Thị trường lương thực đi qua một năm khá “nóng”

2012 là năm thế giới lại cảm nhận được sức nóng của thị trường lương thực khi vụ mùa ở các khu vực sản xuất ngũ cốc sụt giảm vì thời tiết không thuận lợi khiến giá cả leo cao lên các mức kỷ lục.

Trước cơn sốt này, giới phân tích và ngay cả Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) đã lên tiếng cảnh báo về khả năng tái diễn khủng hoảng như những năm 2007-2008.
2012 là năm thế giới lại cảm nhận được sức nóng của thị trường lương thực khi vụ mùa ở các khu vực sản xuất ngũ cốc sụt giảm vì thời tiết không thuận lợi khiến giá cả leo cao lên các mức kỷ lục.

Trước cơn sốt này, giới phân tích và ngay cả Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) đã lên tiếng cảnh báo về khả năng tái diễn khủng hoảng như những năm 2007-2008.

Tuy nhiên, sức nóng trên thị trường đã dịu bớt vào cuối năm nhờ những dấu hiệu tích cực về nguồn cung, đặc biệt là nguồn cung lúa gạo và lúa mỳ cũng như việc một số nước vốn phụ thuộc vào nhập khẩu lương thực cũng đảm bảo được nhu cầu nhờ nguồn dự trữ và sản xuất trong nước.

Thị trường ngũ cốc lên cơn sốt

Giá lương thực thế giới rậm rịch tăng ngay từ đầu năm 2012 khi tăng liên tiếp trong ba tháng đầu năm, trong đó có tháng chỉ số giá lương thực còn cao hơn chỉ số trong cuộc khủng hoảng giá lương thực năm 2007-2008.

Hồi tháng 2/2012, nhà kinh tế trưởng của FAO, Abdolreza Abbassian cho rằng tình trạng giá lương thực tiếp tục tăng trong những tháng sau đó sẽ không xảy ra, khi hoạt động trồng trọt tại các quốc gia sản xuất lương thực chủ chốt trên thế giới vẫn ổn định.

Trong báo cáo Triển vọng mùa màng và Tình hình lương thực, FAO cho biết mặc dù sản lượng lúa mỳ trên toàn cầu trong năm 2012 dự kiến chỉ đạt 690 triệu tấn, giảm 1,4% so với mức kỷ lục của năm 2011, song vẫn cao hơn mức trung bình của 5 năm qua và nâng dự đoán về sản lượng ngũ cốc toàn cầu trong niên vụ 2011-2012 từ 2,327 tỷ tấn lên 2,344 tỷ tấn và dự trữ ngũ cốc vào cuối niên vụ 2012 từ 516 triệu tấn lên 518 triệu tấn.

Hồi tháng 4/2012, Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định nếu những dự báo về sản lượng lương thực tăng không trở thành hiện thực, thế giới phải rất cảnh giác trước nguy cơ giá lương thực tăng vọt một cách khó kiểm soát và lương thực vẫn phải là ưu tiên cao nhất của cộng đồng thế giới, đặc biệt là các nước đang phát triển.

Dù vậy, WB dự báo triển vọng sản xuất lương thực toàn cầu niên vụ 2012-2013 vẫn lạc quan, trong lúc nhiều nhân tố gây sức ép tăng giá lương thực đang có xu hướng giảm.

Giá lương thực cao kỷ lục cuối năm 2010 và đầu năm 2011 đã khuyến khích việc tăng cường sản xuất lương thực trên thế giới và là yếu tố then chốt cho dự báo lạc quan về sản lượng lương thực toàn cầu niên vụ 2012-2013.

 Trong khi đó, Mỹ đã giảm lượng ngô sử dụng trong sản xuất nhiên liệu sinh học và nhu cầu lương thực toàn cầu giảm do khủng hoảng ở khu vực đồng euro cũng góp phần giảm sức ép tăng giá lương thực.

Nguy cơ một cuộc khủng hoảng lương thực chỉ thực sự nổi lên vào tháng 7/2012, khi thị trường ngô, đậu tương và lúa mỳ của Mỹ lên cơn sốt, trong bối cảnh thời tiết khô hạn tại vành đai nông nghiệp của Mỹ.

Tại Sở giao dịch hàng hóa Chicago (Mỹ) phiên 19/7, giá ngô giao tháng 8/2012 đã có lúc vọt lên mức cao kỷ lục 8,1675 USD/bushel, giá đậu tương lập kỷ lục 17,49 USD/bushel, lúa mỳ giao dịch với giá 9,38 USD/bushel - mức cao nhất trong gần 4 năm.

Đợt hạn hán nghiêm trọng nhất ở Mỹ trong gần nửa thế kỷ qua và vụ mùa thất bát tại "vựa lúa mỳ" Biển Đen đã đẩy giá lương thực thế giới lên cao trong tháng 6 và tháng 7, với giá ngô và đậu tương tăng tương ứng 50% và 20%, lúa mỳ cũng tăng giá khoảng 50%. Chỉ số giá ngũ cốc trong tháng đã tăng tới 17% so với tháng trước đó, trong đó giá ngô tăng gần 33% và giá lúa mỳ tăng 19%.

Thấp thỏm nỗi lo khủng hoảng

Khi thị trường “nóng” vào tháng 7, FAO khẳng định cho dù giá các mặt hàng ngũ cốc đang tăng mạnh trên thị trường toàn cầu, thế giới chưa phải đối mặt với nguy cơ tái diễn khủng hoảng lương thực.

Đó là vì, khác với 4 năm trước, nguồn cung lúa gạo và lúa mỳ đa dạng đã góp phần cải thiện tình hình lương thực thế giới, cho dù giá ngô đã tăng 55% chỉ trong 5 tuần do tác động của đợt hạn hán nặng nề ở miền Trung Tây nước Mỹ.

FAO chưa phát hiện bất cứ khó khăn nào trong sản xuất hoặc cung cấp lúa gạo - nguồn lương thực thiết yếu đối với an ninh lương thực của hàng tỷ người trên toàn cầu, trong khi nhu cầu ngô để phục vụ sản xuất nhiên liệu sinh học cũng đã giảm mạnh.

Cũng như FAO, WB không nhìn thấy nguy cơ lặp lại cuộc khủng hoảng như năm 2008, song nhận định những yếu tố tiêu cực như việc các nước xuất khẩu thực thi các chính sách thiếu bình tĩnh, El Nino nghiêm trọng, vụ mùa thất bát ở bắc Bán cầu hay giá năng lượng tăng mạnh có thể gây ra một đợt tăng giá ngũ cốc như đã xảy ra 4 năm trước.

Tuy nhiên, giới phân tích có lý khi đưa ra những cảnh báo về nguy cơ khủng hoảng lương thực khi so sánh tình huống vào tháng 7/2012 với cuộc khủng hoảng 2007-2008, trong đó có tính đến yếu tố thời tiết và giá leo thang phi mã do nạn hạn hán 2012 tại Mỹ và mùa lương thực thất bát tại Nga năm 2010.

 Vào thời điểm giá lương thực cao ngất ngưởng trong năm 2008, khủng hoảng tài chính bùng phát với sự sụp đổ của ngân hàng Lehman Brothers, còn tình thế của năm 2012 là cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu khiến các khu vực khác trên thế giới bị ảnh hưởng xấu.

Sự bất ổn bao trùm khắp các thị trường trong năm nay cũng như hồi năm 2008 và điểm chung là sự mất cân đối cung-cầu đã đẩy giá lương thực tăng vọt, trong đó thời tiết là một trong những yếu tố hàng đầu gây nên tình trạng này.

Đến đầu tháng 8/2012, ngay cả FAO cũng đã phải cảnh báo thế giới có thể đối mặt với một cuộc khủng hoảng lương thực mới tương tự như cuộc khủng hoảng năm 2007-2008, nếu nhiều nước triển khai các biện pháp cấm xuất khẩu ngũ cốc trong bối cảnh giá lương thực tăng vọt trên toàn cầu.

Thị trường ngũ cốc đã "phớt lờ" những tuyên bố của các quan chức Nga rằng nước này chưa có cơ sở nào để cấm xuất khẩu ngũ cốc trong năm nay, dù không bác bỏ khả năng áp thuế xuất khẩu sau thời điểm cuối năm 2012.

Giá ngũ cốc đã tăng vọt trước những đồn đoán rằng các nước sản xuất ngũ cốc ở Biển Đen, nhất là Nga, có thể hạn chế xuất khẩu do hạn hán tác động đến mùa vụ.

Sản lượng lúa mỳ dao động do hạn hán gây ảnh hưởng tới các nước sản xuất lớn như Nga, Ukraine, Kazakhstan, trong khi thời tiết khắc nghiệt cũng đang diễn ra tại hai nước sản xuất lúa mỳ chủ chốt khác là Australia và Ấn Độ.

Đã có thể thở phào

Theo Tổng Giám đốc FAO Jose Graziano da Silva, mặc dù các thị trường gặp khó khăn, nhưng một biện pháp đã giúp ngăn chặn đà tăng giá lương thực toàn cầu như giai đoạn 2007-2010.

Chẳng hạn, các chính sách mà Hệ thống Thông tin Thị trường Nông nghiệp (AMIS) của Nhóm 20 nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới (G20) áp dụng đã làm dịu bớt tâm trạng hoang mang lo lắng trên các thị trường, thông qua việc đẩy mạnh tính minh bạch trên thị trường lương thực thực phẩm và khuyến khích các nước hợp tác hành động chính sách nhằm đối phó với tính không bền vững trên thị trường.

Bên cạnh đó, các nước nhập khẩu lương thực hàng đầu là Ai Cập, Iran, Trung Quốc và Ấn Độ thông báo lượng dự trữ trong nước đầy đủ và có khả năng đứng ngoài vòng xoáy giá lương thực tăng hồi tháng 7/2012.

Ai Cập - nước nhập khẩu lúa mỳ hàng đầu với hơn 10 triệu tấn mỗi năm - cho biết kho dự trữ chiến lược của họ đủ đáp ứng nhu cầu trong thời gian hơn 6 tháng, cho đến tháng 1/2013. Tại châu Á, hai nước tiêu thụ nhiều lương thực có hạt như Trung Quốc và Ấn Độ cũng có đầy đủ lúa mỳ và gạo dự trữ trong kho, nhờ vụ lương thực bội thu trong vài ba năm qua.

Về phía nhà cung cấp, Nga cũng cho biết sẽ có đủ ngũ cốc cho xuất khẩu, ước tính khoảng 10-12 triệu tấn, khi sản lượng ngũ cốc trong nước năm nay có giảm so với năm ngoái do thời tiết không thuận, nhưng không phải là thấp (75-80 triệu tấn).

Đồng thời, là một trong bốn loại lương thực cơ bản, nhưng trong khi đợt hạn hán tồi tệ nhất trong nửa thế kỷ ở Mỹ và vụ mùa thất bát tại "vựa lúa mỳ" Biển Đen đã khiến ngô, lúa mỳ và đậu tương tăng giá thì giá gạo, loại lương thực chính ở châu Á và các khu vực ở châu Phi, vẫn chưa bị tác động.

Với các động lực thị trường hoàn toàn khác nhau, giá gạo sẽ không biến động như ngô, lúa mỳ và đậu tương, mà với lượng thóc gạo trong kho lớn trong lúc nhu cầu giảm, giá gạo sẽ biến động theo chiều đi xuống. Điều này đã hứa hẹn làm dịu sự lo lắng của các nhà nhập khẩu khi giá ngô và lúa mỳ đã tăng mạnh.

Dự báo, cung cầu lương thực vẫn cân đối trong năm 2012-2013 nhờ nguồn gạo dự trữ khá dồi dào và dự trữ lúa mỳ đủ dư cho xuất khẩu.

Tuy nhiên, về lâu dài, FAO cảnh báo nếu không tăng các nguồn cung, chắc chắn giá lương thực toàn cầu sẽ tăng cao trong những năm tới, khi nhu cầu lương thực cao hơn sẽ được đáp ứng bằng các nguồn cung với chi phí cao hơn trên thị trường.

Do diện tích đất nông nghiệp trên thế giới tăng không đáng kể trong thập kỷ tới, các nước cần tăng năng suất lao động để tạo ra nhiều lương thực hơn nữa./.

Lê Minh (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục