Các đồng tiền mạnh trên toàn cầu hiếm khi lỗi nhịp. Tuy nhiên, đồng yen và nhân dân tệ đang giảm giá so với đồng USD, trong khi đồng euro và đồng bảng tăng giá.
Khi triển vọng chính sách kinh tế và tiền tệ của các nước khác nhau, biến động của đồng tiền ngày càng thiếu đồng bộ.
Điều này khiến thị trường ngoại hối toàn cầu trị giá 7.500 tỷ USD sau đại dịch đang đối mặt với xung đột tại Ukraine và khủng hoảng năng lượng trở nên mong manh hơn và khó đoán định hơn.
[WB: Quản lý ngoại hối linh hoạt để thích ứng với điều kiện bên ngoài]
Chỉ trong năm ngoái, đồng euro giảm xuống mức thấp 20 năm so với đồng USD, đồng bảng cũng thấp kỷ lục và đồng yen yếu nhất trong 32 năm, khi đồng USD tăng mạnh, trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng mạnh lãi suất để kiểm soát lạm phát, với tốc độ vượt các ngân hàng trung ương lớn khác.
Ngân hàng trung ương Nhật Bản đã bác khả năng sẽ điều chỉnh chính sách tiền tệ siêu lỏng vào đầu năm 2023, khiến đồng yen giảm 9% kể từ đầu năm nay, sau khi giảm 12% trong năm 2022. Điều này làm tăng khả năng can thiệp để ngăn chặn đà giảm.
Đồng nhân dân tệ cũng như các đồng tiền yếu hơn ở châu Á có thể cũng sẽ giảm thêm, khi giao dịch ở gần mức thấp kỷ lục 9 tháng.
Trong khi đó, đồng euro tăng 2,5% trong tháng này so với đồng USD và được cho là sẽ tiếp tục tăng, khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) tăng lãi suất và đồng bảng tăng hơn 5% kể từ đầu năm 2023, hướng tới đà tăng trong cả năm mạnh nhất kể từ năm 2017.
Nhà chiến lược về ngoại hối Jordan Rochester tại Nomura dự báo đồng euro sẽ tăng lên mức 1,12 USD/euro trong những tháng tới, khi tăng thêm 2% so với mức 1,095 USD/euro hiện nay và đồng nhân dân tệ sẽ giảm xuống 7,3 nhân dân tệ/USD, so với mức 7,2 nhân dân tệ/USD hiện nay.
Đồng nhân dân tệ giảm gần 5% kể từ đầu năm nay, do nền kinh tế yếu và chênh lệch lãi suất với Mỹ lớn./.