Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, trong tuần qua, giá lúa gạo ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã tăng trở lại nhưng mức tăng nhẹ.
Cụ thể, giá lúa thường tại ruộng cao nhất là 4.750 đồng/kg, giá bình quân là 4.640 đồng/kg, tăng 60 đồng/kg. Tuy nhiên, giá lúa thường tại kho lại giảm 50 đồng/kg, ở mức cao nhất 7.250 đồng/kg, trung bình là 5.925 đồng/kg.
Bên cạnh đó, giá các loại gạo cũng tăng nhẹ. Gạo 5% tấm có giá cao nhất 9.000 đồng/kg, giá bình quân 8.750 đồng/kg, tăng 157 đồng/kg. Gạo 15% tấm có giá cao nhất 8.750 đồng/kg, giá bình quân 8.510 đồng/kg, tăng 108 đồng/kg. Gạo 25% tấm có giá cao nhất 8.550 đồng/kg, giá bình quân 8.283 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg.
Số liệu từ Viện Chính sách và Chiến lược phát triển Nông nghiệp Nông thôn cũng cho thấy giá lúa khô ở một số địa phương khu vực Đồng bằng sông Cửu Long có sự biến động không đồng nhất. Tại thành phố Cần Thơ, giá lúa OM 4218 ổn định 6.400 đồng/kg; IR50404 tăng 100 đồng/kg, ở mức 6.300 đồng/kg.
Tại Sóc Trăng, nhiều loại lúa có sự giảm giá từ 100-300 đồng/kg so với tuần trước như RVT, OM4900, Đài thơm 8, ST24. Tại Trà Vinh giá lúa vẫn ổn định so với tuần trước, nhưng tại Hậu Giang giá lúa có sự tăng giảm tùy loại, như: IR50404 là 5.700 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg; OM5451 là 6.200 đồng/kg, giảm 800 đồng/kg; nhưng Đài thơm 8 lại tăng 400 đồng/kg ở mức 7.200 đồng/kg.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, các địa phương đã tạo mọi điều kiện đồng thời vẫn đảm bảo phòng, chống dịch để người nông dân nhanh chóng thu hoạch xong lúa vụ Hè Thu.
[Ngân hàng 'xắn tay' tháo gỡ khó khăn cho lúa gạo khu vực ĐBSCL]
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bến Tre Huỳnh Quang Đức cho biết vụ lúa Hè Thu 2021 toàn tỉnh Bến Tre gieo sạ hơn 10.300ha tập trung tại hai huyện Giồng Trôm, Ba Tri. Hiện nay, vụ lúa bắt đầu vào mùa thu hoạch. Ngành chức năng đã yêu cầu các địa phương linh động phối hợp điều phối nguồn nhân lực, máy móc để phục vụ thu hoạch lúa cho bà con.
Hiện nông dân trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đang tất bật thu hoạch vụ lúa Hè Thu. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đề nghị Ủy ban Nhân dân các địa phương căn cứ diễn biến dịch COVID-19, ban hành và phổ biến các quy định cụ thể về việc cấp phép thực hiện các hoạt động sản xuất trồng trọt và vận chuyển nông sản, vật tư nông nghiệp, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất, nhất là phục vụ thu hoạch lúa vụ Hè Thu.
Theo nhiều nông dân ở địa phương này, giá cũng như năng suất lúa vụ này đều thấp hơn năm ngoái, trong khi các chi phí đều tăng cao, do đó nông dân có lãi rất thấp.
Về nguồn vốn cho hỗ trợ cho ngành lúa gạo, Ngân hàng Nhà nước cho biết đến cuối tháng Bảy vừa qua, dư nợ trong ngành đạt 144.657 tỷ đồng, tăng 11,33% so với cuối năm 2020. Riêng tại Đồng bằng sông Cửu Long, dư nợ ngành lúa gạo đạt 74.139 tỷ đồng, tăng 15,45% và chiếm 51,25% dư nợ lúa gạo toàn quốc.
Từ đầu năm 2021 tới nay, các tổ chức tín dụng tại Đồng bằng sông Cửu Long đã cấp hạn mức tín dụng khoảng 56.000 tỷ đồng cho các doanh nghiệp, thương nhân thu mua, tạm trữ lúa gạo và đã giải ngân với tổng doanh số lũy kế 93.000 tỷ đồng để thu mua gần 7,3 triệu tấn gạo. Dư nợ thu mua, tiêu thụ đến cuối tháng Tám này ước đạt 51.500 tỷ đồng, tăng 22% so với năm 2020 và chiếm 92% hạn mức được cấp.
Cùng chung xu hướng với giá lúa gạo trong nước, trên thị trường gạo châu Á, giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ đã phục hồi từ mức thấp nhất trong 4 năm rưỡi, thúc đẩy bởi sự cải thiện nhu cầu tiêu thụ từ nước ngoài, mặc dù chi phí vận chuyển cao tiếp tục làm giảm doanh thu từ xuất khẩu gạo của nước này.
Cụ thể, giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ được giao dịch ở mức từ 355-360 USD/tấn trong phiên cuối tuần, tăng so với mức tương ứng của tuần trước là từ 352-356 USD/tấn.
Một nhà xuất khẩu gạo có trụ sở tại Kakinada, bang Andhra Pradesh, miền Nam Ấn Độ cho biết với mức giá thấp hơn, nhu cầu gạo từ các nước châu Phi đang tăng mạnh.
Tương tự, ở Thái Lan, cước phí vận tải vẫn là một thách thức giữa giai đoạn dịch COVID-19. Tuy nhiên, giá gạo 5% tấm của Thái Lan cũng tăng nhẹ lên mức từ 390-403 USD/tấn từ mức 387-400 USD/tấn của tuần trước, khi đồng baht mạnh lên.
Theo các thương nhân có trụ sở tại Bangkok, nhu cầu đối với gạo Thái Lan hầu như không thay đổi, trong khi đồng baht tăng gần 2% kể từ giữa tuần trước.
Giá gạo 5% tấm của Việt Nam không đổi ở mức 385 USD/tấn trong phiên giao dịch ngày 27/8, ngay cả khi các lệnh phong tỏa liên quan tới đại dịch COVID-19 khiến nhiều nhà xuất khẩu yêu cầu khách hàng giãn thời hạn giao hàng.
Trong khi đó, Chính phủ Bangladesh đã cho phép các thương nhân tư nhân nhập khẩu 400.000 tấn gạo kể từ đầu năm tới nay, giữa bối cảnh nước này đang cố gắng kiềm chế đà tăng của giá ngũ cốc.
Bangladesh, nước sản xuất gạo lớn thứ ba thế giới, đã nổi lên là một nhà nhập khẩu gạo lớn do nguồn dự trữ cạn kiệt và giá gạo trong nước tăng cao kỷ lục sau khi các trận lũ lụt liên tiếp diễn ra, tàn phá vụ mùa năm ngoái.
Trên thị trường nông sản Mỹ, giá các loại nông sản giao kỳ hạn trên sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT), Mỹ diễn biến trái chiều trong phiên giao dịch ngày 27/8, với giá ngô tăng trong khi giá lúa mỳ và đậu tương lại giảm.
Chốt phiên, giá ngô giao tháng 12 tới tăng 3 xu Mỹ (tương đương 0,54%) lên 5,5375 USD/bushel. Trong khi đó, giá lúa mỳ giao tháng 12/2021 giảm 6,75 xu Mỹ (0,91%) xuống 7,325 USD/bushel. Còn giá đậu tương giao tháng 11 tới cũng hạ 3 xu Mỹ (0,23%) xuống 13,2325 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).
Có rất nhiều vấn đề tác động tới thị trường trong tuần này, bao gồm việc kết thúc hợp đồng giao kỳ hạn tháng Chín năm nay của các mặt hàng nông sản, tình hình cây trồng của Mỹ sau trận mưa lớn trong tuần này trên khắp các vùng đồng bằng phía Bắc, vùng Trung Tây và Tây Bắc nước Mỹ, cũng như các báo cáo về vụ mùa của Cơ quan Thống kê Canada và Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA).
Nông dân Mỹ cho biết họ sẽ không mắc phải sai lầm như năm ngoái khi bán nông sản quá rẻ khi thu hoạch. Hầu hết nông dân Mỹ đều có kế hoạch dự trữ ngô và đậu nành ở mức tối đa. Dự kiến sẽ không xảy ra tình trạng dư thừa trong vụ thu hoạch ngô và đậu tương vào năm 2021.
Dự báo thời tiết cho thấy, sự đổ bộ của bão Ida sẽ xa hơn một chút về phía Đông của nước Mỹ. Theo dự báo, cơn bão Ida sẽ đổ bộ vào cuối ngày 29/8 hoặc đầu ngày 30/8 tới, từ từ di chuyển về phía Đông Bắc qua Thung lũng Tennessee và quét qua New York trước khi rời khỏi nước Mỹ vào cuối tuần tới.
Về thị trường càphê thế giới, ngày 27/8, giá càphê thế giới có phiên tăng thứ tư liên tiếp trong tuần. Thị trường đi lên do lo ngại về nguồn cung càphê bị thắt chặt, đặc biệt là nguồn cung từ các nhà sản xuất tại Đông Nam Á, bên cạnh tình hình thời tiết tại Brazil.
Đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần này, giá càphê trên cả hai sàn London và New York đều ghi nhận các mức tăng rất mạnh. Cụ thể, giá càphê Robusta trên sàn ICE Futures Europe-London giao tháng 11 tới tăng 24 USD (1,2%), lên mức 2.018 USD/tấn. Trong khi đó, giá càphê Robusta giao tháng 1/2022 cũng tăng 26 USD (1,33%), lên 1.983 USD/tấn.
Cùng thời điểm, giá càphê Arabica trên sàn ICE Futures US-New York giao tháng 12 tới tăng 4,2 xu Mỹ (2,23%), lên 192,2 xu/lb và giá càphê Arabica giao tháng 3/2022 cũng tăng 4,1 xu (2,15%), lên 194,75 xu/lb (1b = 0,4535 kg).
Giá càphê hai sàn tiếp nối đà tăng với khối lượng giao dịch thấp cho thấy phần lớn nhà đầu tư vẫn còn đứng bên ngoài thị trường. Theo các nhà quan sát, dường như các thị trường càphê kỳ hạn muốn thiết lập mặt bằng giá mới, ít nhất là để bù đắp cho giá cước vận tải biển hiện đã cao ngất ngưởng.
Cước vận chuyển tới Mỹ vốn ở mức từ 2.000-3.000 USD cho 1 container 40 feet từ đầu năm 2020 hiện đã tăng lên 13.500 USD. Trong khi đó, cước vận chuyển đi Liên minh châu Âu (EU) thường ổn định ở mức 800-1.200 USD cho 1 container 40 feet, nhưng ở thời điểm hiện tại, đã tăng trên 11.000 USD.
Điều này, cùng với tình hình dịch COVID-19 ở Đông Nam Á diễn biến phức tạp khiến nguồn cung càphê Robusta bị ảnh hưởng mạnh. Chi phí vận chuyển tăng cao, đặc biệt là các tuyến vận tải hàng hóa đi Mỹ và châu Âu đã ảnh hưởng lớn đối với cà phê xuất khẩu của Việt Nam.
Dự báo thời tiết cuối tuần này sẽ có mưa rải rác trên vành đai cà phê Brazil, phần nào giảm bớt khó khăn cho hoạt động canh tác nhưng vẫn chưa cải thiện được tình trạng khô hạn hiện tại. Thời tiết của Brazil được dự báo sẽ thuận lợi từ đầu tháng 9/2021, hạn chế đà tăng giá của mặt hàng càphê.
Đồng real của Brazil giảm xuống ở mức 5,2560 real/USD với dự đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ sớm cắt giảm các chương trình kích thích kinh tế, trong khi nhà đầu tư trong nước lo ngại lạm phát gia tăng sẽ nảy sinh rủi ro mới.
Các thị trường toàn cầu đang chờ đợi thông tin từ hội nghị các thống đốc ngân hàng Mỹ tại Jackson Hole do Fed chủ trì./.