Thị trường ngày lễ Vu Lan: Thực phẩm chay 'được mùa' kinh doanh

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, trong dịp lễ Vu Lan từ đầu tháng 7 Âm lịch đến nay, ngành hàng thực phẩm chay bắt đầu vào mùa kinh doanh sôi động hơn so với tình hình trầm lắng chung của thị trường.
Thị trường ngày lễ Vu Lan: Thực phẩm chay 'được mùa' kinh doanh ảnh 1Quả na Chi Lăng. (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Hàng năm, vào những ngày sát dịp Rằm tháng 7 Âm lịch-lễ Vu Lan báo hiếu, thị trường hoa quả, cỗ chay, vàng mã... rất sôi động, nhưng năm nay do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên thị trường cũng có phần trầm lắng hơn so với mọi năm.

Mặc dù vậy, xu hướng lựa chọn cũng khách hàng cũng có nhiều biến chuyển thích nghi với tình hình mới, nhanh gọn tiện lợi thông qua kênh bán hàng online với các mặt hàng ăn chay phong phú đa dạng.

Xu hướng nhanh, tiện lợi

Cũng bởi dịch COVID-19, việc xuất khẩu trái cây gặp khó, chủ yếu tiêu thụ sản phẩm nội địa. Hoa quả trong nước vừa ngon lại vừa rẻ, được nhiều người tiêu dùng lựa chọn.

Hiện, miền Bắc đang vào vụ na Chi Lăng và Đồng Bành (tỉnh Lạng Sơn). Giá na năm nay khá thấp, na dai loại 1 từ 3-4 quả/kg khoảng 50.000 đồng/kg, loại 2 khoảng 30.000-40.000 đồng/kg; na bở có mức giá cao hơn gấp khoảng đôi, ba lần.

Đối với nhãn chín muộn Hà Nội, giá bán trên thị trường hiện đang phổ biến từ 25.000-30.000 đồng/kg. Nhãn chín muộn Hà Nội cũng đang vào vụ thu hoạch, với hương thơm đặc trưng, vị ngọt, cùi giòn nên được đông đảo người tiêu dùng lựa chọn.

Ngoài ra, lê xanh, thanh long ruột đỏ, xoài, măng cụt... được bày bán tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích với mức giá khá mềm.

Chị Nguyễn Thị Dung, tiểu thương bán hoa quả ở chợ Kim Liên cho biết, năm nay, do tác động của dịch COVID-19 nên giá hoa quả không cao hơn so với những ngày thường là mấy. Song dù giá cả không cao nhưng lượng hàng tiêu thụ rất chậm, người mua thắp hương cũng chưa nhiều.

Trong khi trái cây giá cả ở mức thấp, thì hoa tươi lại khá đắt đỏ. Nguyên nhân là do thời tiết những ngày gần đây ở Hà Nội mưa to gây ngập úng và hỏng nát hết hoa khiến cho nguồn cung từ vùng trồng hoa lớn tại Hà Nội như Tây Tựu, Mê Linh... giảm mạnh.

Trong khi đó, lượng hoa nhập từ Đà Lạt không nhiều. Hiện nay, giá hoa hồng phổ biến ở mức 7.000-10.000 đồng/bông, giá hoa cúc vàng ở mức 6.000 đồng/bông, 1 bó hoa cúc vàng Đà Lạt (bông nhỏ) 3 cành giá 25.000 đồng/bó, hoa huệ khép 60.000 đồng/chục bông.

[Các chùa tăng cường khóa lễ Vu lan bằng hình thức trực tuyến]

Nhìn chung, thị trường Hà Nội trong dịp lễ Vu Lan báo hiếu năm nay khá ảm đạm. Hàng năm, giờ này phố Hàng Mã (Hà Nội) nơi chuyên bán buôn, bán lẻ các mặt hàng vàng mã rất nhộn nhịp nhưng năm nay lại rất thưa thớt người mua.

Bà Phạm Thị Mai, chủ cơ sở vàng mã Hoàng Tuấn (huyện Thường Tín, Hà Nội) cho biết, người dân chủ yếu đốt các mặt hàng vàng mã nhỏ. Những mô hình vàng mã lớn rất ít khách đặt mua, lượng hàng giảm nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. Giá các mẫu mã vàng mã năm nay không có biến động nhiều so với mọi năm.

Nhiều cửa hàng kinh doanh vàng mã cho biết, dù đã lường trước được ảnh hưởng của dịch COVID-19 làm giảm sức mua, tuy nhiên việc tiêu thụ thật sự khó khăn.

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng, nhiều gia đình trẻ hiện nay thường lựa chọn việc mua đồ thắp hương vào sát ngày Rằm chứ không mua trước. Do đó, nhiều người bán vẫn đặt kỳ vọng sẽ đắt khách vào những ngày sắp tới.

