Thị trường nông sản thế giới: Giá lúa tiếp tục duy trì ở mức cao

Trong tuần qua, giá lúa các loại ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vẫn duy trì ở mức giá khá cao; cộng với được mùa, giá tốt, tiêu thụ nhanh nên nông dân rất phấn khởi.
Thu hoạch lúa vụ Đông Xuân. (Ảnh: Hoàng Nhị/TTXVN)

Trong tuần qua, giá lúa các loại ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vẫn duy trì ở mức giá khá cao; cộng với được mùa, giá tốt, tiêu thụ nhanh nên nông dân rất phấn khởi.

Số liệu từ Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho thấy tại Cần Thơ, giá lúa Jasmine là 7.600 đồng/kg, OM 4218 là 7.400 đồng/kg; IR 50404 ở mức 6.800 đồng/kg.

Giá lúa tại Sóc Trăng như Đài thơm 8 là 8.200 đồng/kg; OM 5451 là 7.800 đồng/kg, ST 24 là 8.600 đồng/kg.

Giá lúa tại Tiền Giang ở một số loại như IR 50404 là 6.900 đồng/kg; lúa OC10 là 6.800 đồng/kg, Jasmine là 7.400 đồng/kg.

Tại Kiên Giang giá lúa IR 50404 là 6.500 đồng/kg; OM 5451 là 6.700 đồng/kg; Jasmine là 7.000 đồng/kg.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh An Giang, hiện lúa OM 18 đang được thương lái thu mua tại ruộng với mức từ 6.700-6.800 đồng/kg; OM 5451 từ 6.400-6.600 đồng/kg; Đài thơm 8 từ 6.800-7.000 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg; Nàng hoa 9 từ 6.800-7.100 đồng/kg; IR 50404 từ 6.300-6.500 đồng/kg, giảm 100 đồng/kg.

Hiện nay, nông dân Cà Mau đang bước vào thu hoạch rộ vụ lúa Đông Xuân năm 2022-2023. Vụ lúa năm nay, nông dân trồng lúa địa phương rất phấn khởi khi vừa được mùa, vừa được giá. Giá lúa được các thương lái thu mua tại ruộng cũng cao hơn so với cùng kỳ năm trước, trung bình khoảng 1.000 đồng/kg.

Hiện ở Cà Mau, giá lúa ST24, ST25 và Lộc Trời 28 có giá trên 7.000 đồng/kg; còn lại các loại giống lúa khác như Ðài thơm 8, OM5451, OM18… đều có giá trên 6.300 đồng/kg. Với giá lúa hiện tại, sau khi trừ chi phí, người dân có thể đạt lợi nhuận từ 25-30 triệu đồng/ha.

[Thị trường nông sản thế giới: Giá gạo Thái giảm do đồng baht suy yếu]

Tại thành phố Cần Thơ, nông dân rất phấn khởi vì chưa năm nào thu hoạch lúa Đông xuân lại được thuận lợi, vừa trúng mùa, trúng giá, đạt lợi nhuận cao mà còn dễ tiêu thụ như vụ Đông Xuân năm nay.

Cụ thể, giá lúa tươi giống Đài thơm 8 được thương lái thu mua tại ruộng từ 6.700-7.000 đồng/kg, RVT từ 7.400-7.500 đồng/kg, OM 5451 từ 6.500-6.700 đồng/kg… Bình quân tất cả các giống lúa năm nay đều có giá bán tăng hơn vụ Đông Xuân năm trước từ 800-1.100 đồng/kg.

Về xuất khẩu, giá gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức từ 455-460 USD/tấn trong phiên 16/2, không đổi so với một tuần trước đó.

Một nhà giao dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết giá dự kiến sẽ vẫn ở mức cao do nhiều quốc gia đang mua để tăng dự trữ quốc gia; trong đó có cả Trung Quốc và Indonesia.

Trong khi đó, giá gạo xuất khẩu của Thái Lan đã giảm trong tuần qua xuống mức thấp nhất trong hơn một tháng do nhu cầu và đồng baht suy yếu.

Giá gạo 5% tấm của Thái Lan được chào bán ở mức từ 460-465 USD/tấn, giảm so với mức từ 480-490 USD/tấn trong tuần trước. Một nhà giao dịch tại Bangkok cho biết đồng baht suy yếu và đã làm giá gạo giảm đi. Nhu cầu cũng thưa thớt và không có đơn đặt hàng lớn nào. Một thương nhân khác cho biết nhu cầu vẫn trầm lắng và sẽ phải đợi đến khi có nhiều nguồn cung mới vào tháng Tư tới.

Tương tự như gạo Việt Nam, giá gạo đồ 5% tấm của nhà xuất khẩu hàng đầu Ấn Độ được báo giá ở mức từ 395-402 USD/tấn trong tuần qua, không đổi so với tuần trước. Một nhà giao dịch tại Mumbai cho biết người mua vẫn mua hàng bất chấp giá tăng gần đây. Họ cảm thấy "thoải mái" với việc giá tăng.

Theo các quan chức chính phủ và ngành, xuất khẩu gạo của Ấn Độ trong năm 2022 đã tăng lên mức cao kỷ lục bất chấp việc chính phủ hạn chế bán ra nước ngoài, do người mua tiếp tục mua hàng vì giá cả cạnh tranh.

Công nhân vận chuyển gạo tại nhà kho ở Bangalore, Ấn Độ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trong khi đó, giá gạo trong nước ở Bangladesh vẫn ở mức cao mặc dù được mùa và dự trữ tốt. Chính phủ nước này cũng đã nhập khẩu gạo trong khi các thương nhân tư nhân được phép mua nhằm hạ nhiệt giá.

Về thị trường nông sản Mỹ, giá các mặt hàng nông sản trên sàn giao dịch hàng hóa Chicago (CBOT) giao dịch trái chiều trong phiên 17/2, trong đó giá ngô và đậu tương tăng nhẹ, còn giá lúa mỳ không đổi.

Khép phiên này, giá ngô giao tháng 3/2023 tăng 1,75 xu (0,26) lên 6,7775  USD/bushel. Giá lúa mỳ giao tháng 5/2023 không đổi ở mức 7,7625  USD/bushel. Giá đậu tương giao cùng kỳ hạn tăng 1 xu (0,07%) lên 15,2225 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).

Các mặt hàng nông sản của Mỹ đang chịu sự cạnh tranh từ nông sản của khu vực Nam Mỹ và Biển Đen. Do điều kiện thời tiết ở Nam Mỹ và quy mô cây trồng đã được biết đến rộng rãi, giá hàng hóa trên sàn CBOT có khả năng sụt giảm khi khu vực Bắc Mỹ bước vào mùa trồng trọt.

Kỳ nghỉ Lễ Tổng thống rơi vào ngày 20/2 tại Mỹ, điều này làm hạn chế khối lượng giao dịch. Do vụ thu hoạch ở Nam Mỹ kéo dài, áp lực lên giá hàng hóa giao dịch trên sàn CBOT sẽ tăng lên.

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) báo cáo rằng 120.800 tấn ngô của Mỹ đã được bán cho một người mua không xác định.

Thời tiết mát mẻ và khô ráo sẽ xuất hiện tại các khu vực trồng trọt của Argentina và Nam Brazil cho đến ngày 23/2 tới trước khi khả năng có mưa rào rải rác trở lại. Sương giá hoặc đóng băng khó có thể xảy ra trên các khu vực trồng trọt của Argentina vào cuối tuần này.

Thu hoạch càphê tại Fraijanes, Guatemala. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Trên thị trường càphê thế giới, kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, giá càphê Robusta trên sàn ICE Europe-London tiếp nối đà tăng. Giá càphê Robusta giao tháng 3/2023 tăng thêm 17 USD lên 2.085 USD/tấn và giá càphê Robusta giao tháng 5/2023 tăng 26 USD lên 2.098 USD/tấn. Khối lượng giao dịch khá cao trên mức trung bình.

Tương tự, giá càphê Arabica trên sàn ICE US-New York cũng xu hướng tăng. Giá càphê Arabica giao tháng 5/2023 tăng 5,50 xu lên 185,75 xu/lb; giá càphê Arabica giao tháng 7/2023 tăng 4,70 xu lên 184,25 xu/lb (1 lb = 0,4535kg). Khối lượng giao dịch rất cao trên mức trung bình.

Giá càphê nhân xô tại các tỉnh Tây Nguyên tăng thêm từ 400-500 đồng, lên dao động trong khung 44.800-50.200 đồng/kg.

Giá càphê kỳ hạn hồi phục ngay khi các quỹ và đầu cơ tiếp tục mua bù để giao cho các hợp đồng đã bán khống trước đó.

Trong khi đó, báo cáo tồn kho trên cả hai sàn do ICE quản lý và chứng nhận đã tăng nhẹ trong những ngày gần đây khi giá cả đã có phần cải thiện trên cả hai sàn cà phê kỳ hạn.

Theo dữ liệu tổng hợp của Reuters, Hiệp hội Càphê Hạt (GCA) ở Mỹ báo cáo tồn kho tính đến cuối tháng Một vừa qua đã giảm 1,8% so với tháng trước, xuống còn 6,26 triệu bao, mức giảm hàng tháng thấp nhất kể từ tháng 10/2001.

Theo trang Barchart.com, giá càphê Arabica tăng mạnh lên mức cao gần 4 tháng và giá càphê Robusta đạt mức cao nhất 2 tuần, do mưa lớn gần đây và sẽ còn mưa tiếp tại Minas Gerais, bang trồng càphê Arabica chính của Brazil khiến nông dân không thể ra đồng để chăm sóc và cây trồng càng thêm nhiều sâu bệnh làm năng suất càphê vụ tới có thể sụt giảm.

Chỉ số đồng USD sụt giảm liên tiếp đã hỗ trợ giá cả các loại hàng hóa nói chung và kích thích các quỹ và đầu cơ quay lại các thị trường càphê kỳ hạn để mua vào./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục