng 8 USD lên 1.444 USD/tấn và kỳ hạn giao tháng 1/2021 cũng tăng 8 USD, lên 1.454 USD/tấn.
Trong khi đó, giá càphê Arabica trên sàn ICE US - New York giao tháng 12/2020 tăng 2,8 xu Mỹ, lên 134 xu Mỹ/pound (1 pound = 1,454kg) và kỳ hạn giao tháng 3/2021 tăng 2,9 xu Mỹ lên 134,55 xu Mỹ/pound.
Thời tiết khô hạn gần đây tại Minas Gerais, khu vực trồng càphê lớn nhất Brazil, có thể khiến sản lượng càphê thấp hơn và làm tăng giá càphê.
Giá càphê cũng được hỗ trợ bởi số liệu từ ICO đưa ra ngày 1/9 cho thấy xuất khẩu càphê toàn cầu trong niên vụ 2019/2020 (trong thời gian từ tháng 10/2019-7/2020) giảm 5,3% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống 106,59 triệu bao.
Triển vọng sản lượng càphê thấp hơn tại Việt Nam, nhà sản xuất càphê Robusta lớn nhất thế giới, cũng đang hỗ trợ giá càphê Robusta./.