Thị trường nông sản tuần qua: Giá gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long giảm

Tuần qua, giá gạo 5% tấm có giá cao nhất 9.250 đồng/kg, giá bình quân 8.957 đồng/kg, giảm 57 đồng/kg. Gạo 15% tấm có giá cao nhất 9.050 đồng/kg, giá bình quân 8.733 đồng/kg, giảm 58 đồng/kg.
Thị trường nông sản tuần qua: Giá gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long giảm ảnh 1Nông dân Cần Thơ thu hoạch lúa. (Ảnh: Thanh Liêm/TTXVN)

Trong tuần qua, giá lúa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long ổn định so với tuần trước, tuy nhiên, giá các loại gạo lại giảm.

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, giá lúa thường tại ruộng cao nhất là 5.650 đồng/kg, giá bình quân là 5.571 đồng/kg, tăng 4 đồng/kg. Giá lúa thường tại kho cao nhất 7.150 đồng/kg, trung bình là 6.535 đồng/kg, tăng 10 đồng/kg.

Trái lại, giá các mặt hàng gạo lại giảm. Giá gạo 5% tấm có giá cao nhất 9.250 đồng/kg, giá bình quân 8.957 đồng/kg, giảm 57 đồng/kg. Gạo 15% tấm có giá cao nhất 9.050 đồng/kg, giá bình quân 8.733 đồng/kg, giảm 58 đồng/kg.

Gạo 25% tấm có giá cao nhất 9.050 đồng/kg, giá bình quân 8.483 đồng/kg, giảm 67 đồng/kg. Gạo xát trắng loại 1 có giá trung bình là 9.142 đồng/kg, giảm 17 đồng/kg. 

Riêng giá cám giảm mạnh, còn trung bình 7.879 đồng/kg, giảm 225 đồng/kg.

Tại An Giang, giá một số loại lúa có giá giảm 100 đồng/kg so với tuần trước như OM 18 còn từ 5.700-5.900 đồng/kg, OM 5451 từ 5.500-5.600 đồng/kg; Đài thơm tám từ 5.700-5.900 đồng/kg.

Một số loại lúa vẫn giữ giá ổn định như IR 50404 ở mức từ 5.500-5.600 đồng/kg; lúa Nhật từ 8.000-8.500 đồng/kg; Nàng Hoa 9 từ 5.900-6.000 đồng/kg.

[Thị trường nông sản: Giá gạo Việt Nam giảm do nguồn cung tăng lên]

Về giá các loại gạo ở An Giang cũng không có sự biến động: Hương lài 19.000 đồng/kg, sóc Thái 18.000 đồng/kg, gạo Nàng nhen 20.000 đồng/kg, Nàng hoa 17.500 đồng/kg, gạo trắng thông dụng 14.000 đồng/kg, gạo thơm thái hạt dài 18.000-19.000 đồng/kg; Jasmine từ 15.000-16.000 đồng/kg; gạo thường 11.000-12.000 đồng/kg.

Tại Cần Thơ giá các loại lúa vẫn duy trì ổn định, lúa Jasmine ở mức 7.100 đồng/kg, OM 4218 là 6.600 đồng/kg, IR 50404 là 6.400 đồng/kg. 

Tại Sóc Trăng, lúa ST 24 có giá là 8.000 đồng/kg, OM 4900 là 8.500 đồng/kg, OM 6976 là 6.4 đồng/kg,  RVT là 8.200 đồng/kg.

Hiện nhiều địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long đã cơ bản thu hoạch xong lúa Đông Xuân. Tại Kiên Giang, vụ lúa này, sản xuất lúa chất lượng cao chiếm 98,5% diện tích gieo trồng, xây dựng 210 cánh đồng lớn với tổng diện tích 52.277ha, liên kết tiêu thụ lúa 127 cánh đồng với diện tích 31.496ha. Với năng suất bình quân 7,4 tấn/ha, sản lượng lúa toàn tỉnh vụ này đạt hơn 2 triệu tấn.

Vụ lúa Hè Thu năm 2022, tỉnh Kiên Giang có kế hoạch gieo trồng 281.000ha, đến nay xuống giống hơn 71.000ha.

Nông dân tỉnh Đồng Tháp cũng đã xuống giống hơn 100.000ha, đạt hơn 50% so với kế hoạch. Để sản xuất lúa Hè Thu đạt hiệu quả, ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp ưu tiên áp dụng giống lúa cực ngắn ngày, chịu phèn mặn trung bình khá được sản xuất ở khu vực vùng Đồng Tháp Mười như giống lúa OM18, Đài Thơm 8, IR50404, OM5451, OM6976, OM4900...Giống bổ sung như : OM576, VD20, OM7347, Jasmine 85, Nàng Hoa 9...

Đối với vùng phù sa ngọt dọc sông Tiền, sông Hậu tỉnh ưu tiên sử dụng các giống lúa cao sản chất lượng cao như giống lúa: OM18, OM4900, OM6976, OM4218, OM5451, Đài Thơm, Jasmine 85.

Tỉnh Đồng Tháp tiếp tục nhân rộng mô hình 3 giảm 3 tăng; 1 phải 5 giảm, mô hình giảm giá thành sản xuất lúa, khuyến khích mô hình sản xuất lúa theo tiêu chuẩn SRP.

Trong khi giá gạo trong nước giảm thì trên thị trường gạo châu Á, giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ cũng giảm do nguồn cung tăng lên. Giá gạo đồ 5% tấm của nước xuất khẩu hàng đầu Ấn Độ được giao dịch ở mức từ 364-368 USD/tấn, giảm so với mức 365-369 USD/tấn trong tuần trước do đồng rupee suy yếu và nhu cầu cao sau khi chính phủ gia hạn kế hoạch cung cấp ngũ cốc miễn phí cho người nghèo.

Nhà xuất khẩu tại Kakinada, Andhra Pradesh, cho biết nguồn cung đang tăng lên nhờ hoạt động xay xát vụ mùa mới và chính phủ "giải phóng" kho lương thực của vụ thu hoạch năm 2021.

Bộ Khí tượng Ấn Độ cho biết mặc dù tình hình gió mùa tại nước này dự kiến sẽ bình thường trong năm nay, song các vùng trồng chè, cao su và lúa gạo ở Đông Bắc Ấn Độ và các phần phía Nam của nước này có thể nhận được lượng mưa dưới mức bình thường.

Trong khi đó, theo dữ liệu sơ bộ từ Bộ Nông nghiệp, mưa lũ vào đầu tháng 4/2022 đã làm hư hại khoảng 6.500 ha diện tích đất trồng lúa tại nước láng giềng Bangladesh. 

Bangladesh, vốn là nhà sản xuất gạo lớn thứ ba thế giới với sản lượng khoảng 35 triệu tấn/năm, dự kiến sẽ thu hoạch được 20 triệu tấn gạo trong vụ Hè này.

Giá gạo 5% tấm của Việt Nam được giao dịch ở mức từ 420-425 USD/tấn so với mức từ 400-415 USD/tấn trong tuần trước.

Một thương nhân tại Thành phố Hồ Chí Minh cho hay giá gạo tăng là do tình hình lạm phát chung trên thế giới, đặc biệt là giá thực phẩm. Các hộ nông dân phải trả nhiều tiền hơn để mua phân bón và thuốc trừ sâu.

Tuy nhiên, hoạt động buôn bán vẫn trầm lắng và vụ thu hoạch Đông Xuân ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ được hoàn thành vào cuối tháng.

Giá nguyên liệu và nguyên vật liệu tăng đột biến kể từ khi đại dịch COVID-19 xuất hiện và hiện đang xấu đi do căng thẳng Nga-Ukraine, điều này đang tác động nặng nề đến các doanh nghiệp và người tiêu dùng ở châu Á.

Giá gạo 5% tấm của Thái Lan không đổi ở mức từ 408-412 USD/tấn do thị trường đóng cửa nghỉ lễ Songkran.

Về thị trường nông sản Mỹ, giá các mặt hàng nông sản kỳ hạn trên sàn giao dịch Chicago (Mỹ) đi ngược chiều nhau trong phiên ngày 15/4, trong đó giá ngô và đậu tương tăng còn giá lúa mỳ giảm.

Chốt phiên này, giá ngô giao tháng 7/2022 tăng 5,75 xu Mỹ (0,74%) lên 7,8375 USD/bushel. Giá đậu tương giao cùng kỳ hạn tăng 0,25 xu Mỹ (0,02%) lên 16,6525 USD/bushel. Còn giá lúa mỳ giao tháng 7/2022 giảm 16,75 xu Mỹ (1,49%) xuống 11,045 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

Công ty nghiên cứu AgResource tại Chicago cho rằng triển vọng dài hạn của hợp đồng nông sản tương lai vẫn lạc quan trong bối cảnh thị trường khó có thể tìm kiếm nguồn ngũ cốc thay thế cho ngũ cốc Biển Đen trong thời gian từ tháng 8-12/2022. CBOT sẽ đóng cửa vào ngày 16/4 để nghỉ Lễ Phục sinh.

Doanh số xuất khẩu của Mỹ trong tuần kết thúc vào ngày 7/4 ở mức 51 triệu bushel ngô, so với 31 triệu bushel trong tuần trước đó; 20 triệu bushel đậu nành, so với 29 triệu bushel trong tuần trước. Nhu cầu thế giới đối với đậu tương sẽ được phân chia giữa Mỹ và Brazil trong giai đoạn từ tháng 5-7/2022.

AgResource lưu ý rằng tính đến ngày 7/4, Canada nhập khẩu kỷ lục 143 triệu bushel ngô Mỹ, so với 24 triệu bushel một năm trước và chiếm 96% dự báo nhập khẩu hàng năm của Canada mà Bộ Nông nghiệp Mỹ đưa ra.

Theo dự báo thời tiết, khu vực Oklahoma, Kansas và Colorado khả năng cao sẽ có mưa từ ngày 23-25/4. Nhiệt độ ở miền trung Mỹ dự báo sẽ ấm hơn trong khoảng thời gian 8-15 ngày. Nhiệt độ ấm hơn và lượng mưa bao trùm về phía Tây có thể xuất hiện vào tuần cuối cùng của tháng 4/2022.

Thị trường càphê thế giới cho thấy, kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá càphê Robusta trên sàn ICE Europe - London tiếp tục sụt giảm phiên thứ ba. Giá càphê Robusta giao tháng 5/2022 giảm 4 USD, xuống 2.087 USD/tấn và loại giao tháng 7/2022 giảm 6 USD, còn 2.099 USD/tấn. Khối lượng giao dịch duy trì ở mức trung bình.

Trong khi đó, giá càphê Arabica trên sàn ICE US - New York cũng có phiên sụt giảm thứ ba liên tiếp. Giá càphê Arabica giao tháng 5/2022 giảm 1,45 xu Mỹ, xuống 223,60 xu Mỹ/lb và loại giao tháng 7/2022 giảm 1,40 xu Mỹ xuống 223,75 xu Mỹ/lb (1 lb = 0,4535 kg). Khối lượng giao dịch rất cao trên mức trung bình.

Giá càphê kỳ hạn tiếp tục sụt giảm trên cả hai sàn khi ngày hết hạn hợp đồng quyền chọn kỳ hạn tháng Năm đã cận kề.

Thứ Sáu ngày 15/4, các thị trường đóng cửa cả ngày, nghỉ lễ Phục Sinh. Thứ Hai ngày 18/4, London đóng cửa nghỉ cả ngày, New York mở cửa trễ.

Giá càphê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên giảm thêm 100 đồng, xuống dao động trong khoảng 40.000-40.600 đồng/kg./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục