Thị trường lao động việc làm tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn

Sự sụt giảm sức mua ở các thị trường xuất khẩu, xung đột Nga-Ukraine, lạm phát, tổng cầu thế giới giảm là những nguyên nhân khiến thị trường việc làm trong 6 tháng năm 2023 chưa phát triển bền vững.
Các đơn hàng giảm đã tác động đến lao động trong khu vực công nghiệp đặc biệt là ngành dệt may, ngành chế biến gỗ. (Nguồn: TTXVN)

Mặc dù ghi nhận một số tín hiệu tích cực, nhưng thị trường lao động vẫn đang đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức trong bối cảnh chịu tác động kéo dài của các cú sốc tiêu cực chồng chéo do đại dịch COVID-19, xung đột giữa Nga và Ukraine và tổng cầu thế giới suy giảm.

"Để thị trường lao động phục hồi bền vững, các bộ, ngành, địa phương cần đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành, lĩnh vực…" - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, bà Nguyễn Thị Hương khẳng định.

Thị trường lao động chưa bền vững

Tổng cục Thống kê cho biết mặc dù lực lượng lao động, số người lao động có việc làm nói chung vẫn tiếp tục tăng kể từ sau thời điểm quý 3/2021 khi dịch COVID-19 bùng phát nhưng xét về chất lượng lao động thì thị trường lao động phát triển không mang tính bền vững.

Cụ thể, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý 2/2023 là 52,3 triệu người, tăng hơn 100.000 người so với quý trước và 0,7 triệu người so với cùng kỳ năm trước.

Bên cạnh đó, số người từ 15 tuổi trở lên có việc làm quý 2/2023 đạt gần 51,2 triệu người, tăng 83.300 nghìn người so với quý trước và tăng 691.400 nghìn người so với cùng kỳ năm trước.

Thu nhập bình quân của lao động quý 2/2023 là 7 triệu đồng. So với cùng kỳ năm 2022, đời sống của người lao động được cải thiện hơn, nhưng mức độ tăng không cao so với tốc độ tăng của quý 2/2022.

Tuy nhiên, Tổng cục Thống kê cũng cho hay các hoạt động kinh tế-xã hội được khôi phục, tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng giảm nhanh từ 10,4% xuống còn 3,9% vào quý 4/2022. Tỷ lệ này có dấu hiệu tăng trở lại vào quý 1/2023 (4,5%) và giữ mức 4,3% vào quý 2/2023 (tương ứng với khoảng 2,2 triệu người).

[Hơn nửa triệu lao động bị ảnh hưởng việc làm: Cần giải pháp đồng bộ]

Không những thế, lao động mang tính thị trường hơn, biểu hiện là số lao động làm công việc tự sản tự tiêu liên tục giảm dần qua các quý (từ quý 3/2021 đến nay).

Đối với nước đang phát triển như Việt Nam, số lao động làm công việc tự sản tự tiêu dao động từ 3-4 triệu người và đạt mức cao kỷ lục là 5,2 triệu người vào quý 3/2021 do giãn cách xã hội và diễn biến phức tạp của COVID-19, lao động rời bỏ thành thị để trở về nông thôn làm các công việc tự sản tự tiêu.

"Sau khi mở cửa kinh tế, nhóm lao động này dần dần rời bỏ công việc tự sản tự tiêu để tìm kiếm các công việc ổn định và có thu nhập tốt hơn làm tỷ lệ này giảm dần qua các quý. Đây cũng là xu thế tất yếu của kinh tế thị trường," lãnh đạo Tổng cục Thống kê cho biết.

Chỉ ra những điểm hạn chế của thị trường lao động, ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động (Tổng cục Thống kê) cho biết số người lao động có việc làm nói chung vẫn tiếp tục tăng, nhưng xét về chất lượng lao động thì thị trường lao động phát triển không mang tính bền vững, công việc của người lao động không ổn định, bấp bênh, điều kiện làm việc không bảo đảm và thu nhập thì thấp.

Số người có việc làm phi chính thức chung (bao gồm cả lao động làm việc trong hộ nông nghiệp) trong quý 2/2023 là 33,3 triệu người, tăng 301.900 người so với quý trước.

Bên cạnh đó, áp lực sa thải lao động từ các doanh nghiệp tạo ra sự chuyển dịch mạnh lao động từ khu vực công nghiệp và xây dựng (lao động chính thức) sang khu vực dịch vụ (phần lớn là lao động phi chính thức).

Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra lao động trong khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn nhất với 39,7% tăng 349.000 người so với quý trước; lao động trong khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 33,4% giảm 242.000 người so với quý trước; lao động trong ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 27% giảm 23.800 người so với quý trước.

Thực trạng các đơn hàng giảm đã tác động đến lao động trong khu vực công nghiệp đặc biệt là ngành dệt may, ngành chế biến gỗ và ngành sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học. Số lao động ở các ngành này trong quý 2/2023 đều giảm so với quý trước lần lượt là 142.500 người, 16.900 người và 30.200 người.

Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra, thị trường lao động việc làm quý 2/2023 không duy trì được đà phục hồi và khởi sắc như trong các quý đầu năm 2022. Số người thiếu việc làm trong độ tuổi quý 2/2023 khoảng 940.700 người, tăng 54.900 người so với quý trước và tăng 58.900 người so với cùng kỳ năm trước.

"Lao động ở vùng Đông Nam Bộ là vùng tập trung nhiều khu công nghiệp quy mô lớn (thường có tỷ lệ thiếu việc làm thấp nhất cả nước trong điều kiện bình thường) tiếp tục chịu ảnh hưởng của tình trạng thiếu việc làm từ quý 1 năm 2023 do tập trung nhiều doanh nghiệp lớn bị cắt giảm đơn hàng" - ông Phạm Hoài Nam nhấn mạnh.

Phát triển nguồn nhân lực

Nhìn chung, tình hình lao động việc làm quý 2/2023 cho thấy, thị trường lao động đang đối mặt với nhiều khó khăn thách thức.

Tư vấn giới thiệu việc làm cho người lao động. (Ảnh: An Hiếu/TTXVN)

Để thị trường lao động phục hồi bền vững, đảm bảo cuộc sống cho người lao động, Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương cho biết Tổng cục Thống kê đề xuất một số giải pháp như Chính phủ tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, phát động các chương trình kích cầu nội địa, hỗ trợ xúc tiến thương mại, tìm kiếm khai thác thị trường mới, đơn hàng mới cho doanh nghiệp.

Cùng với đó, có giải pháp hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp thiếu vốn, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm và một số ngành, lĩnh vực bị tác động bất lợi do nhu cầu của thị trường thế giới suy giảm như: da giày, dệt may, điện-điện tử.

Vụ trưởng Phạm Hoài Nam cũng cho rằng các bộ, ngành, địa phương cần đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành, lĩnh vực; sắp xếp, tổ chức, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm cung cấp đủ lao động có kỹ năng nghề đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội; tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại cho người lao động để duy trì việc làm.

"Chính phủ tiếp tục hoàn thiện hệ thống quản trị thị trường lao động phù hợp, từng bước hiện đại, minh bạch có kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác làm cơ sở xây dựng và tổ chức triển khai kịp thời, hiệu quả kết nối cung cầu lao động, việc làm, an sinh xã hội" - Tổng cục trưởng Nguyễn Thị Hương nhấn mạnh./.

(TTXVN/Vietnam)

Tin cùng chuyên mục