Tuần qua (ngày 2 đến 7/11), giá lúa gạo ở một số địa phương Đồng bằng sông Cửu Long duy trì ổn định so với tuần trước. Trong khi đó, giá càphê tiếp đà phục hồi.
Thị trường nông sản trong nước
Giá lúa gạo tuần qua tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long duy trì ở mức ổn định. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang, giá lúa tươi thường tại tỉnh dao động từ 6.000-6.300 đồng/kg; tương đương tuần trước; các loại lúa chất lượng cao như Jasmine từ 6.200-6.300 đồng/kg, lúa OM từ 6.000-6.300 đồng/kg.
Giá gạo thường dao động ở mức 10.500-11.500 đồng/kg, gạo Jasmine từ 13.000-14.000 đồng/kg, gạo Nhật 23.000 đồng/kg, tấm thường 12.500 đồng/kg, nếp từ 13.000-14.000 đồng/kg...
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong tháng 10 vừa qua, giá lúa, gạo tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long diễn biến tăng, giảm trái chiều so với cuối tháng 9.
Cụ thể, tại An Giang, lúa IR50404 tăng 400 đồng/kg lên 6.000 đồng/kg; lúa OM 2514 tăng 100 đồng/kg lên 5.900 đồng/kg; lúa gạo thường ở mức 10.500 đồng/kg; gạo Jasmine ở mức 14.500 đồng/kg.
Tại Kiên Giang, lúa IR50404 tăng 400 đồng/kg lên 6.800-6.900 đồng/kg; lúa OM 6976 tăng 300 đồng/kg lên mức 6.900-7.200 đồng/kg; lúa OM 5451 tăng 300 đồng/kg lên mức 7.000-7.300 đồng/kg.
Giá lúa Thu Đông tại Vĩnh Long giảm là do thời tiết mưa nhiều đã làm ảnh hưởng năng suất và chất lượng lúa, như lúa IR50404 giảm 200 đồng/kg xuống 5.300 đồng/kg.
Dự kiến thời gian tới, giá gạo có thể giảm nhẹ do nguồn gạo Thu Đông về đều trong tháng 11 và kéo dài đến hết tháng 12, đầu tháng 1/2021. Tuy nhiên, nguồn cung vụ Thu Đông, được đánh giá là không nhiều, chính là yếu tố giúp giá gạo giữ ở mức trong các tháng 11 và 12 trước khi có nguồn mới từ vụ Đông Xuân 2020-2021.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng khối lượng xuất khẩu gạo 10 tháng năm 2020 đạt 5,29 triệu tấn với giá trị 2,61 tỷ USD, giảm 4% về khối lượng nhưng tăng 8% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.
Theo Diễn đàn của người làm càphê, tuần qua, giá càphê tiếp tục hồi phục với giá tăng nhẹ. Giá càphê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên ngày 7/11 dao động trong khung 32.800-33.400 đồng/kg, tăng 300-400 đồng/kg so với cuối tuần trước.
Giá càphê trong nước thời gian tới được nhận định tiếp tục xu hướng tăng giá bởi diễn biến phức tạp của thời tiết ở miền Trung và Tây Nguyên là nguyên nhân chính gây thu hẹp nguồn cung, càphê chín muộn do mưa nhiều đẩy thời gian thu hoạch giãn xa hơn.
Tại cảng Thành phố Hồ Chí Minh, giá càphê Robusta xuất khẩu loại 2, 5% đen vỡ, đứng ở 1.483 USD/tấn, với mức chênh lệch cộng 100-120 USD/tấn theo giá kỳ hạn tháng 3/2021 tại London.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, khối lượng xuất khẩu càphê 10 tháng đạt 1,34 triệu tấn với giá trị 2,32 tỷ USD, giảm 1,3% về khối lượng và giảm 0,7% về giá trị so với cùng kỳ năm 2019.
Thị trường nông sản thế giới
Về thị trường gạo châu Á, giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ đã giảm trong tuần qua do sản lượng của vụ mùa mới dồi dào và giá đồng rupee giảm. Trong khi đó, các thương nhân Việt Nam kỳ vọng vào các đơn đặt hàng mới từ Philippines ngay cả khi nguồn cung trong nước đang “cạn dần."
Giá gạo đồ 5% tấm của nhà xuất khẩu hàng đầu Ấn Độ được giao dịch ở mức 366-370 USD/tấn trong tuần này, giảm so với mức 370-375 USD của tuần trước.
Một nhà xuất khẩu tại Kakinada thuộc bang Andhra Pradesh cho biết nguồn cung tăng lên ở các bang miền Nam và miền Đông từ vụ lúa Hè Thu. Theo nhà xuất khẩu này, Chính phủ Ấn Độ đã tích cực thu mua lúa từ nông dân, nhưng vẫn có một lượng gạo dồi dào cho các thương lái.
Trong khi đó, giá gạo 5% tấm của Việt Nam được giao dịch ở mức 493-497 USD/tấn, so với mức 495 USD/tấn trong tuần trước.
Một thương nhân tại Thành phố Hồ Chí Minh cho hay nhu cầu gạo dự kiến sẽ tăng vào cuối tháng này nhờ lượng đơn đặt hàng mới từ Philippines, nước đang phải hứng chịu nhiều trận bão và lũ lụt gần đây.
Giá gạo 5% tấm của Thái Lan đã giảm xuống 455-458 USD/tấn so với mức 452-480 USD/tấn trong tuần trước. Hai thương nhân tại Bangkok cho hay sự thay đổi giá là do nhu cầu ảm đạm và nguồn cung dự kiến tăng lên.
Theo số liệu mới từ Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan, nước này đã xuất khẩu hơn 4 triệu tấn gạo từ tháng 1-9/2020, giảm 31,9% so với cùng kỳ năm trước.
Thị trường càphê thế giới cho thấy sự biến động của tiền tệ thế giới đi kèm với dự báo sản lượng sẽ sụt giảm ở Brazil, thu hoạch vụ mùa mới ở Việt Nam và các nước Trung Mỹ bị chậm lại vì mưa bão liên tiếp đã hỗ trợ giá càphê đảo chiều hồi phục.
Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần qua, giá càphê Robusta giao tháng 1/2021 trên sàn ICE Europe-London tăng thêm 11 USD, lên 1.350 USD/tấn. Trong khi đó, giá càphê Arabica giao tháng 12/2020 trên sàn ICE US-New York tăng thêm 1 xu lên 106,95 xu/lb.
Giá càphê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên tăng thêm 100-200 đồng, lên 32.600-33.200 đồng/kg.
Giá càphê nối tiếp đà hồi phục còn do Tổ chức Procafé và Liên đoàn Nông nghiệp Quốc gia (CNA) dự báo vụ mùa năm tới của Brazil sẽ giảm khoảng 14-21% sản lượng.
[Giá càphê tăng khá, giá lúa gạo và tiêu ổn định ở mức cao]
Bên cạnh đó, những cơn bão và áp thấp nhiệt đới liên tiếp đi vào Duyên hải miền Trung và gây mưa liên tiếp trên vùng càphê Tây nguyên Việt Nam khiến thu hoạch vụ mùa càphê Robusta năm nay bị chậm lại.
Vào những năm xuất hiện La Nina, các nước sản xuất càphê ở châu Á thường nhận lượng mưa dư thừa có thể gây tổn hại đến chất lượng hạt càphê và kéo theo việc cung ứng hàng vụ mới chậm trễ.
Về thị trường nông sản Mỹ, trên sàn giao dịch nông sản Chicago (CBOT) của Mỹ trong phiên 5/11, giá các loại nông sản giao kỳ hạn đều giảm, dẫn đầu là giá lúa mỳ.
Cụ thể, giá ngô giao tháng 12/2020 giảm 2,5 xu Mỹ (0,61%) xuống mức 4,0675 USD/bushel, trong khi giá lúa mỳ giao cùng kỳ hạn giảm 7,25 xu Mỹ (1,19%) xuống 6,02 USD/bushel. Giá đậu tương giao tháng 1/2020 giảm 2,25 xu Mỹ (0,2%) xuống đóng cửa ở mức 11,015 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).
Công ty nghiên cứu AgResource có trụ sở tại Chicago cho hay giá các loại nông sản giao kỳ hạn trên sàn CBOT giảm do hoạt động bán ra chốt lời và bán nông sản của Mỹ.
Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự kiến sẽ công bố báo cáo Cơ sở 10 năm trong tháng 11/2020, báo cáo này sẽ cung cấp thông tin chi tiết về nhu cầu của Trung Quốc trong tương lai.
USDA báo cáo các nhà xuất khẩu tư nhân đã bán 132.000 tấn đậu tương cho Trung Quốc và 272.150 tấn đậu tương khác cho một người mua giấu tên.
Ngoài ra, một thương vụ bán 206.900 tấn ngô Mỹ cho một điểm đến nữa chưa được xác định.
AgResource dự đoán hoạt động bán nông sản của Mỹ sẽ giảm vào tuần tới khi vụ thu hoạch năm 2020 kết thúc và giá cả có xu hướng đi lên vào Lễ Tạ ơn.
Tiến độ thu hoạch ngô của Ukraine đã đạt 69% và số liệu về sản lượng vẫn còn thấp. USDA dự kiến sẽ hạ dự báo sản lượng ngô của Ukraine trong báo cáo của mình vào ngày 9/11 tới, đồng thời nâng dự báo xuất khẩu ngô của Mỹ. Nguồn cung ngô thế giới trong năm 2020 ước đoán có thể giảm 12-16 triệu tấn./.