Thị trường năng lượng: Một tuần dầu thô lên giá ấn tượng

Tuần qua, thị trường dầu thô lên “cơn sốt” do bị tác động bởi một loạt yếu tố như bạo động leo thang tại Iraq, đồng USD suy yếu...
Thị trường năng lượng: Một tuần dầu thô lên giá ấn tượng ảnh 1Triển lãm Quốc tế về Dầu mỏ, Khí đốt, Lọc dầu và Hóa dầu lần thứ 18 tại Iran. (Nguồn: AFP/TTXVN.)

Tuần qua, thị trường dầu thô lên “cơn sốt” do bị tác động bởi một loạt yếu tố như bạo động leo thang tại Iraq, đồng USD suy yếu và triển vọng tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc dường như sáng hơn.

Dorian Lucas, chuyên gia phân tích tại công ty tư vấn năng lượng Inenco, nhận định giá dầu có bước tăng ấn tượng trong tuần này khi Baiji, cơ sở lọc dầu lớn nhất Iraq, bị bao vây.

Trong phiên 19/6, giá dầu Brent vọt lên 115,71 USD/thùng, mức cao nhất kể từ tháng 9/2013, do nhà đầu tư sợ rằng nguồn cung từ Iraq - nhà sản xuất dầu lớn thứ hai trong Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) - có thể bị gián đoạn. Iraq hiện giữ trong tay hơn 11% trữ lượng dầu đã được kiểm chứng của thế giới và mỗi ngày sản xuất được 3,4 triệu thùng.

Cũng theo chuyên gia Dorian Lucas, giá dầu sẽ chỉ tiếp tục tăng mạnh trong trường hợp nguồn cung trên thực tế bị phá vỡ.

Hiện các mỏ dầu ở miền Nam Iraq vẫn “bình an vô sự” (vì đang ở cách xa vùng chiến sự) và hàng ngày vẫn sản xuất được 3,3 triệu thùng dầu.

Hơn thế, dầu thô xuất khẩu của Iraq chủ yếu là từ khu vực này. Vì vậy, tính đến thời điểm hiện nay, việc gián đoạn nguồn cung trên thực tế không chắc sẽ xảy ra.

Chốt phiên giao dịch cuối tuần trước, giá dầu thô ngọt, nhẹ New York giao tháng Bảy tăng 83 xu Mỹ (0,8%) lên 107,26 USD/thùng, ghi dấu mức đóng cửa cao nhất kể từ phiên 18/9/2013.

Trong khi đó, giá dầu thô Brent giao tháng Tám tại London giảm 25 xu Mỹ xuống 114,81 USD/thùng.

Theo các chuyên gia phân tích của Commerzbank, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã khiến các thị trường “ngạc nhiên” khi quả quyết “Chính phủ Trung Quốc sẽ không chấp nhận nhịp độ tăng trưởng kinh tế hàng năm dưới 7,5%.”

Đây là “tin lành” đối với thị trường năng lượng, vì Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - sẽ cần nguồn cung năng lượng khổng lồ để thúc đẩy tăng trưởng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục