Thị trường nông sản tuần qua: Giá lúa, gạo tại ĐBSCL tăng

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, tuần qua, giá lúa, gạo ở ĐBSCL tiếp tục tăng, cụ thể giá lúa thường tại ruộng cao nhất là 5.250 đồng/kg, giá bình quân là 5.092 đồng/kg, tăng 142 đồng/kg.
Thị trường nông sản tuần qua: Giá lúa, gạo tại ĐBSCL tăng ảnh 1Thu hoạch lúa Hè Thu. (Ảnh: Minh Trí/TTXVN)

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, trong tuần qua, giá lúa, gạo ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục tăng.

Cụ thể, giá lúa thường tại ruộng cao nhất là 5.250 đồng/kg, giá bình quân là 5.092 đồng/kg, tăng 142 đồng/kg. Giá lúa thường tại kho cao nhất 7.350 đồng/kg, trung bình là 6.288 đồng/kg, tăng 113 đồng/kg.

Cùng với đó, giá các loại gạo cũng tăng. Gạo 5% tấm có giá cao nhất 9.650 đồng/kg, giá bình quân 9.443 đồng/kg, tăng 200 đồng/kg. Gạo 15% tấm có giá cao nhất 9.450 đồng/kg, giá bình quân 9.192 đồng/kg, tăng 183 đồng/kg. Gạo 25% tấm có giá cao nhất 9.250 đồng/kg, giá bình quân 8.942 đồng/kg, tăng 167 đồng/kg.

Số liệu từ Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cũng cho thấy, tại Sóc Trăng, giá các loại lúa vẫn ổn định như OM4900 là 7.500 đồng/kg, OM6976 là 6.500 đồng/kg, ST24 là 8.050 đồng/kg, Đài thơm 8 là 7.300 đồng/kg.

Tại Hậu Giang, một vài loại lúa có giá tăng 200 đồng/kg, như OM5451 đạt 6.500 đồng/kg và Đài thơm 8 là 6.800 đồng/kg, riêng IR50404 ổn định ở mức 5.800 đồng/kg.

Tại thành phố Cần Thơ, giá lúa có sự biến động theo từng loại, như IR50404 ở mức 5.800 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg; OM4218 ở mức 6.000 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg; Jasmine là 6.600 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg.

Tại An Giang, giá lúa gạo nhìn chung ổn định. Giá lúa tươi như OM9582 từ 4.800-4.900 đồng/kg; Đài thơm 8 từ 5.700-5.800 đồng/kg; OM6976 từ 5.000-5.200 đồng/kg; Nàng hoa từ 6.000-6.100 đồng/kg; IR50404 từ 4.500-4.600 đồng/kg.

[Gạo Việt Nam có xu hướng tăng cả trong nước và thế giới]

Hiện nông dân Tiền Giang đã thu hoạch an toàn, dứt điểm trên 27.000ha lúa Hè Thu chính vụ; trong đó, chủ yếu tập trung tại các huyện, thị vùng kiểm soát lũ phía Tây với khoảng 25.000ha, diện tích còn lại nằm trong nội đồng dự án ngọt hóa Gò Công phía Đông tỉnh.

Vụ Hè Thu chính vụ năm nay, nông dân Tiền Giang được mùa, năng suất bình quân đạt 55,32 tạ/ha và sản lượng đạt trên 150.000 tấn lúa, tăng hơn 19,8% so với cùng kỳ năm trước.

Giá lúa tươi thương lái thu mua tại ruộng từ 5.600-6.300 đồng/kg, tùy theo giống; trong đó, cao nhất là các giống chất lượng cao như Nàng Hoa 9, VD 20,.. có giá từ 6.100-6.800 đồng/kg tùy theo địa bàn. Cá biệt, tại huyện Gò Công Tây, giá lúa ST24 thương lái thu mua từ 6.300-7.000 đồng/kg.

Cùng với thu hoạch an toàn vụ Hè Thu, nông dân Tiền Giang tiếp tục tập trung chăm bón trên 4.800ha lúa vụ Thu Đông 2021; trong đó, có gần 3.300ha đang ở giai đoạn đẻ nhánh, trên 1.400ha giai đoạn mạ và số còn lại đang làm đòng.

Tại phía Bắc, các địa phương cũng đang vào vụ thu hoạch lúa Mùa, Hè Thu. Vụ Mùa năm 2021, tỉnh Thanh Hóa gieo cấy trên 116.000ha lúa, dự kiến năng suất đạt 54,5-55 tạ/ha, cao hơn 0,5 tạ/ha so với vụ Mùa năm 2020. Tiêu biểu như các huyện Thọ Xuân, Yên Định, Thiệu Hóa năng suất đạt trên 60 tạ/ha.

Năm nay lúa được mùa lớn là do ngành nông nghiệp bố trí bộ giống và thời vụ gieo trồng hợp lý, nên đã né được các lứa sâu bệnh. Bên cạnh đó, nông dân cũng áp dụng các biện pháp thâm canh tốt như cấy đúng mật độ, bón phân cân đối để cây sinh trưởng phát triển tốt, tăng sức đề kháng, hạn chế phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

Theo Cục Trồng trọt, các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng và ven biển từ Quảng Ninh đến Quảng Bình đã thu hoạch 407.000ha lúa; còn lại là 217.912ha; trong đó khoảng 65.000ha đã đến thời kỳ thu hoạch. Hiện các tỉnh tiếp tục chỉ đạo thu hoạch theo phương châm “xanh nhà hơn già đồng” nhằm hạn chế thiệt hại do mưa lớn từ ảnh hưởng của bão số 7.

Thị trường nông sản tuần qua: Giá lúa, gạo tại ĐBSCL tăng ảnh 2Thu hoạch lúa tại Cần Thơ. (Ảnh: Thu Hiền/TTXVN)

Cùng với giá lúa gạo trong nước tăng, trên thị trường gạo châu Á, giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ đã tăng lên mức từ 360-363 USD/tấn so với mức từ 358-363 USD/tấn trong tuần trước.

Một nhà xuất khẩu Ấn Độ với trụ sở chính ở Mumbai cho biết: “Chúng tôi đang ở cuối vụ thu hoạch và nguồn cung hạn chế.” Vụ mùa mới của Ấn Độ có thể diễn ra vào tháng 11 tới.

Các thương nhân Bangladesh, quốc gia láng giềng của Ấn Độ, tiếp tục mua phần lớn gạo từ Ấn Độ thông qua cảng đất liền và chính phủ nước này dự kiến giá ngũ cốc nội địa sẽ giảm trong thời gian tới.

Tại Thái Lan, giá gạo 5% tấm của nước này tăng lên mức từ 385-420 USD/tấn so với mức từ 385-386 USD/tấn trong tuần trước, với lý do chủ yếu là đồng baht tăng giá nhẹ.

Từ tháng 1-9/2021, Thái Lan đã xuất khẩu khoảng 3,7 triệu tấn ngũ cốc và dự kiến xuất khẩu 6 triệu tấn gạo trong năm nay, nhờ nhu cầu từ những người mua trở lại tăng cao.

Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam kéo dài đà tăng sang tuần thứ 5 liên tiếp nhờ nhu cầu nội địa cao tiếp tục khiến giá thu mua tăng cao.

Giá gạo 5% tấm của Việt Nam đã tăng lên khoảng 430-435 USD/tấn, gần mức cao nhất ba tháng từ mức 425-430 USD/tấn trong tuần trước. Nông dân tại vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long bắt đầu thu hoạch vụ Thu Đông, vốn dự kiến đạt cao điểm vào cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11 tới.

Trên thị trường nông sản Mỹ, giá các mặt hàng nông sản kỳ hạn giao dịch tại thị trường này giảm trong phiên 8/10, trong đó giá lúa mỳ giảm mạnh nhất.

Chốt phiên này, giá ngô giao tháng 12/2021 giảm 3,5 xu Mỹ (0,66%) xuống 5,305 USD/bushel còn giá lúa mỳ giao tháng 12/2021 giảm 7,25 xu Mỹ (0,98%) xuống 7,34 USD/bushel. Giá đậu tương giao tháng 11/2021 giảm 4,25 xu Mỹ (0,34%) xuống 12,43 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

Thị trường nông sản tuần qua: Giá lúa, gạo tại ĐBSCL tăng ảnh 3Ngô được bày bán tại khu chợ ở Oakton, Virginia, Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Vụ thu hoạch ngô và đậu tương ở Mỹ sẽ đạt gần 50% vào đầu tuần tới. Các nhà quản lý quỹ đang hoãn việc mua hàng trong bối cảnh đợi Báo cáo vụ mua của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) vào ngày 12/10.

Khối lượng giao dịch trên Sàn giao dịch hàng hóa Chicago, Mỹ (CBOT) hạn chế. Thị trường Argentine nghỉ phiên 8/10, và thị trường Brazil sẽ nghỉ vào ngày 12/10.

Hiện giá ngô và đậu tương ở Mỹ là rẻ nhất thế giới, sẽ thu hút nhu cầu nhập khẩu mới. Công ty nghiên cứu nông nghiệp AgResource dự đoán Trung Quốc và nhiều nước khác sẽ là khách hàng mua tích cực hơn trong tuần tới.

Mới đây, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hạ dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới xuống mức dưới 6%, giữa bối cảnh dịch COVID-19 của biến thể Delta bùng phát và hoạt động logistics chậm trễ.

Thị trường càphê thế giới cho thấy, giá càphê trên thị trường thế giới ngày 9/10 biến động trái chiều với giá càphê Arabica tiếp tục tăng. Còn tại Việt Nam, giá càphê không đổi.

Giá cà phê Robusta trên sàn ICE Europe-London tiếp tục ổn định với xu hướng hỗn hợp. Kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá càphê Robusta giao ngay tháng 11 giảm 2 USD, xuống 2.117 USD/tấn. Giá càphê Robusta giao tháng 1/2022 vẫn không thay đổi ở mức 2.116 USD/tấn. Giá càphê Robusta giao tháng 3/2022 tăng thêm 5 USD, lên 2.081 USD/tấn. Khối lượng giao dịch rất thấp.

Trái lại, giá càphê Arabica trên sàn ICE US-New York tiếp nối đà tăng phiên thứ ba liên tiếp. Giá càphê Arabica giao ngay tháng 12/2021 tăng thêm 3,45 xu Mỹ, lên 201,35 xu Mỹ/lb và kỳ hạn giao tháng 3/2022 cũng tăng thêm 3,45 xu Mỹ, lên 204,25 xu Mỹ/lb (1b = 0,4535 kg). Khối lượng giao dịch khá cao trên mức trung bình.

Tại thị trường trong nước, giá càphê nhân xô tại các tỉnh ở khu vực Tây Nguyên không thay đổi, vẫn dao dộng trong khung 40.300-40.800 đồng/kg./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục