Thị trường nông sản thế giới tuần qua: Giá gạo châu Á đồng loạt tăng

Giá gạo đang tăng cao hơn là do nguồn cung bị hạn chế. Tuy nhiên, tại ngưỡng giá này, nhu cầu từ người mua châu Phi đang giảm đi.
Thị trường nông sản thế giới tuần qua: Giá gạo châu Á đồng loạt tăng ảnh 1Đóng gói gạo xuất khẩu. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Tuần qua giá gạo trên thị trường châu Á đồng loạt tăng, trong đó giá gạo Ấn Độ chạm mức cao nhất của 5 năm nhờ nguồn cung khan hiếm, đi kèm động thái tăng giá thu mua từ chính phủ.

Giá gạo của Việt Nam, Thái Lan cũng ghi nhận mức cao nhất của hai năm.

Cụ thể, gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ đã tăng tuần thứ năm liên tiếp, lên mức 409-416 USD/tấn, cao hơn đáng kể so với mức giá 397-405 USD của tuần trước, đạt đỉnh tính từ đầu tháng 5/2018.

Vào đầu tháng Sáu, New Delhi đã tăng giá thu mua lúa vụ mùa mới thêm 7%, giúp đem lại thu nhập cao hơn cho người nông dân.

Chủ tịch Hiệp hội các nhà xuất khẩu gạo Ấn Độ, B.V. Krishna Rao, lý giải giá gạo đang tăng cao hơn là do nguồn cung bị hạn chế. Tuy nhiên, tại ngưỡng giá này, nhu cầu từ người mua châu Phi đang giảm đi.

Quốc gia láng giềng của Ấn Độ, Bangladesh, tuyên bố sẽ mở rộng chương trình bán gạo trợ cấp cho người nghèo từ tháng 7/2023, để hỗ trợ họ vượt qua ảnh hưởng bởi giá lương thực tăng cao.

Bộ trưởng Lương thực Bangladesh, Sadhan Chandra Majumder, cho biết, theo chương trình này, 10 triệu người sẽ được mua gạo với giá 30 taka (0,28 USD)/kg.

[Giá lúa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long biến động trái chiều]

Tại Thái Lan, giá gạo 5% tấm được niêm yết ở mức 515 USD/tấn, nhiều hơn 10 USD/tấn so với tuần trước và đạt mức cao nhất kể từ tháng 3/2021.

Một thương nhân tại Bangkok cho biết giá tăng là do nhu cầu của châu Á và châu Phi đối với gạo Thái Lan đang dần nhiều hơn, để thay thế cho nguồn nhập khẩu gạo giá cao của Ấn Độ.

Ngoài ra, theo một thương nhân khác, giá gạo tăng một phần được hỗ trợ bởi nguồn cung hạn chế, khi nhiều chuyến hàng được vận chuyển đến Indonesia và Philippines.

Tại Việt Nam, gạo 5% tấm được giao dịch quanh mức 500-510 USD/tấn, cao nhất kể từ tuần đầu tháng 4/2021 và lớn hơn so với mức giá 495-505 ghi nhận vào tuần trước.

Một thương nhân tại thành phố Hồ Chí Minh chia sẻ nhu cầu hiện rất mạnh, khi các nước nhập khẩu gạo đang tìm cách củng cố lượng dự trữ gạo, nhằm đảm bảo an ninh lương thực.

Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy xuất khẩu gạo của Việt Nam trong nửa đầu năm 2023 ước tính tăng khoảng 22,2% so với cùng kỳ năm trước.

Thị trường nông sản Mỹ

Giá các mặt hàng nông sản trên sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT) biến động trái chiều trong phiên 30/6. Cụ thể, gía ngô giao tháng 12/2023 giảm 33,75 xu Mỹ (6,39%) xuống 4,9475 USD/giạ; giá lúa mỳ giao tháng 9/2023 giảm 16,5 xu Mỹ (2,47%) xuống 6,51 USD/giạ; trong khi giá đậu tương giao tháng 11/2023 tăng 77,5 xu Mỹ (6,12%) lên 13,4325 USD/giạ. (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

Dữ liệu của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho thấy, tình trạng của vụ ngô và đậu tương tại Mỹ hiện ở mức tồi tệ nhất trong nhiều thập kỷ.

Mặc dù triển vọng thời tiết làm tăng sự lạc quan về nguồn cung, nhưng thị trường vẫn đặt dấu hỏi về nhu cầu đối với ngũ cốc của Mỹ, do cạnh tranh gay gắt trên toàn cầu.

Dịch vụ giám sát cây trồng của Liên minh châu Âu (MAR) dự báo sản lượng lúa mỳ của Nga trong năm nay sẽ đạt 86,7 triệu tấn, nhấn mạnh kỳ vọng về một vụ mùa trên mức trung bình.

Trong khi đó, Hiệp hội doanh nghiệp Câu lạc bộ Kinh doanh Nông nghiệp Ukraine cho biết sản lượng thu hoạch ngũ cốc trong năm 2023 của nước này có khả năng giảm xuống 42,5 triệu tấn, thấp hơn nhiều so với mức 53 triệu tấn năm của 2022 do diện tích gieo trồng bị thu hẹp.

Thị trường càphê thế giới

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần này, giá càphê Robusta trên sàn ICE Europe-London sụt giảm phiên thứ tư liên tiếp.

Giá càphê Robusta giao tháng 9 giảm 79 USD, xuống 2.491 USD/tấn và giá càphê Robusta giao tháng 11 giảm 83 USD, còn 2.391 USD/ tấn. Khối lượng giao dịch khá cao, trên mức trung bình.

Tương tự, giá càphê Arabica trên sàn ICE US - New York cùng xu hướng giảm. Giá càphê Arabica giao tháng 9 giảm 2,60 xu, xuống 159 cent/lb và giá càphê Arabica giao tháng 12 giảm 2,15 xu, còn 158,10 cent/lb (1lb = 0,45 kg).

Giá càphê trên hai sàn tiếp tục sụt giảm do các quỹ và nhà đầu cơ đẩy mạnh xu hướng thanh lý, trước khi chốt sổ kinh doanh 6 tháng đầu năm 2023. Động thái này khiến giá càphê quay về mức thấp gần 2 năm.

Theo các nhà quan sát, thị trường càphê hiện thiếu vắng khách mua ngay, gây ảnh hưởng tiêu cực lên giá cà phê thế giới.

Do áp lực bán hàng vụ mới đang thu hoạch ở Brazil khiến khách mua chuyển sang các hợp đồng kỳ hạn xa là chủ yếu do có mức giá chênh lệch đáng kể hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục