Trong tuần qua, giá lúa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục có xu hướng giảm nhẹ, trừ một số loại gạo, trong khi giá càphê tăng.
Còn trên thị trường thế giới, giá gạo Ấn Độ thấp nhất 3 tháng.
Về mặt hàng lúa gạo, theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang, giá một số loại lúa trên địa bàn tỉnh trong tuần qua tiếp tục giảm nhẹ.
Giá lúa tươi thường tại tỉnh dao động từ 5.900-6.100 đồng/kg, giảm từ 100-200 đồng/kg so với cuối tuần trước.
Một số loại lúa chất lượng cao như OM từ 5.900-6.100 đồng/kg, giảm 100-200 đồng/kg tùy loại; Đài Thơm 8 từ 6.300-6.500 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg. Lúa Nhật vẫn giữ ổn định từ 7.500-7.600 đồng/kg.
Trong khi đó, giá một số mặt hàng gạo tại An Giang lại có xu hướng ổn định. Cụ thể, gạo Hương Lài 18.000 đồng/kg, gạo Nhật là 24.000 đồng/kg, nếp từ 13.000-14.000 đồng/kg, riêng gạo Jasmine từ 14.000-15.000 đồng/kg.
Đặc biệt, riêng giá gạo thường dao động ở mức từ 11.000-12.000 đồng/kg, tăng 500 đồng/kg.
Hiện nhiều địa phương trong vùng vẫn đang đẩy nhanh thu hoạch lúa Đông Xuân và dự kiến cuối tháng sẽ thu hoạch dứt điểm.
Tại miền Bắc, theo Trung tâm Bảo vệ Thực vật Miền Bắc, hiện các trà lúa Đông Xuân sớm đang trong giai đoạn trỗ và chín, trà chính đang phân hóa đòng, trà muộn đang đẻ nhánh rộ.
[Tiêu thụ nông sản trong tình huống khẩn cấp: Hệ quả từ đối lập tư duy]
Chi cục trồng trọt và Bảo vệ thực vật các tỉnh trọng điểm lúa phía Bắc như Nam Định, Ninh Bình, Thái Bình, Hải Phòng, Phú Thọ… đều có chung đánh giá, dù tình hình các bệnh gây hại trên lúa không căng thẳng như vụ Đông Xuân 2019-2020, song sâu cuốn lá nhỏ thời gian kéo dài hơn, tập trung ra vào giai đoạn 27/4-8/5, rầy lứa hai có thể xuất hiện sớm hơn sâu cuốn lá nhỏ, nên các tỉnh đang khuyến cáo nông dân tập trung phun phòng trừ vào cuối tháng 4, không để sang đầu tháng 5.
Về mặt hàng càphê, giá càphê ở khu vực Tây Nguyên trong tuần qua tiếp tục có xu hướng tăng. Theo Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn, giá càphê dao động ở mức 32.100-32.800 đồng/kg, tăng 300 đồng/kg so với cuối tuần trước. Giá càphê thấp nhất tại Lâm Đồng là 32.100 đồng.
Tại các địa phương khác như Gia Lai là 32.800 đồng/kg; Kon Tum là 32.600 đồng/kg; Đắk Lắk là từ 32.900-33.100 đồng/kg.
Theo một nghiên cứu mới được Viện Nghiên cứu và Phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam (Bộ Khoa học và Công nghệ) công bố, để phát triển bền vững, thân thiện với môi trường, đáp ứng các điều khoản trong các hiệp định thương mại tự do, ngành càphê của nước ta cần được xây dựng theo hướng "có trách nhiệm" và "xanh" hơn.
Với sự tài trợ, hỗ trợ kỹ thuật từ Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) và Chính phủ Thụy Điển, dự án "Thúc đẩy kinh doanh có trách nhiệm với môi trường cho hai ngành càphê và rau quả ở Việt Nam" nghiên cứu cho thấy, châu Âu-thị trường chiếm tới hơn 40% lượng càphê xuất khẩu của Việt Nam, luôn khuyến khích và sẵn sàng "cộng điểm" cho quy trình sản xuất "có trách nhiệm," thân thiện với môi trường.
Trong khi đó, người tiêu dùng tại Hoa Kỳ-thị trường tiêu thụ càphê lớn thứ 2 của nước ta đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam cam kết thực hiện nghiêm nhiều tiêu chuẩn về chất lượng, môi trường. Tương tự, Nga và Australia cũng đặt ra nhiều quy định liên quan đến môi trường khắt khe đối với càphê nhập khẩu.
Nhằm đáp ứng những yêu cầu này, nhiều doanh nghiệp trồng càphê của Việt Nam đã tích cực ứng dụng công nghệ vào dây chuyền sản xuất nhằm thiết thực bảo vệ môi trường.
Trên thị trường thế giới, giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ giảm xuống mức thấp nhất 3 tháng trong tuần này do đồng rupee và nhu cầu giảm, trong khi giá gạo Thái Lan tăng cao nhờ đồng baht mạnh lên và chi chi vận chuyển tăng cao.
Giá gạo 5% tấm của Ấn Độ, nhà xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, đã giảm xuống 386-390 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ ngày 21/1. Bên cạnh đó tuần trước giá gạo loại này được giao dịch ở mức 388-392 USD/tấn. Đồng rupee đã giảm xuống mức thấp nhất trong 9 tháng, giúp tăng biên độ lợi nhuận của các thương nhân bán hàng ra nước ngoài.
Giá gạo 5% tấm của Thái Lan lại tăng lên 467-500 USD/tấn, từ mức tương ứng 465-482 USD/tấn vào tuần trước, nhờ đồng baht mạnh lên so với đồng USD.
Trong khi đó, gạo 5% tấm của Việt Nam gần như không đổi so với giá tuần trước, ở mức 485-495 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ tháng 12/2020. Theo các thương lái tại tỉnh An Giang, giao dịch chậm do các nhà nhập khẩu đang chờ giá giảm thêm.
Thêm vào đó là nguồn cung hạn chế bởi lo ngại tình hình dịch COVID-19 tại Campuchia và Ấn Độ có thể đẩy giá gạo xuống thấp hơn nữa.
Các thương lái dự báo giá gạo xuất khẩu của Việt Nam sẽ ở mức 700.000-800.000 tấn trong tháng này, tăng so với mức 539.040 tấn trong tháng Ba.
Thị trường nông sản Mỹ tăng trong phiên giao dịch cuối tuần (23/4) với giá lúa mì tăng nhiều nhất.
Chốt phiên này, giá ngô giao tháng 7/2021 tăng 1 xu Mỹ (0,16%) lên 6,325 USD/bushel. Giá lúa mì giao cùng kỳ hạn cũng tăng 1,75 xu Mỹ (0,25%), lên 7,1225 USD/bushel.
Giá đậu tương giao tháng 7/2021 tăng 1,75 xu Mỹ (0,12%), đóng cửa ở mức 15,16 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) thông báo rằng 336.000 tấn ngô đã được bán cho một khách hàng không công bố danh tính của Trung Quốc mua 132.000 tấn đậu tương của Mỹ trong niên vụ 2020-2021.
Lượng mưa trên các đồng bằng phía Bắc Mỹ và các khu vực thảo nguyên của Canada sẽ là yếu tố quyết định trực tiếp giá lúa mỳ, bởi sản lượng lúa mì của Nga ước tính sẽ giảm. Thời tiết ở Mỹ và các thị trường hoa màu thương mại sẽ quyết định giá trên sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT) vào tuần tới với sự biến động đáng kể của thị trường.
Thị trường càphê thế giới cho thấy, giá càphê kỳ hạn trên thế giới tiếp tục diễn biến trái chiều trên cả hai sàn trong phiên 23/4, nhưng trái ngược hẳn so với phiên trước đó.
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá càphê Robusta tại London giao tháng 7/2021 giảm 2 USD xuống 1.408 USD/tấn. Trong khi đó trên sàn New York, giá càphê Arabica giao tháng 7/2021 tăng 1,95 xu Mỹ lên 136,15 xu Mỹ/lb (1 lb = 0,454 kg).
Giá càphê Robusta trên sàn London đã điều chỉnh giảm nhẹ sau khi tăng 3 phiên liên tiếp. Trong khi giá càphê Arabica tăng mạnh trở lại. Hiện giá càphê Arabica đã vượt qua mức đỉnh của tháng này. Còn giá càphê Robusta vẫn giữ được mức cao nhất 3 tuần qua.
Một loạt các thông tin tiêu cực về dịch COVID-19 đang bao trùm lên thị trường. Ấn Độ ghi nhận hơn 250,000 ca dương tính mới cùng 1.700 ca tử vong.
Trong khi đó, Nhật Bản phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp với 3 thành phố lớn Tokyo, Osaka, Hyogo từ ngày 29/4-9/5, thời điểm trùng với đợt nghỉ lễ "Tuần lễ Vàng" khiến cho nhu cầu tiêu thụ có khả năng sụt giảm mạnh./.