Thị trường nông sản tuần qua: Giá gạo xuất khẩu tiếp tục xu hướng giảm

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức 481 USD/tấn, giảm so với mức 495-508 USD/tấn của tuần trước.
Bốc xếp gạo. (Nguồn: TTXVN)

Giá lúa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tuần qua tiếp tục giảm. Giá gạo xuất khẩu cũng giảm, chung xu hướng với các nhà cung ứng gạo lớn trên thị trường châu Á do giao dịch chậm, nguồn cung gạo toàn cầu từ Ấn Độ gia tăng.

Theo cập nhật của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang, giá một số loại lúa được thương lái thu mua như: IR 50404 từ 7.300-7.400 đồng/kg, giảm 200 đồng/kg; lúa OM 5451 có giá từ 8.300-8.500 đồng/kg; Đài thơm 8 (tươi) từ 8.700-8.900 đồng/kg, giảm 300 đồng/kg; tương tự OM 18 (tươi) từ 8.600-8.800 đồng/kg, cũng giảm 200 đồng/kg…

Với mặt hàng gạo trên thị trường bán lẻ tại An Giang, gạo thường có giá từ 17.000-18.000 đồng/kg; gạo thơm thái hạt dài từ 20.000-22.000 đồng/kg; gạo Jasmine từ 18.000-20.000 đồng/kg; gạo trắng thông dụng 17.500 đồng/kg, gạo Nàng Hoa 21.500 đồng/kg…

Gạo nguyên liệu IR 504 ở mức 9.000-9.150 đồng/kg; gạo thành phẩm IR 504 từ 11.100-11.200 đồng/kg.

Với mặt hàng phụ phẩm, giá phụ phẩm các loại dao động trong khoảng từ 5.700-8.100 đồng/kg. Hiện, giá tấm thơm ở mức 7.800-8.100 đồng/kg; giá cám khô ở mức 5.600-5.800 đồng/kg.

Về xuất khẩu, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức 481 USD/tấn, giảm so với mức 495-508 USD/tấn của tuần trước.

Một thương nhân có trụ sở tại tỉnh An Giang cho biết doanh số bán hàng trong nước cũng thấp do nguồn cung từ vụ Thu Đông đang cạn dần.

Việt Nam dự kiến hoạt động xuất khẩu gạo năm 2025 sẽ phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt hơn khi lượng hàng từ Ấn Độ gia tăng, bên cạnh nỗ lực cắt giảm nhập khẩu của Indonesia.

Trên thị trường gạo châu Á, giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ trong tuần qua tiếp tục giảm xuống mức thấp nhất trong 17 tháng do đồng rupee giảm giá xuống mức kỷ lục, còn nhu cầu tại các thị trường chủ chốt vẫn trầm lắng trong kỳ nghỉ lễ.

Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ được báo giá ở mức từ 439-445 USD/tấn trong tuần này, giảm so với mức từ 440-446 USD/tấn của tuần trước. Trong khi đó, gạo trắng 5% tấm của Ấn Độ được báo giá ở mức từ 446-453 USD/tấn.

Một đại lý có trụ sở tại New Delhi thuộc một công ty thương mại toàn cầu cho biết các nhà xuất khẩu đã điều chỉnh giá vì cân nhắc đến xu hướng suy giảm của đồng rupee. Nhu cầu cũng yếu do ảnh hưởng của kỳ nghỉ lễ Giáng sinh.

Giá gạo tại Thái Lan cũng giảm do hoạt động giao dịch chậm lại trong kỳ nghỉ lễ. Cụ thể, giá gạo 5% tấm của Thái Lan được báo giá ở mức 502 USD/tấn, giảm so với mức 512 USD/tấn của tuần trước.

Một thương nhân có trụ sở tại Bangkok cho biết tình hình nguồn cung hiện tại vẫn không thay đổi. Tuy nhiên, các thương nhân Thái Lan dự kiến giá sẽ giảm thêm sau dịp lễ Năm mới do nguồn cung gạo toàn cầu từ Ấn Độ gia tăng.

Về thị trường nông sản Mỹ, trên sàn giao dịch hàng hóa Chicago ngày 26/12, giá đậu tương kỳ hạn đã tăng 1% do lo ngại về thời tiết khô hạn ở một số khu vực của Argentina.

Giá đậu tương kỳ hạn tháng 3/2025 trên Sàn giao dịch Chicago (CBOT) đóng cửa tăng 16 xu (tương đương 1,6%) lên mức 9,97 USD/bushel. Giá lúa mỳ cùng kỳ hạn tăng 6,25 xu lên mức 5,41 USD/bushel. Giá ngô kỳ hạn tháng 3/2025 cũng tiến hơn 5 xu (1,2%) lên 4,53-4,75 USD/bushel.

Triển vọng thời tiết khô hạn tại Argentina, nhà xuất khẩu khô đậu tương và dầu đậu nành lớn nhất thế giới, đã tạo động lực hỗ trợ cho thị trường đậu tương.

Một yếu tố thúc đẩy khác đến từ tin tức về một vụ hỏa hoạn khiến nhà máy chế biến đậu tương Bunge Global ở Illinois (Mỹ) phải tạm thời đóng cửa. Sự cố này làm dấy lên lo ngại về khả năng gián đoạn nguồn cung.

Trong khi đó, giá lúa mỳ tăng do tin tức về xuất khẩu. Các thương nhân châu Âu cho biết Algeria được cho là đã mua tới 1,17 triệu tấn lúa mỳ xay trong một cuộc đấu thầu quốc tế trong tuần này.

Ngoài ra, công ty tư vấn nông nghiệp IKAR của Nga dự báo xuất khẩu lúa mỳ năm 2025-2026 của nhà cung cấp lương thực hàng đầu thế giới ở mức 41 triệu tấn, giảm so với 43,5 triệu tấn dự kiến trong mùa hiện tại.

Hạt càphê được phơi tại nông trại ở Miranda, Venezuela. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Về thị trường càphê thế giới, giá càphê trên các sàn giao dịch thế giới đồng loạt giảm sâu trong phiên cuối tuần này do nhiều quốc gia đang trong khoảng thời gian nghỉ lễ, dù hầu hết các quốc gia sản xuất càphê đang bước vào giai đoạn thu hoạch cao điểm.

Chốt phiên giao dịch cuối tuần này, giá càphê robusta giao tháng 3/2025 trên sàn ICE Futures Europe London giảm 88 USD/tấn (tương đương 2%) xuống mốc 4.953 USD/tấn. Giá hợp đồng giao tháng 5/2025 giảm ít hơn ở mức 69 USD/tấn (0,36%) xuống 4.953 USD/tấn.

Tương tự, giá càphê Arabica giao tháng 3/2025 và tháng 5/2025 trên sàn ICE Futures US New York đồng loạt giảm gần 1%, hiện neo ở ngưỡng 322,65 xu/lb và 317,60 xu/lb (1 lb=0,4535 kg).

Theo công ty chuyên kinh doanh trong lĩnh vực càphê I&M Smith, sự suy giảm trên chủ yếu do nhiều thị trường đang trong khoảng thời gian nghỉ lễ, ảnh hưởng tới nhu cầu tiêu thụ.

Trong khi đó, thị trường càphê trong nước đột ngột đảo chiều phiên cuối tuần với giá thu mua hiện dao động trong khoảng 120.300-121.000 đồng/kg. Giá thu mua càphê trung bình tại các tỉnh Tây Nguyên là 120.900 đồng/kg./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục