Theo các chuyên gia dự báo, trong 6 tháng cuối năm thị trường việc làm sẽ có nhiều khởi sắc. Đặc biệt, nhu cầu tuyển dụng lao động kỹ thuật trình độ cao trong thời gian này được dự báo sẽ tăng cao, chính vì vậy, tình trạng “khát” lao động trình độ cao có thể sẽ tiếp tục xảy ra.
Tín hiệu tốt từ khu vực công nghệ cao
Trong 6 tháng đầu năm 2014, số người có việc làm đã tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Không dừng lại ở đó, nhiều tín hiệu cho thấy thị trường lao động sẽ tiếp tục khởi sắc vào 6 tháng cuối năm.
Một cuộc khảo sát thị trường nhân lực Việt Nam do mạng tuyển dụng JobStreet.com tiến hành cho thấy nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trong quý 3/2014 tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Đa số các doanh nghiệp đều có kế hoạch tuyển dụng nhân sự nhiều hơn năm trước.
Theo khảo sát, nhu cầu tuyển dụng thời gian tới chủ yếu đến từ các lĩnh vực: Sản xuất, kinh doanh-bán lẻ/bán sỉ và máy tính/công nghệ thông tin. Đặc biệt, riêng lĩnh vực máy tính/công nghệ thông tin dự đoán trong thời gian tới sẽ tuyển thêm nhiều nhân sự có kinh nghiệm do các công ty công nghệ thông tin nước ngoài đang mở rộng thị trường vào Việt Nam.
Cuộc khảo sát cũng được thực hiện với hơn 9.000 người lao động cho thấy đa số rất lạc quan về thị trường việc làm trong thời gian tới. Hơn 67% người được khảo sát tự tin có thể tìm được công việc mới, trong đó 11,6% cho biết họ mất dưới một tháng để tìm được công việc mới. Báo cáo khảo sát nói trên nhận định đây là tín hiệu tốt, cho thấy nền kinh tế đang có dấu hiệu phục hồi.
Đặc biệt, trong 6 tháng cuối năm, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã yêu cầu các địa phương tăng tần suất thực hiện các phiên giao dịch giới thiệu việc làm. Đây sẽ là cầu nối quan trọng trong việc tìm kiếm việc làm cho người lao động từ nay đến cuối năm.
Bên cạnh thị trường việc làm trong nước, trong 6 tháng đầu năm, hơn 50.000 người đã được đi làm việc ở nước ngoài, đạt 57% kế hoạch. Cơ hội xuất khẩu lao động trong 6 tháng cuối năm cho hàng chục nghìn lao động cũng đang rộng mở.
Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang thực hiện nhiều giải pháp để duy trì ổn định và phát triển các thị trường truyền thống như: Đài Loan, Malaysia, Trung Đông, Hàn Quốc... theo hướng chú trọng chất lượng lao động và mở rộng ngành nghề tiếp nhận, nhờ đó một số thị trường đã có mức tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ.
Theo ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, hoạt động xuất khẩu lao động từ nay đến cuối năm sẽ khá sôi động. Cục đang nghiên cứu, hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện hợp đồng tại các thị trường mới, trao đổi, thống nhất các điều kiện hợp đồng để doanh nghiệp Việt Nam ký kết hợp tác lao động với Tập đoàn Amala (Các tiểu Vương quốc Arab thống nhất), hợp tác tuyển chọn điều dưỡng viên sang học tập và làm việc tại Đức…
Vẫn "khát" lao động trình độ cao
Mặc dù nhu cầu tuyển dụng tăng, nhưng theo khảo sát của JobStreet.com, các vị trí dành cho người mới tốt nghiệp cũng có xu hướng giảm. Nhu cầu tuyển dụng quản lý cao cấp, nhân viên có kinh nghiệm có xu hướng tăng cho thấy thị trường lao động đang rất cần lao động trình độ cao.
Ông Trần Anh Tuấn Phó Giám đốc thường trực, Trung tâm dự báo nguồn nhân lực và thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, dự kiến, nhu cầu nhân lực mỗi năm có thêm khoảng 270.000 chỗ việc làm trống, trong đó, nhu cầu lao động có trình độ cao đẳng, đại học trở lên chiếm tới 31%.
Theo ông Trần Anh Tuấn đánh giá, hiện nay, tình trạng thiếu hụt lao động có trình độ cao vẫn tiếp tục diễn ra, trong đó thiếu hụt trầm trọng nhất là trong lĩnh vực công nghiệp, bán hàng, kinh doanh, ngân hàng, xây dựng.
Thời gian tới, Thành phố Hồ Chí Minh sẽ ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho những ngành nghề có hàm lượng công nghệ cao, mang lại giá trị gia tăng lớn gồm: Cơ khí chế tạo chính xác và tự động hóa, điện tử và công nghệ thông tin, chế biến thực phẩm theo hướng tinh chế, hóa chất-hóa dược và mỹ phẩm… Chính vì vậy, nhu cầu tuyển dụng lao động kỹ thuật trình độ cao sẽ còn tăng vọt.
Tình trạng “khát” lao động trình độ cao không chỉ diễn ra ở thành phố Hồ Chí Minh. Theo những phân tích về tỷ lệ thất nghiệp và thời kỳ dân số vàng hiện nay thì việc đào tạo lao động trình độ cao đang là yêu cầu tất yếu.
Theo Tổng cục thống kê, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm ở Việt Nam không cao, ngay cả trong mấy năm khó khăn vừa qua, một phần do Việt Nam xuất phát từ nông nghiệp đi lên, có nông nghiệp và nông thôn rộng lớn làm trụ vững, tỷ lệ kinh tế phi chính thức còn lớn…
Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp ở lớp trẻ (từ 15-24 tuổi) còn cao (6 tháng đầu năm là 6,32%, trong đó thành thị là 11,67%, nông thôn 4,54%). Vì vậy, để phát huy được ưu thế của thời kỳ dân số vàng thì không còn cách nào khác là phải tăng cường đào tạo được nguồn nhân lực có chất lượng cao, cơ cấu phù hợp để phát huy tối đa giá trị của lực lượng lao động trong xây dựng một nền kinh tế hội nhập toàn cầu./.