Theo thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trong tháng Chín, giá lúa gạo tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục xu hướng giảm do lượng hàng tồn kho lớn, đầu ra eo hẹp và lúa Thu Đông sớm ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã bắt đầu vào vụ.
Đặc biệt, khác với những lần trước, việc trúng thầu cung cấp 150.000 tấn gạo 25% tấm cho Philippines lần này không có chút tác động nào đến thị trường lúa gạo trong nước. Giá lúa gạo tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long vẫn tiếp tục “rớt giá” mạnh.
Lý giải nguyên nhân của sự sụt giảm giá gạo trong tháng này, đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng, mặc dù trúng thầu cung cấp 150.000 tấn gạo nhưng lượng gạo trúng thầu quá nhỏ so với nguồn cung dự trữ hiện tại. Trong bối cảnh lượng hàng tồn kho lớn, đầu ra eo hẹp và lúa Thu Đông sớm ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã bắt đầu vào vụ ở một số nơi nên giá giảm do hiện cung cao hơn cầu.
Theo hệ thống cung cấp giá tại địa phương, diễn biến giá lúa tại một số tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long trong tháng 9/2016 vẫn tiếp tục giảm.
Cụ thể: tại An Giang, lúa tươi IRgiảm từ 4.500 đồng/kg xuống còn 4.400 đồng/kg; lúa chất lượng cao OM giảm từ 4.750 đồng/kg xuống còn 4.700 đồng/kg. Tại Bạc Liêu, lúa Thu Đông sớm có giảm xuống còn 4.200–4.300 đồng/kg, giảm 100-700 đồng/kg so với trước; giá thu mua lúa mới của Công ty Lương thực giảm khoảng 200 đồng/kg. Tại Kiên Giang, lúa tẻ thường giảm từ 5.400 đồng/kg xuống 5.200 đồng/kg; lúa dài giảm từ 5.800 đồng/kg xuống 5.700 đồng/kg…
Tính chung trong 9 tháng năm nay, giá lúa tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cũng diễn biến theo xu hướng giảm mạnh, với mức giảm từ 400-800 đồng/kg.
Cùng xu hướng giá gạo trong nước thấp, thị trường xuất khẩu gạo trong tháng cũng giảm mạnh cả về sản lượng và giá trị.
Cụ thể, xuất khẩu gạo giảm đến 16,4% về khối lượng và giảm 12,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Với khối lượng gạo xuất khẩu tháng Chín ước đạt 396.000 tấn với giá trị đạt 176 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu gạo 9 tháng qua ước đạt 3,76 triệu tấn và 1,69 tỷ USD.
Trung Quốc đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam trong 8 tháng của năm 2016 với 35,5% thị phần. Tuy nhiên tám tháng đầu năm 2016 xuất khẩu gạo sang thị trường này giảm 21,4% về khối lượng và giảm 12,3% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015 với khối lượng khoảng 1,18 triệu tấn và đạt giá trị khoảng 538 triệu USD.
Bên cạnh đó, so với cùng kỳ năm ngoái các thị trường xuất khẩu gạo có giá trị giảm mạnh là Philippin (giảm 67,4%), Malaysia (giảm 43,3%), Singapore (giảm 35,7%), Bờ Biển Ngà (giảm 25,3%) và Đài Loan (giảm 14,1%)./.