Chị Bùi Hằng Trang, nhân viên ngân hàng Techcombank cho biết, quan niệm về ngày Vu Lan báo hiếu đã ít nhiều thay đổi, bản thân chị chỉ thành tâm mua hoa tươi quả tốt để cúng cho các cụ, không còn cúng, đốt nhiều vàng mã như trước nữa. Theo chị Trang, đốt nhiều vàng mã vừa gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn cháy nổ vừa tốn kém tiền của.

Bên cạnh việc mua sắm hoa quả, vàng mã để cúng tổ tiên, ông bà, cha mẹ trong dịp lễ Vu Lan, nhiều gia đình còn đặt cỗ chay để cúng giỗ. Hiện nay, dịch vụ bán đồ chay ngày càng trở nên phổ biến.

Nếu như trước đây, món ăn chay chỉ đơn giản là các món rau củ luộc, các món giả mặn đơn giản như giò chả lụa, nem... thì nay, mâm cỗ chay rất phong phú, đa dạng với nhiều mẫu mã và giá thành khác nhau, khoảng từ 650.000-1.100.000 đồng/mâm.

Một số nhà hàng nhận đặt cỗ và phục vụ tận nơi, nhằm đáp ứng nhu cầu ăn cỗ chay tại nhà dành cho khách hàng bận rộn hoặc cỗ chay cho nhà chùa.

Những ngày này, các quán ăn chay cũng trở nên đông đúc hơn ngày thường. Theo chủ các quán chay, khách chỉ tới ăn chay nhiều vào ngày mồng 1 và ngày Rằm, nhưng trong tháng Vu Lan, lượng khách đều đặn từ đầu tháng trở lại đây, tính ra tăng tới 3-4 lần so với những tháng khác.

Các suất chay có giá cả khá ổn định, trung bình từ 35.000-70.000 đồng/suất. Ngoài ra, nhiều nhà hàng còn có tiệc buffet chay, trung bình từ 100.000-200.000/người.

Theo các chuyên gia nghiên cứu về tôn giáo cho rằng, việc đốt vàng mã mang màu sắc mê tín dị đoan, đó là tín ngưỡng dân gian do ảnh hưởng của Văn hóa Trung Hoa từ xa xưa, hoàn toàn không phải là tín ngưỡng của Đạo Phật.

Hiện nay, một số chùa vẫn duy trì tục đốt vàng mã, tục lệ này do các Phật tử tự đem vào chùa chứ các Tăng Ni không chủ trương việc này.

Để cúng Rằm tháng 7 không nhất thiết phải chọn ngày, mà cứ trước 15/7 âm lịch có thể bắt đầu lễ cúng và thành tâm. Thông thường, dân gian sẽ cúng trong khoảng thời gian từ ngày 2-14/7 âm lịch.

Đáng chú ý, năm nay do dịch COVID-19, mọi người cũng hạn chế đến các nơi công cộng, cửa hàng. Vì vậy, hiện tại, cùng với kênh mua sắm trực tiếp thì các kênh bán hàng online cũng khá đắt khách.

Thực phẩm chay chế biến sẵn lên ngôi

Ghi nhận tại thị trường Thành phố Hồ Chí Minh, trong dịp lễ Vu Lan từ đầu tháng 7 Âm lịch đến nay, ngành hàng thực phẩm chay bắt đầu vào mùa kinh doanh sôi động hơn so với tình hình trầm lắng chung của thị trường.

Tại một số điểm bán, kênh bán hàng online... doanh số ngành thực phẩm chay chế biến sẵn đã tăng từ 5-10% so với thời điểm bình thường.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, chị Minh Anh, chủ cửa hàng kinh doanh thực phẩm chay trên đường Bùi Đình Túy, Quận Bình Thạnh cho biết, khi nói đến ngành thực phẩm chay, mọi người thường chỉ nghĩ đến những sản phẩm đồ hộp, thực phẩm công nghệ, hàng đông lạnh, nhưng ngành này còn bao gồm thực phẩm chế biến sẵn, ẩm thực tại hệ thống nhà hàng, khách sạn, quán ăn.

Trong bối cảnh dịch bệnh, quán ghi nhận doanh số bán hàng mang đi tăng vượt trội so với thực khách thưởng thức tại chỗ.

Để chuẩn bị tốt cho việc cải thiện doanh số nhân dịp này, chị Minh Anh cho biết, ngay từ những ngày đầu tháng thì quán đã tăng cường thực đơn chay và phục vụ hình thức buffet tự chọn. Theo đó, thực khách thưởng thức tại chỗ hay mua mang đi đều có thể tự chọn những món ưa thích với giá dao động từ 35.000 - 50.000 đồng/phần.

Tương tự, bà Bé Hai, chủ nhà hàng chay trên đường 3/2, Quận 10 cho hay, vì quán đã có thời gian kinh doanh hơn chục năm, nên có lượng khách thân thiết rất ổn định. Do đó, khi vừa bước vào tháng 7 Âm lịch là thực khách bắt đầu tăng lên từng ngày so với thời gian trước đó.

"Đáp ứng xu hướng tiêu dùng hiện đại, hiện quán cũng mở thêm kênh bán hàng online, giao hàng tận nơi; hoặc thực khách cũng có để đặt món bằng ứng dụng gọi xe công nghệ. Bên cạnh đó, trong xu hướng ẩm đạm của thị trường, giá món ăn của quán cũng không tăng và đảm bảo giữ nguyên chất lượng sản phẩm bán ra", bà Bé Hai cho biết.

Không chỉ nhà hàng, khách sạn, quán ăn tận dụng cơ hội kích cầu tiêu dùng trong dịp tháng 7 Âm lịch, mà nhiều trung tâm thương mại, hệ thống siêu thị cũng tăng cường sản phẩm cho ngành này thực phẩm chay.

Điển hình, tại quầy thực phẩm nấu chính của hệ thống siêu thị Co.opmart, CoopXtra, Big C, LOTTE Mart... người tiêu dùng dễ dàng lựa chọn những phần cơm chay với rau củ, quả, đậu hũ chiên xả, canh đậu hũ hẹ...

Đặc biệt, các nhà bán lẻ này cũng tăng cường những món ngon dân dã để phục vụ đối tượng khách hàng tìm kiếm thực phẩm chay như khoai mì, khoai lang, bắp luộc, xôi nếp cẩm, miến xào, chè các loại... Những sản phẩm này có giá dao động từ 8.000-35.000 đồng/phần và rất tiện lợi khi mua mang đi.

Cùng với đó, nhà bán lẻ phối hợp với doanh nghiệp, nhà cung cấp triển khai chương trình khuyến mãi, giảm giá cho ngành thực phẩm đóng hộp, thực phẩm đông lạnh chay; trong đó, có thể kể đến những mặt hàng như lợn hầm chay, bò nấu đậu chay, giò lụa bì, há cảo, chảy giò, chà bông, cơm cháy gạo lứt, xôi chiên...

Ở góc độ người tiêu dùng, anh Hoàng Huy, nhân viên văn phòng ở Quận 1 chia sẻ, vào dịp tháng 7 Âm lịch thường ăn chay nguyên tháng, nên việc nhiều đơn vị kinh doanh thực phẩm chay chế biến sẵn rất tiện lợi cho người tiêu dùng.

Nếu những năm trước, nhóm nhân viên văn phòng thường có rất ít sự lựa chọn như bánh bao, bánh mì, cơm... thì hiện nay có thể mua đa dạng món chay ngon ở nhiều hàng quán khác nhau, hoặc đặt phần ăn qua ứng dụng gọi xe công nghệ rất tiện lợi.

Cùng quan điểm, chị Xuân Hương, nhân viên văn phòng ở Quận 3 cho rằng, hiện nay đã qua thời phải nấu bữa ăn chay tại nhà, mà vẫn có thể thưởng thức những món ăn như nhà làm với đầy đủ dinh dưỡng.

Thậm chí, người tiêu dùng chỉ cần mở ứng dụng gọi xe công nghệ như GrabFood, Now, Gojek... thì đều có thể "săn" ưu đãi dành cho món ngon mỗi ngày. Cùng với đó là sự phong phú thực đơn, kể cả những thương hiệu quán ăn, nhà hàng nổi tiếng.

Trong xu hướng thị trường thực phẩm online phát triển, mang lại ngày càng nhiều tiện ích cho người tiêu dùng, một số chuyên gia cho rằng, muốn đứng vững trên thị trường, nhất là thời điểm sức mua thấp thì đơn vị kinh doanh không nên dừng lại ở cạnh tranh về giá, mà phải đảm bảo chất lượng tương xứng.

Ngành thực phẩm chế biến sẵn là một trong những ngành đang vẫn duy trì được sức mua tương đối so với nhiều ngành bị "đóng băng", tuy nhiên thị trường này có sự cạnh tranh khốc liệt về doanh số và chạy đua đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Phổ biến vào các dịp Lễ, Tết... sức mua trên thị trường sẽ tăng hơn so với thời điểm bình thường, tùy theo ngành hàng. Chính vì vậy, đây là cơ hội để đơn vị kinh doanh cải thiện doanh số và kích cầu tiêu dùng.

Riêng đối với dịp tháng 7 Âm lịch năm nay, dự báo sức mua ngành hàng thực phẩm chay có thể tăng lên đáng kể so với ngày thường, nhất là những thực phẩm chế biến sẵn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục