Chính phủ Nhật Bản ngày 14/5 đã vạch khoảng cách với những bình luận của một chính trị gia kỳ cựu nói “các phụ nữ giải khuây” cho quân đội Nhật Bản trong chiến tranh thế giới thứ hai là “cần thiết” để giữ quân đội không vi phạm kỷ luật. Thị trưởng Osaka Toru Hashimoto, người vốn hay phát biểu gây tranh cãi, đã nói rằng các binh sĩ sống trong mối đe dọa mạng sống mỗi ngày cần được giải tỏa từ những phụ nữ mua vui. Theo các sử liệu chính thống, khoảng 200.000 phụ nữ Triều Tiên, Trung Quốc, Philippines và các nước châu Á khác đã bị đưa vào các nhà thổ phục vụ quân đội Thiên Hoàng ở những vùng lãnh thổ do Nhật Bản chiếm đóng trong Chiến tranh Thế giới thứ hai. “Khi các binh sĩ mạo hiểm mạng sống dưới làn đạn, họ cần phải giải tỏa ở đâu đó, và rõ ràng là cần hệ thống các phụ nữ giải khuây,” Hashimoto nói. Hàn Quốc đã bày tỏ “thất vọng sâu sắc” với những bình luận này, có thể làm xấu đi quan hệ giữa Nhật Bản với các nước láng giềng là nạn nhân của chủ nghĩa bành trướng và cáo buộc Tokyo chưa bao giờ thực tâm trong việc đối mặt với quá khứ. “Thế giới thừa nhận rộng rãi rằng vấn đề các phụ nữ mua vui thực ra là cưỡng hiếp trong thời chiến do quân đội Nhật tiến hành ở thời kỳ đế quốc và là sự vi phạm nghiêm trọng quyền con người,” người phát ngôn Bộ ngoại giao Hàn Quốc nói với AFP. “Chính phủ chúng tôi hối thúc các quan chức cấp cao của Nhật bày tỏ sự hối tiếc vì những tội ác mà quân đội Nhật đã phạm phải trong thời kỳ đế quốc và sửa chữa những bình luận và lối suy nghĩ sai lầm và lỗi thời như thế.” Hashimoto, đồng lãnh đạo Đảng Duy Tân Nhật Bản, một đảng có khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa, thừa nhận một số phụ nữ đã phải phục vụ nhu cầu tình dục cho binh lính Nhật “trái với mong muốn của họ,” điều mà ông cho là “thảm kịch của chiến tranh.” Nhưng ông nói không có bằng chứng cho thấy hệ thống các nhà thổ là được nhà nước bảo hộ chính thức và việc sử dụng gái điếm không chỉ là của quân đội Nhật Bản. “Có rất nhiều ví dụ như thế… với thực tế lạnh lùng là một hệ thống như vậy là cần thiết”, ông nói. Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yoshihide Suga ngày 14/5 đã từ chối nhận xét những bình luận của ông Hashimoto. Tuy nhiên, ông nói: “Lập trường của chính phủ Nhật về vấn đề các phụ nữ mua vui là, như tôi đã lặp lại trước kia, chúng tôi chia sẻ nỗi đau với những ai đã trải qua đau khổ không thể nào tả siết và chính quyền này chia sẻ quan điểm với các chính quyền trong quá khứ.”
Các phụ nữ Hàn Quốc từng bị ép buộc làm nô lệ tình dục thời Thế chiến II biểu tình đòi Nhật phải xin lỗi (Nguồn: AFP)
Trong một động thái mang tính bước ngoặt năm 1993, chính phủ Nhật Bản đã nói “những lời xin lỗi chân thành nhất” với “đau đớn và chịu đựng không gì sánh được” với những phụ nữ này. Hai năm sau đó, Nhật Bản nhắc lại lời xin lỗi và nói “hối hận sâu sắc” vì những nỗi đau thời chiến mà quân đội Nhật gây ra. Tuyên bố năm 1993 gặp phải một số sự chống đối từ những người Nhật bảo thủ tin rằng nước Nhật không có trách nhiệm trực tiếp. Dù có lập trường cứng rắn, Thủ tướng Shinzo Abe tuần trước nói ông không có ý định rút lại những lời xin lỗi đó. Nhật Bản có một lịch sử khó khăn với các nước láng giềng châu Á và hiện vẫn còn tranh chấp lãnh thổ căng thẳng với Hàn Quốc và Bắc Kinh./.
Trần Trọng (Vietnam+)