Thị trường ngày 4/7: Giá vàng châu Á giảm nhẹ sau số liệu kinh tế mới của Mỹ

Vào lúc 13 giờ 37 phút (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay giảm 0,1% xuống 2.353,14 USD/ounce sau khi đạt mức cao nhất kể từ ngày 21/6 trong phiên trước đó.

Vàng được bày bán tại cửa hàng trang sức ở Yangon, Myanmar. (Ảnh: THX/TTXVN)
Vàng được bày bán tại cửa hàng trang sức ở Yangon, Myanmar. (Ảnh: THX/TTXVN)

Giá vàng giảm nhẹ trong phiên giao dịch chiều 4/7 nhưng vẫn ở gần mức cao nhất trong hai tuần ghi nhận trong phiên trước đó sau khi số liệu kinh tế Mỹ yếu hơn dự kiến.

Động thái này làm dấy lên hy vọng rằng Fed có thể cắt giảm lãi suất sớm nhất là vào tháng 9/2024.

Trong khi đó, thị trường chứng khoán châu Á phần lớn tăng điểm.

Giá vàng giảm nhẹ

Vào lúc 13 giờ 37 phút (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay giảm 0,1% xuống 2.353,14 USD/ounce sau khi đạt mức cao nhất kể từ ngày 21/6 trong phiên trước đó. Giá vàng của Mỹ giao kỳ hạn cũng giảm 0,3% xuống 2.363,10 USD/ounce.

Giá vàng sụt giảm trên toàn cầu sau khi số liệu kinh tế Mỹ công bố hôm thứ Tư (3/7) cho thấy nền kinh tế đang tăng trưởng chậm lại. Các nhà đầu tư hiện đang chờ đợi Mỹ công bố bảng lương phi nông nghiệp vào thứ Sáu (5/7).

Tại Việt Nam, vào cuối phiên 4/7, công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC tại thị trường Hà Nội ở mức 74,98-76,98 triệu đồng/lượng (mua vào-bán ra).

Giá dầu đi xuống trước dự đoán nhu cầu sẽ giảm

Giá dầu giảm trong phiên giao dịch chiều 4/7, khi các nhà đầu tư trở nên thận trọng với dự kiến nhu cầu sẽ sụt giảm.

Số liệu việc làm và kinh doanh của Mỹ thấp hơn dự báo, báo hiệu nền kinh tế của nước tiêu thụ dầu mỏ hàng đầu thế giới này có thể đang hạ nhiệt.

ttxvn_gia_dau.jpg
(Tư liệu) Một giàn khoan dầu tại thị trấn al-Qahtaniyah, tỉnh Hasakah, Syria. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giá dầu Brent giao kỳ hạn giảm 60 xu Mỹ (0,69%) xuống 86,74 USD/thùng, trong khi giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao kỳ hạn cũng giảm 63 xu Mỹ (0,75%) xuống 83,25 USD/thùng vào lúc 13 giờ 51 phút (giờ Việt Nam).

Hoạt động giao dịch trầm lắng do kỳ nghỉ quốc khánh Mỹ.

Các nhà phân tích của ngân hàng Citi cho biết: “Tình hình địa chính trị và thời tiết vẫn là yếu tố rủi ro khiến giá dầu tăng, nhưng thế mạnh cơ bản của thị trường có khả năng sẽ yếu đi.”

Các nhà phân tích cho biết giá dầu giảm một phần là do các hoạt động chốt lời sau khi tăng gần đây.

Nhà phân tích thị trường cấp cao Kelvin Wong của công ty tài chính OANDA cho rằng giá dầu giảm sau khi hoạt động chốt lời diễn ra khi dầu WTI trên 81,90 USD/thùng.

Tuy nhiên, các nhà phân tích có quan điểm rằng số liệu kinh tế của Mỹ yếu có thể khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất, một động thái sẽ hỗ trợ thị trường dầu mỏ vì lãi suất thấp có thể thúc đẩy nhu cầu.

Thị trường chứng khoán châu Á phần lớn tăng điểm

Thị trường chứng khoán châu Á phần lớn tăng điểm khi các nhà đầu tư kỳ vọng Fed có thể cắt giảm lãi suất trong thời gian tới.

Chốt phiên 4/7, chỉ số Nikkei 225 của thị trường Tokyo (Nhật Bản) tăng 0,8% lên 40.913,65 điểm. Chỉ số Hang Seng của Hong Kong (Trung Quốc) tăng 0,3% lên 18.028,32 điểm và chỉ số Shanghai Composite của thị trường Thượng Hải (Trung Quốc) giảm 0,8% xuống 2.957,57 điểm. Thị trường Sydney, Singapore, Seoul, Manila, Mumbai, Bangkok và Jakarta cũng tăng điểm.

Tâm trạng của các nhà đầu tư trên sàn giao dịch đã thoải mái hơn trong tuần này nhờ số liệu cho thấy thị trường lao động Mỹ đang thắt chặt và lạm phát giảm.

Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết nỗ lực chống lạm phát đã đạt được tiến bộ đáng kể.Tại thị trường trong nước, kết thúc phiên giao dịch 4/7 chỉ số VN-Index tăng 3,04 điểm (0,24%) lên 1.279,89 điểm. HNX-Index đóng cửa tăng 0,45 điểm (0,19%) lên 241,88 điểm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục