Thị trường nông sản tuần qua: Giá lúa gạo tăng, càphê và tiêu lao dốc

Giá lúa gạo ở nhiều địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long đã có xu hướng tăng khá trong khi càphê đã mất đà tăng giá của thời gian qua và thậm chí đi xuống.
Thị trường nông sản tuần qua: Giá lúa gạo tăng, càphê và tiêu lao dốc ảnh 1Nông dân thu hoạch lúa. (Ảnh: Phước Ngọc/TTXVN)

Tuần qua (ngày 27/7 đến 1/8), giá lúa gạo ở nhiều địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long đã có xu hướng tăng khá do vụ Hè Thu ở nơi đây đã cơ bản thu hoạch xong, nguồn cung thấp. Trong khi đó, giá càphê, tiêu quay đầu giảm giá khá mạnh.

Thị trường nông sản trong nước

Hiện nay, lúa Hè Thu ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long sắp qua mùa thu hoạch, nguồn cung giảm. Giá lúa bắt đầu nhích lên và lúa gạo xuất khẩu có xu hướng phục hồi.

Tại tỉnh An Giang, thành phố Cần Thơ giá lúa tươi giống Đài Thơm 8 tăng giá khá mạnh 5.700 đồng/kg, cao hơn 200-300 đồng/kg so 2 tuần trước. Lúa OM5451 giá 5.300-5.400 đồng/kg, OM6976 giá 5.300-5.400 đồng/kg. Lúa IR 50404 giá 5.100-5.200 đồng/kg, tăng 150-200 đồng/kg so với 2 tuần trước.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang, giá lúa tươi thường ngày 31/7 ở đây từ 5.400-5.500 đồng/kg, tăng khoảng 300 đồng/kg so với tuần trước, lúa Jasmine 5.800-6.000 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg, lúa OM từ 5.600-6.000 đồng/kg, tăng 300-400 đồng/kg. Như vậy, nhìn chung các loại lúa đều có giá tăng từ 200-400 đồng/kg so với tuần trước.

Trong khi đó, giá gạo tại nơi đây vẫn ổn định so với tuần trước. Giá gạo thường tại An Giang ở mức 10.800-11.500 đồng/kg, gạo thơm Jasmine 14.600-15.500 đồng/kg, gạo Nàng Hoa 16.500 đồng/kg, gạo Nhật 22.500 đồng/kg...

Theo Trung Tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại-Bộ Công Thương, giá gạo nguyên liệu xuất khẩu tiếp tục tăng do nguồn cung gạo nguyên liệu IR 504 còn ít. Có lẽ vì đó mà giá lúa tươi tại An Giang tăng.

Hiện các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long đã tập trung tăng diện tích lúa Thu Đông để đón thời cơ giá thị trường đang tốt, tình hình thời tiết, nguồn nước được dự báo thuận lợi.

Đến ngày 15/7, vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã xuống giống được 215.600ha lúa Thu Đông, bằng 102,2% cùng kỳ năm trước. Hiện nay, lúa Thu Đông đang ở giai đoạn mạ, đẻ nhánh đến làm đòng, sinh trưởng và phát triển khá.

Về càphê, theo Diễn đàn của người làm càphê, mặt hàng này đã mất đà tăng giá của thời gian qua và thậm chí đi xuống. Giá càphê nhân xô tại thị trường Tây Nguyên cuối tuần này đã giảm 300-600 đồng/kg so với cuối tuần trước, dao động trong khung 32.100-32.600 đồng/kg.

Tuy nhiên, theo Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại, thị trường càphê trong cả tháng Bảy vẫn tăng từ 1.200-1.300 đồng/kg.

Trong phiên giao dịch mới nhất, giá thấp nhất tại Lâm Đồng chạm mức 32.000 đồng/kg, tăng 4,23% so với mức giá hồi đầu tháng. Giá cao nhất cũng tăng 3,83% tại Đắk Lắk lên ở 32.500 đồng/kg. Các tỉnh còn lại đều tăng 4,18%.

[Giá nông sản đối diện "cú sốc thị trường" do đại dịch COVID-19]

Mặt hàng tiêu cũng nằm trong vòng giảm giá nhưng với mức mạnh hơn nhiều so với càphê. Giá tiêu ngày 1/8 tại khu vực trọng điểm Tây Nguyên giao dịch quanh mức 45.000-48.000 đồng/kg, giảm 1.500-2.000 đồng/kg so với cuối tuần trước. Giá tiêu cao nhất ở Bà Rịa-Vũng Tàu và thấp nhất ở Gia Lai.

Nguyên nhân được dự đoán do diễn biến phức tạp dịch COVID-19 khiến các nền kinh tế vẫn chưa hồi phục. Thị trường xuất khẩu khó khăn dẫn đến giá nông sản thế giới ở mức thấp.

Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, tính đến giữa tháng 7/2020, xuất khẩu hồ tiêu Việt Nam ước đạt 182.000 tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 385 triệu USD.

Thị trường nông sản thế giới

Trên thị trường nông sản Mỹ, giá các loại nông sản giao kỳ hạn trên Sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT) đều tăng khi đóng cửa ngày giao dịch 31/7.

Giá ngô giao tháng 12/2020 tăng 0,25 xu Mỹ (0,08%) lên 3,27 USD/ bushel. Giá lúa mỳ giao tháng 9/2020 tăng 1,75 xu Mỹ (0,33%) lên 5,3125 USD/ bushel, còn giá đậu tương giao tháng 11/2020 tăng 4,25 xu Mỹ (0,48%) lên 8,925 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

Các nhà giao dịch trên sàn CBOT ước tính các quỹ đã mua khoảng 2.800 hợp đồng đậu tương, 1.700 hợp đồng ngô và 3.700 hợp đồng lúa mỳ.

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đưa tin khoảng 114.300 tấn ngô đã được bán sang Mexico. Công ty tư vấn có trụ sở tại Chicago AgResource cho hay giá ngô đã không thể duy trì được đà tăng do dự trữ từ vụ mùa cũ lớn và vụ thu hoạch sắp tới trong hai tuần nữa tại các quốc gia vùng Vịnh.

Tiến độ thu hoạch vụ ngô Đông tại Brazil hiện đã đạt 65%, thấp hơn so với năm ngoái và tốc độ trung bình của 5 năm.

AgResource lưu ý không ghi nhận hợp đồng mua đậu tương Mỹ nào từ Trung Quốc trong ngày thứ 4 liên tiếp. Dự báo thời tiết ở khu vực Trung Mỹ trong tuần tới khá thuận lợi và triển vọng năng suất đang sáng sủa.

Tại thị trường gạo châu Á, giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ đã tăng trong tuần này trong bối cảnh cuộc khủng hoảng COVID-19 ngày càng tồi tệ ở nước này đã gây ra những cản trở về logistics, trong khi lũ lụt ở Bangladesh gây thiệt hại nghiêm trọng cho mùa màng.

Giá gạo 5% tấm của Ấn Độ được giao dịch ở mức 380-385 USD/tấn trong tuần này, tăng so với mức 377-382 USD/tấn của tuần trước. Các nhà xuất khẩu gạo tại Ấn Độ đang gặp khó khăn trong thực hiện các đơn đặt hàng do hạn chế về container và nhân công làm việc tại các nhà máy xay xát và cảng xử lý lớn nhất Kakinada ở phía đông.

Tại nước láng giềng Bangladesh, lũ lụt nghiêm trọng đã nhấn chìm gần 50.000 ha diện tích trồng lúa.

Giá gạo 5% tấm của Thái Lan đã tăng lên 465-483 USD/tấn trong phiên 30/7, so với mức 450-482 USD/tấn trong tuần trước. Các nhà giao dịch cho hay giá gạo tăng nhẹ nhờ đồng baht lên giá so với đồng USD.

Tại Việt Nam, giá gạo 5% tấm không đổi ở mức 440-450 USD/tấn so với tuần trước đó. Tuy nhiên, một nhà giao dịch tại tỉnh An Giang thuộc Đồng bằng sông Cửu Long nói rằng giá lúa trong nước đã tăng đáng kể trong những ngày gần đây trong bối cảnh các thương nhân đang tích trữ ngũ cốc này do dự báo giá sẽ tăng cao bởi tình hình dịch COVID-19 ở Việt Nam.

Bên cạnh đó, hoạt động xuất khẩu khá yên ắng trong tuần này bởi nhiều nhà giao dịch không ký thêm hợp đồng xuất khẩu mới do lo ngại không có đủ gạo để đáp ứng.

Thị trường nông sản tuần qua: Giá lúa gạo tăng, càphê và tiêu lao dốc ảnh 2Thu hoạch càphê ở Brazil. (Nguồn: Reuters)

Số liệu từ chính phủ công bố ngày 29/7 cho thấy xuất khẩu gạo trong thời gian từ tháng 1-7/2020 từ Việt Nam dự kiến sẽ giảm 1,4% so với cùng kỳ năm trước.

Về thị trường càphê thế giới, kết thúc phiên giao dịch cuối tuần và cũng là cuối tháng Bảy, giá càphê thị trường thế giới tăng nhẹ. Cụ thể, đầu giờ sáng (giờ Việt Nam) giá càphê Robusta tại London tăng 4 USD/tấn (mức tăng 0,3%) giao tháng 9/2020 giao dịch ở mức 1.344 USD/tấn.

Tương tự tại sàn New York ở Mỹ, giá càphê Arabica giao tháng 9/2020 cũng tăng 3,75 xu Mỹ/pound (mức tăng 3,36%) giao dịch ở mức 115,35 xu Mỹ/pound.

Tổng cục Thống kê Việt Nam ước tính xuất khẩu càphê trong tháng 7/2020 đạt khoảng 2 triệu bao, đưa xuất khẩu càphê chủ yếu là càphê Robusta trong 7 tháng đầu năm 2020 lên ước đạt 16,67 triệu bao, giảm 1,4% so với cùng kỳ năm trước, một kết quả xuất khẩu được cho là khá ổn định trong bối cảnh hầu hết các thị trường tiêu dùng bị suy giảm vì đại dịch./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục