Thị trường nông sản trong tuần qua: Hồ tiêu quay đầu tăng giá

Trong tuần qua, giá càphê có một tuần biến động tăng giảm mạnh, giá lúa ở một số địa phương giảm nhẹ, còn giá tiêu lại quay đầu tăng.
Thị trường nông sản trong tuần qua: Hồ tiêu quay đầu tăng giá ảnh 1Vườn tiêu tại huyện đảo Phú Quốc. (Ảnh: Lê Sen/TTXVN)

Trong tuần qua (ngày 23 đến 28/11), giá lúa ở một số địa phương Đồng bằng sông Cửu Long giảm nhẹ từ 100 đồng/kg so với tuần trước.

Trong khi đó, giá càphê có một tuần biến động tăng giảm mạnh, còn giá tiêu lại quay đầu tăng khá.

Thị trường trong nước

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn An Giang, giá lúa tươi thường tại tỉnh dao động từ 6.300-6.500 đồng/kg; giảm 100 đồng/kg so với tuần trước; các loại lúa chất lượng cao giảm từ 100-200 đồng/kg, cụ thể: Jasmine từ 6.700-6.800 đồng/kg, lúa OM từ 6.400-6.700 đồng/kg.

Giá các mặt hàng gạo tại An Giang duy trì ổn định. Giá gạo thường giao động ở mức 10.500-11.500 đồng/kg, gạo Jasmine từ 14.000-15.000 đồng/kg, gạo Nhật 23.000 đồng/kg, tấm thường 12.500 đồng/kg, nếp từ 13.000-14.000 đồng/kg, gạo Hương lài 19.500 đồng/kg…

Vụ Thu Đông này, nông dân tỉnh Kiên Giang được mùa, được giá. Toàn tỉnh gieo sạ đạt 90.132ha, vượt hơn 25% kế hoạch sản xuất, góp phần đưa sản lượng lúa năm 2020 của tỉnh lên hơn 4,5 triệu tấn, tăng khoảng 6% so với kế hoạch.

[Nông sản Việt ra thị trường thế giới: Nâng cao năng lực thích ứng]

Đến thời điểm này, tỉnh Kiên Giang đã thu hoạch khoảng 85.000ha, năng suất bình quân 5,5 tấn/ha. Nông dân rất phấn khởi khi giá lúa tăng khá cao so với những vụ mùa trước. Thương lái mua tại ruộng lúa tươi thường 5.800-5.900 đồng/kg và lúa tươi chất lượng cao 6.000-6.100 đồng/kg; lợi nhuận sản xuất cao, từ 30-40% sau khi trừ chi phí đầu tư sản xuất.

Hiện nay, nông dân trong tỉnh cũng đang tập trung làm đất sản xuất vụ lúa Đông Xuân 2020-2021. Đến nay, tỉnh đã gieo sạ hơn 30.000ha, bằng 10,5% kế hoạch.

Tại Đồng Tháp, trong vụ Đông Xuân 2020-2021, tỉnh này dự kiến xuống giống khoảng 200.000ha lúa. Đến nay, nông dân trên địa bàn tỉnh đã xuống giống được hơn 60.000ha.

Nông dân chủ động sử dụng giống lúa chất lượng cao, thích nghi với điều kiện thổ nhưỡng địa phương, năng suất cao và ổn định, đáp ứng yêu cầu thị trường tiêu thụ, chống chịu với một số đối tượng sâu bệnh.

Phía Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Đồng Tháp cho hay việc xuống giống vụ lúa Đông Xuân 2020-2021 phải theo đúng lịch thời vụ, xuống giống tập trung, đồng loạt, né rầy trên từng khu vực, từng cánh đồng; không xuống giống sớm và xuống giống kéo dài, không để trên cùng cánh đồng có nhiều trà lúa; bảo đảm phải có thời gian cách ly giữa hai vụ ít nhất 3 tuần.

Theo Diễn đàn của người làm càphê, tuần qua có thời điểm giá càphê đã quay đầu giảm mạnh nhưng sau đó đã bật tăng trở lại.

Điển hình ngày 25/11, giá càphê giảm mạnh 500 đồng xuống ở 31.800-32.300 đồng/kg so với cuối tuần trước. Giá thấp nhất tại Lâm Đồng đã rời mức 32.000 đồng/kg.

Tuy nhiên ngày 27/11, giá càphê đã hồi phục lại tương ứng. Do đó, giá càphê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên ngày 28/11 giao động trong khung 32.900-33.300 đồng/kg, tương đương so với cuối tuần trước.

Tại cảng Thành phố Hồ Chí Minh, giá càphê Robusta xuất khẩu loại 2,5% đen vỡ, đứng ở 1.446 USD/tấn, với mức chênh lệch +55 USD/tấn.

Theo Tintaynguyen, giá tiêu ngày 28/11 trong khoảng 56.000-58.500 đồng/kg, tăng từ 1.500-2.000 đồng/kg so với cuối tuần trước. Giá tiêu cao nhất vẫn ở Bà Rịa-Vũng Tàu là 58.500 đồng/kg.

Tại tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, giá tiêu được thu mua với mức 57.000 đồng/kg. Tại tỉnh Đồng Nai, giá tiêu ở mức thấp nhất là 56.000 đồng/kg.

Hiện các vườn tiêu trên địa bàn Bà Rịa-Vũng Tàu đang trong thời điểm nuôi trái nhưng tỷ lệ hạt tiêu rất thấp, chỉ lác đác, thưa thớt trên cây.

Một điều bất thường là vụ tiêu năm nay có tình trạng tiêu ra hoa đợt 2 trong 1 vụ, điều này khiến cây tiêu suy yếu vì phải tiếp tục nuôi hoa trong khi đang phải nuôi trái; trong khi đó, hoa tiêu đợt này nếu đậu trái cũng sẽ bị lép.

Chính vì vậy, nông dân buộc phải thuê nhân công ngắt bỏ hoa ra đợt 2 này, làm tăng thêm chi phí.

Những năm trước, khi giá tiêu ở mức cao thì người nông dân ồ ạt phá bỏ các vườn cây khác để chuyển qua trồng tiêu, khiến diện tích tiêu của Bà Rịa-Vũng Tàu tăng lên nhanh chóng, có thời điểm lên đến khoảng 13.000 ha.

Sau khi cây tiêu rớt giá xuống thấp thì người dân lại bỏ bê, ồ ạt phá bỏ để chuyển trồng qua các loại cây ăn trái.

Hiện, toàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu chỉ còn trên 11.300ha, giảm gần 2.000ha so với cùng kỳ năm 2019; tổng sản lượng tiêu thu hoạch ước đạt trên 19.340 tấn, bằng 91,7% so với kế hoạch, giảm 1.754 tấn so cùng kỳ năm ngoái.

Thị trường thế giới

Về thị trường nông sản Mỹ, kết thúc phiên 27/11, trên Sàn giao dịch nông sản Chicago (CBOT) của Mỹ, giá các loại nông sản giao kỳ hạn đều đi lên.

Giá ngô giao tháng 3/2021 phiên này tăng 1,46% lên mức 4,3375 USD/bushel, trong khi giá lúa mỳ giao cùng kỳ hạn nhích thêm 1,59% lên mức 6,06 USD/bushel.

Giá đậu tương giao tháng 1/2021 tăng 0,65% và chốt phiên ở mức 11,9175 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

Công ty nghiên cứu AgResource có trụ sở tại Chicago cho biết, các hợp đồng nông sản kỳ hạn đồng loạt tăng do những lo ngại về tình hình thời tiết khô hạn ở Nam Mỹ và doanh số xuất khẩu hàng tuần của Mỹ mạnh hơn dự kiến.

Tâm lý chung trên sàn CBOT là lạc quan, trong khi ảnh hưởng của thời tiết khu vực Nam Mỹ đối với thị trường sẽ ngày càng tăng trong tháng 12.

Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), Trung Quốc đã mua 333.000 tấn lúa mì trắng của Mỹ để làm thức ăn chăn nuôi trong tuần này.

Nhu cầu bổ sung của nước này đối với ngô của Mỹ cũng có thể sẽ tăng cao.

AgResource dự báo nhu cầu của Trung Quốc có thể sẽ tạo ra một đợt tăng giá thức ăn chăn nuôi diện rộng trên thị trường ngũ cốc thế giới.

Về thị trường gạo, giá gạo xuất khẩu của Thái Lan đã tăng lên mức cao nhất trong hơn hai tháng trong tuần này trong bối cảnh giá cước vận tải bằng container tăng cao, trong khi đồng rupee tăng giá và nhu cầu cải thiện đã thúc đẩy giá gạo ở Ấn Độ.

Gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ tuần này được báo giá ở mức 372-378 USD/tấn, tăng so với mức 366-370 USD/tấn của tuần trước.

Ông B.V. Krishna Rao, Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ (REA), cho biết nhu cầu về gạo Ấn Độ đang khá tốt vì loại gạo này rẻ hơn so với sản phẩm từ các nước xuất khẩu khác.

Về sự tăng giá trong tuần qua, một thương gia có trụ sở tại bang Andhra Pradesh, miền Nam Ấn Độ cho hay đồng rupee mạnh lên đã buộc các nhà xuất khẩu gạo của nước này phải tăng giá.

Tại Thái Lan, giá gạo 5% tấm tiêu chuẩn tăng từ mức 475-485 USD/tấn một tuần trước đó lên 480-490/tấn trong tuần này. Một thương nhân ở Bangkok cho biết, tuy thị trường vắng lặng, nhưng giá cước vận chuyển cao hơn, khiến giá gạo cũng cao hơn.

Thị trường nông sản trong tuần qua: Hồ tiêu quay đầu tăng giá ảnh 2Gạo Thái Lan. (Nguồn: AFP)

Giá gạo 5% tấm của Việt Nam không đổi so với tuần trước, vẫn ở mức 495-500 USD/tấn.

Một thương nhân có trụ sở tại Thành phố Hồ Chí Minh cho hay lượng gạo xuất sang Trung Quốc và Philippines đang tăng, nhưng nhu cầu từ các thị trường khác như Malaysia và châu Phi vẫn còn yếu.

Trên thị trường càphê châu Á, phiên 27/11, giá càphê Robusta xuất khẩu loại 2 với 5% đen vỡ của Việt Nam đứng ở mức 1.481 USD/tấn (FOB).

Trên thị trường càphê thế giới, kết thúc phiên 27/11, giá càphê Robusta giao kỳ hạn tháng 1/2021 trên sàn ICE Europe tại London tăng 2 USD lên 1.411 USD/tấn, còn kỳ hạn giao tháng 3/2021 tăng 2 USD lên 1.413 USD/tấn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục