Thị trường nông sản tuần qua: Giá lúa gạo, càphê đều tăng

Nguyên nhân khiến giá lúa tăng là nông dân sắp thu hoạch dứt điểm vụ lúa Hè Thu nên nguồn cung giảm trong khi các doanh nghiệp cũng tiêu thụ hết lượng lúa gạo hàng hóa.
Thị trường nông sản tuần qua: Giá lúa gạo, càphê đều tăng ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Tuần qua (từ ngày 13/7 đến 18/7), giá lúa gạo nhiều địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long có xu hướng tăng từ 100-300 đồng/kg, tùy loại. Bên cạnh đó, giá càphê cũng tăng mạnh trở lại và đã vượt mốc 32.000 đồng/kg.

Thị trường nông sản trong nước

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang, giá lúa tươi thường từ 5.000-5.200 đồng/kg, lúa Jasmine 5.800-6.000 đồng/kg, lúa OM từ 5.400-5.600 đồng/kg, tăng nhẹ từ 100-300 đồng/kg so với cuối tuần trước.

Giá gạo thường tại An Giang ở mức 10.800-11.500 đồng/kg, gạo thơm Jasmine 14.600-15.500 đồng/kg, gạo Nàng Hoa 16.500 đồng/kg, gạo Nhật 22.500 đồng/kg… Nhìn chung, giá gạo tại nơi đây cũng tăng từ 100-200 đồng/kg.

Theo Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại-Bộ Công Thương, giá lúa trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp cũng tăng từ 150-200 đồng/kg so với tháng trước, hiện lúa tươi giống OM 5451 giá 5.300-5.400 đồng/kg; OM 6976 giá 5.300-5.400 đồng/kg; Đài Thơm 8 giá 5.400-5.450 đồng/kg; IR 50404 giá 4.800-4.900 đồng/kg.

Nguyên nhân khiến giá lúa tăng là do nông dân sắp thu hoạch dứt điểm vụ lúa Hè Thu nên nguồn cung giảm. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp tiêu thụ, xuất khẩu lúa gạo cũng tiêu thụ hết lượng lúa gạo hàng hóa. Đồng thời, giá lúa gạo xuất khẩu có bước phục hồi tốt.

Ngày 15/7, Ủy ban châu Âu (EC) công bố và nêu rõ phương thức quản lý về hạn ngạch nhập khẩu đối với một số sản phẩm nông nghiệp và gạo của Việt Nam theo thỏa thuận của Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA).

[Giá nông sản đối diện "cú sốc thị trường" do đại dịch COVID-19]

EC đưa ra một quy định riêng và với hạn mức hàng năm là 80.000 tấn; trong đó có 20.000 tấn gạo chưa xay xát, 30.000 tấn gạo xay xát và 30.000 tấn gạo thơm.

Để đảm bảo việc tiêu thụ và tránh bị dồn ứ mặt hàng gạo trên thị trường, EC đã đưa ra hạn ngạch nhập khẩu cụ thể cho từng loại gạo đối với từng giai đoạn trong năm.

Trong khi đó, Diễn đàn của người làm càphê cho thấy giá càphê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên tuần qua đã có sự bứt phá tăng mạnh trở lại. Giá càphê ngày 18/7 đã tăng khá từ 1.100-1.400 đồng/kg so với cuối tuần trước, dao động trong khung 32.400-32.800 đồng/kg.

Các chuyên gia nhận định với đà tăng này, giá càphê có thể vượt mốc 33.000 đồng/kg.

Tại cảng Thành phố Hồ Chí Minh, giá càphê Robusta xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ là 1.385 USD/tấn, với mức chênh lệch cộng 80 USD/tấn theo giá kỳ hạn tháng 11 tại London.

Dự báo thời gian tới, giá càphê trong nước có thể tăng lên do nguồn cung sụt giảm vì người nông dân không muốn bán hàng với giá quá thấp.

Thị trường nông sản thế giới

Trên thị trường nông sản Mỹ, giá các loại nông sản giao kỳ hạn trên Sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT) diễn biến trái chiều khi đóng cửa ngày giao dịch 17/7, theo đó giá ngô và giá đậu tương tăng, trong khi giá lúa mỳ giảm.

Giá ngô giao tháng 12/2020 tăng 2,25 xu Mỹ (0,67%) lên 3,3975 USD/bushel. Giá đậu tượng giao tháng 11/2020 tăng 4 xu Mỹ (0,45%) lên 8,95 USD/bushel. Trong khi giá lúa mỳ giao tháng 9/2020 giảm 0,5 xu Mỹ (0,09%) xuống 5,3475 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

Các nhà phân tích thị trường dự kiến diện tích trồng ngô và đậu tương của Brazil sẽ tăng lên nhờ được giá. Tổng sản lượng ngô của Brazil trong niên vụ tới dự kiến sẽ đạt 110 triệu tấn nếu thời tiết thuận lợi.

Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) mới đây cho biết có thêm khoảng 126.000 tấn ngô của Mỹ đã được bán cho các thương lái giấu tên và không có hợp đồng bán lúa mỳ và ngô Mỹ mới nào được tiết lộ.

Ngoài ra, tình hình thời tiết ở phía Bắc Iowa được dự báo sẽ khô hơn, còn khu vực giữa Nam và Đông Midwest, thời tiết sẽ ẩm ướt hơn so với các tuần trước đó. Trong hai tuần tới, tình hình phát triển vụ ngô và đậu tương được dự báo ở mức ổn định hoặc cao.

Về thị trường gạo, giá gạo xuất khẩu của Thái Lan đã giảm xuống mức thấp của hơn 4 tháng trong tuần này do thiếu người mua và đồng baht suy yếu. Trong khi đó, nhu cầu tăng mạnh từ Cuba và Malaysia đã đẩy giá gạo Việt Nam lên mức cao của gần một tháng.

Giá gạo 5% tấm của Thái Lan đã giảm xuống 440-455 USD/tấn trong ngày 17/7, mức thấp nhất kể từ cuối tháng 2/2020, so với mức 455-485 USD/tấn ghi nhận được trong tuần trước. Giá gạo Thái Lan cũng chịu sức ép do đồn đoán về nguồn cung gạo mới vào đầu tháng tới.

Tại Việt Nam, giá gạo 5% tấm tăng lên 435-457 USD/tấn, mức cao nhất kể từ ngày 18/6, so với mức 425-457 USD/tấn trong tuần trước. Một nhà giao dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh cho hay nhu cầu tăng mạnh từ Cuba và Malaysia đã đẩy giá gạo tăng đôi chút. Tuy nhiên, hoạt động giao dịch chậm lại trong tuần này do một số khách hàng đang chờ giá hạ bởi dự báo nguồn cung từ vụ thu hoạch đang diễn ra (sẽ kết thúc vào đầu tháng tới) tăng lên.

Các nhà giao dịch cũng dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường châu Âu sẽ tăng sau khi thỏa thuận thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) có hiệu lực từ ngày 1/8, trong khi việc EU áp đặt hạn ngạch hàng năm sẽ kìm xuất khẩu tăng mạnh.

Thị trường nông sản tuần qua: Giá lúa gạo, càphê đều tăng ảnh 2Nông dân Thái Lan thu hoạch lúa trên cánh đồng ở quận Takbai, tỉnh Narathiwat. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trong khi đó, giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ không đổi ở mức 377-382 USD/tấn trong bối cảnh nông dân mở rộng diện tích vụ lúa Hè.

Với càphê, giá càphê Arabica và Robusta khép phiên ngày 17/7 với mức tăng cao trước dấu hiệu về dự trữ càphê thắt chặt lại. Cụ thể, giá càphê Robusta giao ngay tháng 9/2020 trên sàn ICE Europe-London tăng thêm 50 USD, lên 1.293 USD/tấn, còn giá càphê Arabica giao cùng kỳ hạn trên sàn ICE US-New York tăng 3,1 xu Mỹ, lên 101,45 cent/lb.

Giá càphê cũng được “tiếp sức” nhờ xuất khẩu từ Việt Nam, nhà sản xuất càphê Robusta lớn nhất thế giới, giảm.

Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, xuất khẩu càphê tháng 6 của Việt Nam đã giảm 11,5% so với cùng kỳ xuống 127.700 tấn.

Tuy nhiên, càphê xuất khẩu trong nửa đầu năm 2020 của Việt Nam tăng 2,2% lên 941.057 tấn. Cục nông nghiệp nước ngoài thuộc USDA ngày 10/6 dự báo sản lượng càphê Việt Nam trong niên vụ 2020/2021 sẽ giảm 3,5% xuống 30,2 triệu bao.

Một thông tin tích cực khác cho giá càphê là CeCafe cho hay xuất khẩu càphê xanh trong tháng Sáu của Brazil đã giảm 9,8% so với cùng kỳ xuống 2,47 triệu bao. Trong 12 tháng kết thúc tháng Sáu, xuất khẩu mặt hàng này của Brazil đã giảm 4% xuống 35,9 triệu bao.

Tuy nhiên, dự trữ càphê của Mỹ đã tăng lên sau khi số liệu từ Hiệp hội càphê Xanh cho thấy dự trữ loại càphê này của Mỹ đã tăng 3,6% so với tháng trước và tăng 3,5% so với cùng kỳ năm lên 7,06 triệu bao.

Giá càphê tiếp tục chịu sức ép do những lo ngại về nhu cầu. Số ca mắc COVID-19 gia tăng gần đây có thể khiến các biện pháp phong tỏa bị kéo dài, qua đó làm ảnh hưởng đến nhu cầu càphê từ các nhà hàng, quán càphê và văn phòng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục