Thị trường nông sản thế giới biến động trái chiều ở phiên cuối tuần

Trên thị trường nông sản cuối tuần qua, giá các mặt hàng biến động không đồng nhất; trong đó càphê arabica giao tháng 9 tới giảm xuống 171,80 xu Mỹ/lb.

Trên thị trường nông sản cuối tuần qua, giá các mặt hàng biến động không đồng nhất.

Cacao vẫn giữ giá, thậm chí còn tụt chút ít so với tuần trước, trong bối cảnh xuất hiện một vài tín hiệu cho thấy Cote d'Ivoire - nước sản xuất cacao nhiều nhất thế giới - sẽ có một vụ mùa bội thu.

Jack Scoville, chuyên gia phân tích thuộc Price Futures Group, cho biết thời tiết thuận lợi là yếu tố chính hỗ trợ cho sự phát triển của ca cao, khiến nhiều người kỳ vọng vào vụ mùa tới.

Chốt phiên giao dịch cuối tuần này, tại sàn giao dịch hàng hóa LIFFE (Anh), giá cacao giao tháng Chín năm nay giảm nhẹ từ mức 1.924 bảng Anh/tấn xuống 1.919 bảng Anh/tấn.

Còn tại sàn NYBOT-ICE (Mỹ), giá cacao giao tháng 12/2013 cũng lùi từ mức 3.108 USD/tấn của tuần trước và đóng cửa ở mức 3.100 USD/tấn.

Giá của hai loại càphê chủ chốt phân hóa rõ rệt tại thị trường Mỹ và nước Anh. Càphê robusta lên giá do thời tiết khô hạn đang diễn ra tại Việt Nam có nguy cơ ảnh hưởng tới sản lượng thu hoạch. Trong khi đó, càphê arabica lại giảm giá do vụ mùa bội thu tại Brazil - nước sản xuất càphê hàng đầu thế giới.

Cũng theo ông Scoville, với tình trạng thời tiết khô hạn kéo dài như hiện tại thì hoạt động sản xuất càphê tại Việt Nam trong năm tới có thể bị ảnh hưởng nặng nề. Trái lại, thời tiết tại Brazil đang khá thuận lợi cho sự phát triển của mặt hàng nông sản này.

Trên sàn ICE, càphê arabica giao trong tháng Chín năm nay giảm xuống 171,80 xu Mỹ/lb (1 lb = 0,454 kg), từ mức 181,30 xu Mỹ/lb một tuần trước đó. Trên sàn LIFFE, già càphê robusta giao cùng kỳ hạn tăng từ 2.036 USD/tấn, lên 2.059 USD/tấn.

Tình trạng nguồn cung dư thừa cũng khiến giá đường trong phiên cuối tuần này sụt giảm mạnh. Khép lại phiên 4/7 vừa qua, tại sàn giao dịch hàng hóa LIFFE, giá đường trắng giao tháng 10 tới giảm từ mức 483,10 USD/tấn xuống 469,40 USD/tấn. Còn tại sàn NYBOT-ICE, giá đường thô giao cùng kỳ hạn cũng hạ xuống 17,81 xu Mỹ/lb, so với mức giá 18,55 xu/lb của phiên cuối tuần trước.

Không nằm ngoài xu hướng giảm với đường, mặt hàng cao su cũng tuột giá do đồng ringgit của Malaysia mạnh lên so với đồng USD, cũng như những lo ngại về khả năng nhu cầu tiêu thụ suy yếu tại Trung Quốc, quốc gia tiêu thụ cao su nhiều nhất thế giới.

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần, tại thị trường Malaysia, giá cao su hạ xuống mức 174,35 xu Mỹ/kg, so với mức chốt tuần trước là 178,65 xu/kg./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục