Thị trường nông sản tuần qua: Giá gạo Ấn Độ thấp nhất trong 5 tháng

Đồng rupee suy yếu và số ca mắc COVID-19 gia tăng đã gây ra tình trạng “tắc nghẽn” logistic, khiến giá gạo của Ấn Độ giảm xuống mức thấp của 5 tháng.
Thị trường nông sản tuần qua: Giá gạo Ấn Độ thấp nhất trong 5 tháng ảnh 1Gạo xuất khẩu của Ấn Độ. (Nguồn: thehindu.com)

Giá gạo của nước xuất khẩu hàng đầu Ấn Độ đã giảm xuống mức thấp của 5 tháng trong tuần này do đồng rupee suy yếu và số ca mắc COVID-19 gia tăng đã gây ra tình trạng “tắc nghẽn” logistic.

Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ đã giảm xuống 374-379 USD/tấn so với mức 386-390 USD/tấn trong tuần trước.

Nitin Gupta, Phó Chủ tịch phụ trách kinh doanh gạo của Olam India, cho biết làn sóng COVID-19 thứ hai đã bắt đầu ảnh hưởng đến hoạt động vận chuyển từ các nhà máy xay xát đến các cảng. Hiện hoạt động xay xát chưa bị ảnh hưởng, nhưng nếu số ca mắc COVID-19 tiếp tục tăng, tình hình sẽ khác.

[Thị trường nông sản tuần qua: Lúa tiếp tục giảm trong khi càphê tăng]

Tổng số ca mắc COVID-19 tại Ấn Độ đã vượt 18 triệu ca tính đến ngày 29/4. Trong khi đó, đồng rupee Ấn Độ vẫn suy yếu so với các đồng tiền tệ khác.

Nước láng giềng Bangladesh cũng đang “quay cuồng” với đợt dịch mới, buộc nước này phải kéo dài các biện pháp phong tỏa cho đến ngày 5/5, làm ảnh hưởng đến việc thu hoạch lúa gạo do thiếu lao động.

Bangladesh đã trở thành nước nhập khẩu gạo lớn sau khi liên tiếp hứng chịu các trận bão lũ hồi năm ngoái, gây thiệt hại mùa màng.

Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Thái Lan đã tăng lên 470-500 USD/tấn so với mức 467-500 USD/tấn trong tuần trước.

Một thương nhân cho biết các nhà xuất khẩu đã có gạo để vận chuyển, song nhu cầu không cao. Nhu cầu gạo từ khu vực Trung Đông đã giảm trong tháng Ramadan.

Giá gạo 5% tấm của Việt Nam đã giảm xuống còn 485-490 USD/tấn trong ngày 29/4, mức thấp nhất kể từ ngày 10/12, so với mức 485-495 USD/tấn của tuần trước.

Một thương nhân có trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết hoạt động buôn bán chậm lại do nhiều thương lái nghỉ lễ dài ngày. Một số nhà xuất khẩu vẫn đang thu mua các hợp đồng đã ký trước đó.

Theo Tổng cục Thống kê Việt Nam, trong bốn tháng đầu năm nay, xuất khẩu gạo của Việt Nam dự kiến giảm 10,8% so với một năm trước xuống 1,89 triệu tấn, song doanh thu ước tăng 1,2% lên 1,01 tỷ USD.

Thị trường nông sản Mỹ

Thị trường nông sản Mỹ đều tăng giá trong phiên giao dịch cuối tuần 30/4, dẫn đầu là mặt hàng ngô.

Chốt phiên này, giá ngô giao tháng 7/2021 tăng 25 xu Mỹ (3,86%) lên 6,7325 USD/bushel.

Giá lúa mỳ giao cùng kỳ hạn tăng 5,75 xu Mỹ (0,79%) lên 7,3475 USD/bushel, còn giá đậu tương tăng 32 xu Mỹ (2,13%) lên 15,3425 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

Công ty nghiên cứu AgResource có trụ sở tại Chicago cho biết khối lượng giao dịch các loại hàng hóa nông sản đã giảm xuống trong vài ngày gần đây trong bối cảnh phần lớn các nước nghỉ lễ Quốc tế Lao động.

Giá ngô tăng chủ yếu do các dự báo về tình hình thời tiết khô hạn, có thể làm ảnh hưởng đến nguồn cung.

Công ty tư vấn nông nghiệp Safras của Brazil (Bra-xin) mới đây đã hạ dự báo vụ ngô 2020-2021 xuống còn 104 triệu tấn, giảm 8% do điều kiện thời tiết khô hạn gần đây. Theo AgResource, hợp đồng ngô giao tháng 7/2021 có thể “thử nghiệm” mức cao 6,8 USD/bushel.

Thị trường càphê thế giới

Kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá càphê Robusta giao tháng 7/2021 tại thị trường London tăng 4 USD/tấn lên 1.456 USD/tấn.

Trong khi đó, giá càphê Arabica giao tháng 7/2021 trên sàn giao dịch New York giảm 1,55 xu Mỹ/lb ở mức 141,45 xu Mỹ/lb (1lb = 0,45359kg).

Thị trường nông sản tuần qua: Giá gạo Ấn Độ thấp nhất trong 5 tháng ảnh 2Nông dân thu hoạch hạt càphê tại một nông trại ở Forquilha do Rio, Espirito Santo, Brazil. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo các nhà quan sát, các thị trường càphê cần có thêm vài phiên điều chỉnh khi giá càphê Arabica vẫn chịu nhiều bất lợi.

Trong khi sản lượng càphê Arabica Brazil năm nay sụt giảm nghiêm trọng không chỉ do bị khô hạn ngay từ đầu vụ mà còn rơi vào năm giảm theo chu kỳ ''hai năm một.''

Giá càphê Việt Nam ngày 1/5 dao động trong khoảng 32.500-33.300 đồng/kg. Cả nước đang trong kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 kéo dài 4 ngày, cùng với tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp tại một số địa phương khiến thị trường càphê giao dịch trầm lắng./.

(TTXVN/ Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục