Trong tuần qua, giá lúa gạo ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục giảm và hầu hết các loại lúa đều có mức giá thấp hơn khá nhiều so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, lúa IR50404 có giá bán đầu tuần từ 4.400 đồng/kg và ổn định đến cuối tuần; giảm so với cùng kỳ năm trước từ 900-1.300 đồng/kg. Lúa OM9577 và OM9582 giá đầu tuần từ 5.600-5.800 đồng/kg, nhưng đến cuối tuần giảm 1.000 đồng/kg còn từ 4.600-4.800 đồng/kg, thấp hơn cùng kỳ năm trước 1.000 đồng/kg.
Lúa OM6976 giá ổn định từ 5.100-5.200 đồng/kg; OM5451 đầu tuần từ 5.000-5.400 đồng/kg, nhưng cuối tuần giảm từ 200-400 đồng/kg còn từ 4.800-5.200 đồng/kg.
Lúa Đài thơm 8 có giá ổn định từ 5.600-5.800 đồng/kg, thấp hơn cùng kỳ năm trước từ 300-500 đồng/kg. Nếp tươi Long An cũng có giá ổn định từ 4.400-4.750 đồng/kg, thấp hơn cùng kỳ năm trước từ 550-800 đồng/kg.
Theo ước tính của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, trong tuần qua, giá lúa thường tại ruộng giảm bình quân 133 đồng/kg và hiện chỉ còn khoảng 5.000 đồng/kg. Nhưng giá lúa thường tại kho tăng lại nhẹ 40 đồng/kg, do di chuyển thu mua giữa các địa phương khó khăn nên nhiều doanh nghiệp đã ngưng mua lúa.
Hiện, các công ty đang cố gắng bao tiêu hết lúa đã ký kết ở tỉnh Long An, còn các diện tích lúa đã bao tiêu ở những tỉnh khác chưa biết sẽ xử lý ra sao.
Để đẩy nhanh tiêu thụ lúa Hè Thu, các doanh nghiệp đã kiến nghị các địa phương đặc biệt xem xét ưu tiên phân “luồng xanh” cho hệ thống vận chuyển lúa gạo. Đồng thời, nhằm chặn đà giảm giá, doanh nghiệp cần đặt cọc ngay từ bây giờ cho nông dân.
Ngân hàng Nhà nước cũng hướng dẫn cho ngân hàng thương mại giúp doanh nghiệp thu mua lúa cho nông dân được vay ưu đãi lãi suất với việc thế chấp bằng lúa.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lúa Hè Thu 2021 đã thu hoạch được 702 nghìn ha, thấp hơn cùng kỳ năm trước gần 123,3 nghìn ha. Năng suất vụ đạt 57,86 tạ/ha, thấp hơn cùng kỳ năm trước 0,97 tạ/ha. Sản lượng lúa khoảng 4.059 nghìn tấn, thấp hơn cùng kỳ năm trước 793 nghìn tấn.
Hiện lúa đang giai đoạn chín còn 420.000 ha; giai đoạn đòng trổ 370.000 ha; đẻ nhánh 18.700 ha. Ước thu hoạch lúa Hè Thu trong tháng 8 được 680.000ha với sản lượng đạt hơn 3,8 triệu tấn, sản lượng lũy kế đạt 7,867 triệu tấn. Dự kiến đến ngày 15/9/2021 nông dân sẽ kết thúc thu hoạch.
[Thị trường nông sản tuần qua: Giá lúa tại ĐBSCL giảm nhẹ]
Do thu hoạch lúa Hè Thu bị chậm cộng với việc vận chuyển lúa giống gặp nhiều khó khăn nên, tại Đồng bằng sông Cửu Long, lúa Thu Đông gieo sạ đang chậm hơn so với cùng kỳ năm trước 15.500ha, với trên 365.000 ha, đạt 53,32% kế hoạch.
Cùng chung xu hướng giảm giá với thị trường trong nước, trên thị trường gạo châu Á, các nước khẩu gạo lớn cũng giao dịch với giá đi xuống. Giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ trong tuần này đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn bốn năm rưỡi do nhu cầu ảm đạm và tình trạng gián đoạn logistics.
Trong khi đó, đồng baht Thái suy yếu và thiếu khách mua khiến giá gạo Thái Lan giao dịch gần mức thấp của hai năm trong tuần thứ hai liên tiếp.
Giá gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ đã giảm xuống từ 354-358 USD/tấn so với mức từ 361-366 USD/tấn trong tuần trước. Nitin Gupta, phó chủ tịch phụ trách kinh doanh gạo của Olam Ấn Độ, cho biết nhu cầu đang chậm lại do giá gạo Thái Lan giảm giữa lúc rất thiếu container và tàu chuyên chở.
Giá gạo 5% tấm của Thái Lan được giao dịch ở mức từ 385-410 USD/tấn trong phiên ngày 5/8, so với mức từ 385-408 USD/tấn trong tuần trước đó, mức thấp nhất kể từ tháng 7/2019.
Các thương nhân cho hay, nguồn cung không thay đổi, trong khi chi phí vận chuyển cao hơn đã ảnh hưởng đến triển vọng xuất khẩu mặc dù giá thấp. Trong khi đó, một thương nhân có trụ sở tại Bangkok cho biết, giá cả hiện nay chủ yếu dao động theo tỷ giá hối đoái, nhưng chi phí vận chuyển cao đã làm giảm nhu cầu.
Còn giá gạo 5% tấm của Việt Nam không đổi, ở mức 390 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2020. Các thương nhân cho hay nguồn cung trong nước đang tăng lên giữa bối cảnh khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang thu hoạch vụ Hè Thu, nhưng hoạt động giao dịch chậm lại do các biện pháp hạn chế nhằm ngăn dịch bệnh lây lan trong khu vực.
Trong khi đó, các quan chức Bộ Lương thực Bangladesh cho biết nước này đã thắng thầu mua 50.000 tấn gạo từ một công ty Ấn Độ với giá 377,88 USD/tấn thông qua một cuộc đấu thầu quốc tế.
Thị trường nông sản Mỹ cho thấy, giá các mặt hàng nông sản tại sàn Chicago (Mỹ) đều tăng trong phiên 6/8, dẫn đầu là lúa mỳ.
Chốt phiên này, giá ngô giao tháng 12/2021 tăng 3,5 xu Mỹ (0,63%) lên 5,565 USD/bushel. Giá lúa mỳ giao tháng 9/2021 tăng 6,25 xu Mỹ (0,88%) lên 7,19 USD/bushel. Còn giá đậu tương giao tháng 11/2021 tăng 8,25 xu Mỹ (0,62%) lên 13,3675 USD/bushel (1 bushel lúa mỳ/đậu tương = 27,2 kg; 1 bushel ngô = 25,4 kg).
Giá mặt hàng đậu tương tăng sau khi Trung Quốc mua từ 8-10 chuyến đậu tương mới của Mỹ. Sau đó, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) thông báo Trung Quốc tiếp tục mua thêm hai chuyến đậu tương nữa, cho thấy Trung Quốc đang nối lại cam kết thu mua đậu tương của Mỹ trở lại.
Ngoài ra, giá đậu tương Mỹ hiện ở mức thấp nhất trên thế giới sau khi giá FOB của đậu tương Brazil giao tháng 9-10 tăng 1,6 USD. Ngô Mỹ dự kiến cũng trong tình trạng tương tự trong vài tuần nữa.
Việc Trung Quốc nối lại hoạt động mua ngô và đậu tương Mỹ sẽ là một yếu tố hỗ trợ cho giá sau báo cáo mùa vụ tháng Tám của USDA. Sản lượng cây trồng mùa vụ 2021-2022 giảm mạnh sẽ thúc đẩy nhu cầu xuất khẩu ngô và đậu tương Mỹ trong mùa Thu này.
Dự báo thời tiết cho thấy khu vực phía Nam sẽ có mưa, song lượng mưa không đáng kể, trong khi đó tại khu vực Trung Tây, mưa rải rác ở một số khu vực, còn một số khu vực khác sẽ hứng chịu nắng nóng quay trở lại vào giữa tuần tới, đặc biệt là khu vực đồng bằng và phía Tây của Trung Tây.
Về thị trường càphê thế giới, kết thúc phiên giao dịch gần nhất, giá càphê Robusta tại London giao tháng 9/2021 giảm 21 USD/tấn xuống 1.743 USD/tấn.
Trong khi đó, trên sàn New York, giá càphê Arabica giao tháng 9/2021 giảm 0,9 xu Mỹ/lb xuống 176 xu Mỹ/lb. (1 lb = 0,4535 kg).
Tại thị trường trong nước, giá càphê ngày 7/8 được giao dịch trong khoảng từ 35.900-36.600 đồng/kg.
Khép phiên cuối tuần này, thị trường càphê hòa chung xu hướng giảm của thị trường vàng và dầu thế giới, trong khi các sàn hàng hóa phái sinh khác đều tăng, nguyên nhân do chỉ số đồng USD tăng vọt. Thị trường chứng kiến dòng tiền chảy vào chứng khoán và tiền ảo. Chứng khoán Mỹ lên cao kỷ lục nhờ hy vọng phục hồi kinh tế của quốc gia này.
Thị trường Robusta London tiếp tục chứng kiến xu hướng bán ra, chốt lời của đầu cơ ngắn hạn cho dù vẫn còn lo ngại nguồn cung bị chậm lại vì cước phí vận tải biển quá đắt đỏ và đặc biệt là diễn biến phức tạp của dịch COVID-19.
Trong khi đó, thông tin về hy vọng có mưa tại các vùng trồng cà phê Brazil trong tuần sau đã ngăn chặn đà tăng của Arabica, khiến giá càphê của cả hai sàn cùng lao dốc phiên cuối cùng của tuần này.
Theo số liệu thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu càphê của Việt Nam trong tháng 7/2021 đạt 110.000 tấn, trị giá 207 triệu USD, giảm 14,1% về lượng và giảm 16,7% về trị giá so với tháng 6/2021, so với tháng 7/2020 ổn định về lượng, nhưng tăng 5,9% về trị giá./.