Thị trường khởi sắc, doanh nghiệp rục rịch tăng tốc tuyển dụng lao động

Theo báo cáo của ManpowerGroup Việt Nam, một số doanh nghiệp trong ngành thương mại điện tử và logistics hoạt động ở phía Nam dự kiến tăng số lượng tuyển dụng gấp 4 lần trong 6 tháng cuối năm.

Phỏng vấn tuyển dụng lao động. (Ảnh: TTXVN)
Phỏng vấn tuyển dụng lao động. (Ảnh: TTXVN)

Hoạt động sản xuất kinh doanh đang đi vào ổn định, nhu cầu tiêu dùng gia tăng đang khiến cho thị trường lao động có xu hướng phát triển tích cực. Đặc biệt, tại các tỉnh phía Nam, đơn hàng mới tăng khiến nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động liên tục để đảm bảo tiến độ sản xuất từ đây đến cuối năm.

Nhiều tín hiệu tích cực

Từ đầu năm, sản xuất công nghiệp ở Bình Dương phục hồi tích cực, doanh nghiệp nhận được thêm đơn hàng mở rộng sản xuất. Trong bối cảnh đó, các doanh nghiệp bắt đầu tuyển dụng lao động với số lượng nhiều hơn từ 60.000-80.000 lao động. Một số lĩnh vực đang có nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông nhiều là may mặc, điện tử, gỗ, da giày, nhựa, in...

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, Cơ khí tự chế tạo, dệt may-giày da là các ngành, nghề đang có nhu cầu tuyển dụng cao tại các doanh nghiệp. Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động Thành phố Hồ Chí Minh (Falmi), Thành phố đang có nhu cầu tuyển dụng từ 153.500-161.500 chỗ làm việc trong nửa cuối năm. Trong đó, nhu cầu lao động vẫn tập trung chủ yếu vào các nhóm nhóm ngành dịch vụ và ngành công nghiệp trọng điểm.

Nhu cầu nhân lực trong 6 tháng cuối năm của Thành phố Hồ Chí Minh tập trung ở chủ yếu ở khu vực thương mại- dịch vụ cần từ 102.676-108.027 chỗ làm việc, chiếm 66,89% tổng nhu cầu nhân lực; khu vực công nghiệp, xây dựng cần khoảng từ 50.701-53.343 chỗ làm việc, chiếm 33,03%; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản cần khoảng từ 123-129 chỗ làm việc, chiếm 0,08%; nhóm ngành công nghiệp trọng điểm cần khoảng từ 23.961-25.210 chỗ làm việc, chiếm 15,61%.

Tại Hà Nội, quý 2/2024 cũng là thời điểm các doanh nghiệp tập trung vào ổn định hoạt động. Các doanh nghiệp cũng tích cực tuyển dụng lao động để sản xuất đơn hàng mới, mở rộng quy mô sản xuất kinh doanh, đưa các dự án trọng điểm đi vào hoạt động. Bên cạnh đó, các sự kiện, hoạt động vui chơi giải trí, kích cầu được tổ chức thường xuyên, tạo cơ hội cho người dân chi tiêu nhiều hơn. Tiêu dùng gia tăng là yếu tố quan trọng thúc đẩy kích cầu nền kinh tế, nhất là ở các nhóm ngành: Thương mại điện tử, du lịch, vận tải, lưu trú ăn uống, dịch vụ…

Các công ty cung ứng lao động cho biết, nhu cầu tuyển dụng tăng cao là do kinh tế tăng trưởng ổn định, doanh nghiệp có sự gia tăng đơn hàng. Bà Nguyễn Thanh Hương, Giám đốc Nhân sự Toàn quốc, ManpowerGroup Việt Nam cho biết: “Từ quan sát của ManpowerGroup Việt Nam cũng như các đơn hàng tuyển dụng mà chúng tôi nhận được từ đầu năm đến nay, nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông ở khu vực miền Nam có sự khởi sắc và nhiều tín hiệu tích cực.”

laodong.jpeg
Các tỉnh phía Nam đang có nhu cầu tuyển dụng tăng tối thiểu 20%. (Ảnh: TTXVN)

Trong 6 tháng đầu năm, các doanh nghiệp là đối tác của ManpowerGroup Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất có nhu cầu tuyển dụng tăng tối thiểu 20% so với 6 tháng cuối năm 2023, tập trung ở các khu vực Bình Dương, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh

“Đặc biệt, một số doanh nghiệp trong ngành thương mại điện tử và logistics đang dự kiến tăng số lượng tuyển dụng gấp 4 lần từ giờ tới cuối năm và với tình hình hiện tại tăng đều đặn 10-20% mỗi tháng trong nửa đầu năm 2024,” bà Nguyễn Thanh Hương cho hay.

Nâng cao kết nối cung-cầu lao động

Trong bối cảnh thị trường lao động đang có nhiều tín hiệu tích cực, ông Vũ Quang Thành, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết thời gian tới Trung tâm sẽ tăng cường các hoạt động giao dịch việc làm trực tuyến, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong kết nối cung-cầu lao động.

Theo ông Thành trong những tháng cuối năm trung tâm dự kiến tổ chức các phiên giao dịch việc làm đặc thù, gồm phiên chuyên đề theo ngành nghề và đối tượng lao động, phiên dành cho lao động khuyết tật, phiên online với các tỉnh trên toàn quốc, cùng với các phiên lưu động, thông qua đó, tạo thêm nhiều cơ hội kết nối việc làm cho đông đảo người lao động trên địa bàn Thủ đô.

Để thị trường lao động phục hồi bền vững, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Thống kê, bà Nguyễn Thị Hương cho biết cơ quan này đề xuất Chính phủ cần tiếp tục triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, phát động các chương trình kích cầu nội địa, hỗ trợ xúc tiến thương mại, tìm kiếm khai thác thị trường mới, đơn hàng mới cho doanh nghiệp.

Chính phủ cũng cần có giải pháp hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp thiếu vốn, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm và một số ngành, lĩnh vực bị tác động bất lợi do nhu cầu của thị trường thế giới suy giảm như: da giày, dệt may, điện - điện tử...

Mặt khác, hệ thống quản trị thị trường lao động cũng cần được tiếp tục hoàn thiện phù hợp, từng bước hiện đại, minh bạch có kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu khác làm cơ sở xây dựng và tổ chức triển khai kịp thời, hiệu quả kết nối cung-cầu lao động, việc làm, an sinh xã hội.

Bên cạnh đó, các Bộ, ngành, địa phương cần đẩy mạnh thực hiện các giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành, lĩnh vực; sắp xếp, tổ chức, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, bảo đảm cung cấp đủ lao động có kỹ năng nghề đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội; tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ đào tạo, đào tạo lại cho người lao động để duy trì việc làm./.

Tin cùng chuyên mục