Tại Hội thảo “Tương lai nền kinh tế Internet Việt Nam” do Hiệp hội Internet Việt Nam tổ chức ngày 4/12, nhiều chuyên gia nhận định, thị trường nội dung và dịch vụ trên nền Internet của Việt Nam trong thời gian tới sẽ phát triển mạnh. Song, để đạt được điều này một cách nhanh và bền vững thì rất cần cái “bắt tay” của các doanh nghiệp.
Thời cơ
Hiện nay, Việt Nam có hơn 31 triệu người sử dụng Internet. Với cơ cấu dân số trẻ, sự bùng nổ của các thiết bị di động cầm tay thông minh, hạ tầng băng thông thuộc loại tốt trong khu vực, thị trường Internet thời gian qua đã có bước đột phá mạnh mẽ.
Đưa ra bức tranh tổng thể, bà Lê Thị Ngọc Mơ (Phó Cục trưởng Cục Viễn Thông, Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, đến tháng 10/2013, thị trường băng rộng cố định có trên 5 triệu thuê bao (trong đó 87,5% sử dụng ADSL), hơn 19 triệu thuê bao 3G. Báo cáo của các doanh nghiệp cho thấy, các tổng doanh thu của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ Internet (ISP) cố định khoảng 10.000 tỷ đồng và từ dịch vụ 3G khoảng 5.000 tỷ đồng.
Ở một góc nhìn khác, ông Lê Hồng Minh, Tổng Giám đốc Công ty VNG cho hay, nếu như doanh thu nội dung, dịch vụ Internet vào năm 2004 chỉ là 70 tỷ đồng, năm 2009 là 2.600 tỷ đồng thì tới 2013, con số này đã có bước đột phá lên tới 20.400 tỷ đồng. Trong đó, nội dung di động chiếm vị trí thứ nhất với 8.000 tỷ đồng, online game là 6.000 tỷ đồng, thương mại điện tử là 4.200 tỷ đồng và quảng cáo trực tuyến là 2.200 tỷ đồng.
Rõ ràng, sự tăng trưởng này là rất tích cực, song nhiều chuyên gia cho rằng tiềm năng và cơ hội của thị trường Internet Việt Nam còn lớn hơn thế rất nhiều.
Đại diện của “gã khổng lồ” trong lĩnh vực tìm kiếm Google đưa ra những thống kê cho thấy, người Việt Nam đang đứng thứ hai về thời gian sử dụng Internet so với các quốc gia trong khu vực (sau Thái Lan) với 26,2 giờ/tháng.
Bên cạnh đó, tỷ lệ điện thoại thông minh, thuê bao 3G liên tục tăng trưởng khoảng 20%, xu hướng sử dụng Internet để tìm kiếm thông tin về sản phẩm rất phổ biến (8/10 người tìm kiếm trên mạng thông tin về sản phẩm đắt tiền như xe hơi, đồ điện tử, di động)... là một trong số nhiều ví dụ tích cực cho “đòn bẩy” phát triển thị trường Internet.
Cần cái “bắt tay”
Ông Lê Hồng Minh đưa ra phỏng đoán, năm 2018 doanh thu về nội dung, dịch vụ Internet sẽ đạt con số “khủng” là 100.000 tỷ đồng. Trong đó, thương mại điện tử sẽ có bước nhảy vượt bậc với 60.000 tỷ đồng, nội dung di động 20.000 tỷ đồng, online game là 12.000 tỷ đồng và quảng cáo trực tuyến đạt 8.000 tỷ đồng.
Nhưng để đạt được con số kỳ vọng trên, bên cạnh nội tại các doanh nghiệp dịch vụ, nội dung Internet phải có những chiến lược, bước đi phù hợp để phát triển cho riêng mình thì rất cần đến cái “bắt tay” của các doanh nghiệp.
Thế nhưng mấy năm nay, việc hợp tác này tuy diễn ra song vẫn có những “trục trặc.” Các doanh nghiệp nội dung thường “kêu ca” về tỷ lệ ăn chia với các ISP khiến họ khó có tiền để tái đầu tư vào nghiên cứu. Và ngược lại, các doanh nghiệp viễn thông lại “phản pháo” bằng việc “chê” sản phẩm của doanh nghiệp nội dung và nói sẵn sàng đảo ngược tỷ lệ ăn chia nếu có nội dung tốt.
Gần đây, “cuộc chiến” giữa doanh nghiệp nội dung và nhà mạng lại bước thêm sang ngã rẽ khác khi các nhà mạng liên tục kêu ca về việc các dịch vụ nhắn tin, gọi điện miễn phí làm giảm doanh thu của họ. Câu chuyện này đã được Bộ Thông tin và Truyền thông đứng ra “dàn xếp” bằng việc chỉ đạo doanh nghiệp viễn thông chủ động nghiên cứu, thử nghiệm các mô hình hợp tác với các doanh nghiệp OTT.
Mới đây, trong công bố chiến lược của mình, Phó Tổng giám đốc Viettel Nguyễn Mạnh Hùng nhìn nhận, các “ông lớn” viễn thông bắt buộc phải học một bài học hợp tác làm ăn với hàng nghìn “ông nhỏ” như OTT để chia sẻ những giá trị, ăn chia doanh thu với họ bởi đó là lối thoát cho nhà mạng.
Ông Lê Hồng Minh cũng cho hay, thị trường Internet đã đủ lớn để các doanh nghiệp nội dung, dịch vụ và hạ tầng “bắt tay,” thu hút cộng đồng người dùng Internet để từ đó chia sẻ doanh thu. Vấn đề ở đây không phải là đầu tư sinh lời trong ngắn hạn mà phải có chiến lược dài hạn. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ của Nhà nước cũng rất quan trọng để thị trường nội dung, dịch vụ Internet thực sự bùng nổ, phục vụ tốt nhu cầu của người dùng./.