Tuần qua (ngày 5-10/10), giá lúa ở một số địa phương Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục giữ ổn định. Trong khi đó, giá càphê phục hồi với mức tăng nhẹ.
Thị trường nông sản trong nước
Giá lúa gạo tuần qua tại các tỉnh Đồng bằng Sông Cửu Long tiếp tục duy trì ổn định. Thị trường giao dịch trầm lắng.
Giá gạo nguyên liệu xuất khẩu tiếp tục ổn định. Gạo nguyên liệu IR 50404 Hè Thu ở mức 8.850 đồng/kg, loại gạo thành phẩm IR 50404 Hè Thu 10.200 đồng/kg; tấm loại 1 IR 50404 Hè Thu ổn định ở mức 9.000 đồng/kg và cám vàng là 5.950 đồng/kg.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang, giá lúa tươi thường tại tỉnh dao động từ 5.800-6.000 đồng/kg, tương đương tuần trước; các loại lúa chất lượng cao cũng có giá ổn định, cụ thể Jasmine từ 6.100-6.300 đồng/kg, lúa OM từ 5.800-6.100 đồng/kg.
[Nâng cao chất lượng để gạo Việt Nam chiếm lĩnh các thị trường]
Các mặt hàng gạo tại thị trường An Giang không đổi so với tuần trước: gạo thường 10.000-11.500 đồng/kg; gạo thơm Jasmine 15.000-15.500 đồng/kg; gạo thơm Đài Loan 21.200 đồng/kg; gạo nàng hoa 15.500 đồng/kg, gạo trắng thông dụng 11.500 đồng/kg, gạo Nhật 22.500 đồng/kg...
Tại nhiều địa phương như Cần Thơ, Sóc Trăng, An Giang... người dân đang bước vào thu hoạch vụ lúa Thu Đông.
Tại Cần Thơ, lúa thu hoạch đạt trên 90% diện tích, năng suất bình quân 53,95 tạ/ha, cao hơn 2,21 tạ/ha so với vụ Thu Đông 2019.
Không những trúng mùa mà giá lúa năm nay nông dân bán được khá cao.
Giá lúa thơm Jasmine 85 và giống Ðài Thơm 8 tại thành phố Cần Thơ được nông dân bán tươi ngay tại ruộng cho thương lái ở mức từ 6.100-6.300 đồng/kg, các loại lúa tươi hạt dài như OM 5451, OM 4218, OM 6976, OM 9577, OM 9582... hiện có giá từ 5.600-6.000 đồng/kg; lúa tươi IR 50404 có giá khoảng từ 5.800-5.900 đồng/kg.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Cần Thơ, giá thành sản xuất vụ lúa Thu Đông năm nay tại thành phố Cần Thơ bình quân là 3.500 đồng/kg, trong khi giá bán lúa hiện nay bình quân là 5.600 đồng/kg, bình quân mỗi kg lúa nông dân đạt lợi nhuận 2.100 đồng, tương đương với khoảng 40%.
Còn theo đa số nông dân sản xuất lúa vụ Thu Đông 2020 cho biết lợi nhuận bình quân của vụ lúa năm nay đạt từ 15-25 triệu đồng/ha lúa.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá lúa, gạo tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long tháng 9 tăng hơn so với tháng 8. Giá gạo tăng do nguồn cung cuối vụ Hè Thu hạn chế.
Cụ thể, tại An Giang, lúa IR50404 tăng 250 đồng/kg lên 5.850 đồng/kg; các loại lúa OM tăng từ 250-300 đồng/kg; tuy nhiên lúa gạo thường giảm 500 đồng/kg xuống 10.500 đồng/kg; gạo thơm đặc sản jasmine ở mức 14.500 đồng/kg.
Tại Kiên Giang, lúa IR50404 tăng 400 đồng/kg lên 6.200-6.500 đồng/kg; các loại lúa OM tăng 200 đồng/kg lên mức 6.800-7.000 đồng/kg.
Tại Vĩnh Long, lúa IR50404 ở mức 5.700 đồng/kg, tăng 600 đồng/kg; lúa khô ở mức 6.100 đồng/kg, tăng 700 đồng/kg; lúa hạt dài ướt tăng 400 đồng/kg lên 5.800 đồng/kg, lúa khô tăng 600 đồng/kg lên 6.200 đồng/kg.
Theo Diễn đàn của người làm càphê, giá càphê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên ngày 10/10 dao động trong khung 31.400-31.900 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg so với cuối tuần trước.
Giá càphê cao nhất ở khu vực tỉnh Đắk Lắk và thấp nhất tại khu vực tỉnh Lâm Đồng.
Nhìn chung, trong tháng 9, thị trường càphê trong nước biến động giảm cùng xu hướng thị trường thế giới.
So với tháng 8/2020, giá càphê vối nhân xô các tỉnh Tây Nguyên giảm 1.500-1.600 đồng/kg xuống mức 31.600-32.100 đồng/kg.
Tại cảng Thành phố Hồ Chí Minh, giá càphê Robusta xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ, đứng ở 1.400 USD/tấn, với mức chênh lệch cộng 100-120 USD/tấn theo giá kỳ hạn tháng 1/2021 tại London.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, giá trị xuất khẩu càphê 9 tháng đạt 1,25 triệu tấn với 2,16 tỷ USD, giảm 1,4% về khối lượng và giảm 1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019. Đức, Mỹ và Italy tiếp tục là ba thị trường tiêu thụ càphê lớn nhất của Việt Nam.
Thị trường nông sản thế giới
Về thị trường gạo châu Á, giá gạo xuất khẩu của Thái Lan giảm tuần thứ sáu liên tiếp với nguồn cung mới cho thị trường gạo nước này dự kiến sẽ tiếp tục kéo giá gạo đi xuống trong tháng 10/2020.
Nhu cầu thế giới yếu kém đang ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động xuất khẩu gạo của hầu hết quốc gia sản xuất gạo hàng đầu châu Á.
Giá gạo 5% tấm của Thái Lan giảm xuống còn 470-475 USD/tấn, từ mức 472-477 USD/tấn trong tuần trước, do tỷ giá giữa đồng baht và USD biến động trong khi nhu cầu vẫn tương đối ổn định.
Theo một thương nhân ở Bangkok, giá gạo vẫn có thể giảm tiếp vì sản lượng lúa gạo thu hoạch sẽ gia tăng vào cuối tháng 10/2020.
Trong khi đó, tại một nước xuất khẩu gạo hàng đầu khác là Ấn Độ, giá gạo vẫn ổn định do nhu cầu giảm sau khi xuất khẩu gạo tăng mạnh trong một vài tháng qua.
Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ trong tuần này vẫn ổn định ở mức khoảng 376-382 USD/tấn, tương tự như tuần trước. Một nhà xuất khẩu tại Kakinada ở bang Andhra Pradesh (Ấn Độ) cho biết không thể giảm giá bán gạo cho dù sản lượng thu hoạch dồi dào vì đồng nội tệ rupee của Ấn Độ tăng giá.
Tuy vậy, các quan chức Ấn Độ tuần này cho biết xuất khẩu gạo của Ấn Độ trong năm 2020 có thể tăng gần 42% so với năm 2019 lên mức cao kỷ lục 14 triệu tấn do xuất khẩu của các nước sản xuất gạo khác sụt giảm.
Tại Việt Nam, giá gạo 5% tấm trong tuần này ở mức 470 USD/tấn, không biến động nhiều so với mức 460-480 USD/tấn trong tuần trước đó, khi nhu cầu gạo của Philippines vẫn yếu.
Theo một thương nhân ở Thành phố Hồ Chí Minh, một số khách hàng ở Philippines "chỉ gọi điện để tham khảo giá cả song vẫn chưa có ý định mua gạo."
Với thị trường nông sản Mỹ, kết thúc phiên giao dịch 9/10, tại Sàn giao dịch nông sản Chicago (CBOT) của Mỹ, giá các loại nông sản giao kỳ hạn biến động trái chiều, trong đó giá ngô và đậu tương tăng còn giá lúa mỳ giảm.
Giá ngô giao tháng 12/2020 tăng 8 xu Mỹ (2,07%) lên 3,95 USD/bushel. Giá đậu tương giao tháng 11/2020 tăng 15,5 xu Mỹ (1,48%) lên 10,655 USD/bushel.
Trong khi đó, giá lúa mỳ giao tháng 12/2020 giảm 1,5 xu Mỹ (0,25%) xuống còn 5,9375 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).
Theo công ty nghiên cứu AgResource, báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ cho thấy diện tích trồng ngô của Mỹ trong năm 2020 là 91 triệu acre (hơn 36,82 triệu ha) và diện tích thu hoạch là 82,5 triệu acre, đều giảm 1 triệu acre so với báo cáo hồi tháng 6/2020.
Trong khi đó, diện tích trồng đậu tương là 83,1 triệu acre và diện tích thu hoạch là 82,3 triệu acre, đều giảm 700.000 acre. Như vậy, tổng diện tích trồng ngô và đậu tương của Mỹ giảm 1,7 triệu acre so với báo cáo ngày 30/6/2020.
Cũng theo báo cáo mới nhất nói trên, năng suất đậu tương của Mỹ ổn định ở mức 51,9 bushels/acre trong khi năng suất ngô ở mức 178,4 bushel/acre, giảm 0,1 bushel/acre so với tháng 9/2020.
Về thị trường càphê, giá càphê arabica giao kỳ hạn trên thị trường thế giới trong ngày 9/10 đã tăng phiên thứ tư liên tiếp, tiếp tục đà hồi phục từ mức thấp nhất hai tháng đã ghi nhận hồi tuần qua.
Cụ thể, giá càphê arabica giao tháng 12/2020 tăng 1,3 xu Mỹ (1,2%) lên 1,1155 USD/lb (1lb = 0,4535 kg).
Giá càphê Arabica đi lên trước những quan ngại về tình hình thời tiết khô nóng ở diễn ra Brazil, quốc gia sản xuất càphê lớn trên thế giới.
Còn giá càphê robusta giao tháng 11/2020 tăng 9 USD (0,7%) lên 1.260 USD/tấn.
Trong khi đó, giá đường thô giao kỳ hạn ngày 9/10 đã tăng 0,06 xu Mỹ (0,4%) lên 14,23 xu Mỹ/lb. Đây là phiên tăng thứ chín liên tiếp và giá đường thô giao kỳ hạn đã chốt phiên ở gần sát mức cao nhất trong 7 tháng qua nhờ triển vọng về niên vụ 2020-2021 có sự chuyển biến tích cực.
Theo công ty phân tích và môi giới StoneX, sản lượng đường sụt giảm ở Thái Lan, Nga và Liên minh châu Âu (EU) trong khi nhu cầu dự kiến hồi phục sẽ dẫn tới nguồn cung đáp ứng nhu cầu của thị trường sẽ thiếu hụt 2,2 triệu tấn trong niên vụ 2020-2021./.