Thị trường khoa học-công nghệ đã hình thành và phát triển tại Việt Nam

Trong bảng xếp hạng hệ sinh thái khởi nghiệp các quốc gia năm 2020, Việt Nam tăng 13 bậc, lên vị trí thứ 59 trên thế giới, hướng tới vị thế trung tâm khởi nghiệp hàng đầu khu vực Đông Nam Á.
Đại diện Bộ, ngành và chuyên gia tham gia phiên thảo luận về phát triển thị trường khoa học và công nghệ. (Ảnh : Mỹ Phương/TTXVN)

Ngày 15/4, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo “Tổng kết 10 năm phát triển thị trường khoa học và công nghệ giai đoạn 2011-2020.”

Hội thảo đã đánh giá những thành tựu, vướng mắc trong quá trình triển khai, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm trong phát triển thị trường khoa học và công nghệ giai đoạn 2011-2020, trên cơ sở đó đưa ra những định hướng giai đoạn 2021-2030.

Hoàn thiện cơ chế chính sách cho thị trường KHCN 

Trên cả nước có hơn 800 tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ, trong đó số lượng sàn giao dịch công nghệ có sự phát triển mạnh mẽ. Nếu như trước năm 2015 chỉ có 8 sàn giao dịch công nghệ thì giai đoạn 2015-2020 đã hình thành 20 sàn giao dịch công nghệ địa phương, một sàn giao dịch vùng Duyên hải Bắc bộ, một sàn giao dịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long đang trong giai đoạn thành lập.

Cùng với việc phát triển các tổ chức trung gian truyền thống, các tổ chức kiểu mới cũng phát triển mạnh mẽ với 69 cơ sở ươm tạo, 28 chương trình thúc đẩy kinh doanh, loại hình không gian làm việc chung có 186 khu...

Hoạt động thương mại hóa kết quả nghiên cứu từ khu vực viện, trường có xu hướng chuyển biến tích cực. Nhiều kết quả nghiên cứu đã được chuyển giao cho doanh nghiệp với doanh thu lên tới hàng chục thậm chí hàng trăm tỷ đồng. Điển hình trong giai đoạn 2011-2020, Trường Đại học Bách khoa Thành phố Hồ Chí Minh có doanh thu từ hoạt động chuyển giao công nghệ đạt khoảng 1.300 tỷ đồng.

Ông Trần Văn Tùng, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá thị trường khoa học và công nghệ giai đoạn 2011-2020. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Còn theo Báo cáo Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu năm 2020, Việt Nam tiếp tục giữ vị trí thứ 42/131 quốc gia và nền kinh tế. Với thứ hạng này, Việt Nam giữ vị trí số một trong nhóm 29 quốc gia có cùng mức thu nhập và đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á.

Trong bảng xếp hạng hệ sinh thái khởi nghiệp các quốc gia năm 2020, Việt Nam tăng 13 bậc, lên vị trí thứ 59 trên thế giới, hướng tới vị thế trung tâm khởi nghiệp hàng đầu khu vực Đông Nam Á.

Ông Trần Văn Tùng-Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, thị trường khoa học và công nghệ đã trải qua hơn 10 năm phát triển với nhiều thách thức nhưng cũng nắm bắt được cơ hội và thành tựu đáng khích lệ. Đặc biệt, việc từng bước hoàn thiện thể chế, chính sách và triển khai hỗ trợ nâng cao chất lượng nguồn cung-cầu và xây dựng cho các tổ chức trung gian thị trường khoa học và công nghệ.

[Nâng cao tiềm lực khoa học và công nghệ, năng lực cạnh tranh quốc gia]

Thị trường khoa học và công nghệ cũng đạt được nhiều kết quả rất đáng khích lệ như tốc độ gia tăng giá trị giao dịch công nghệ bình quân giai đoạn 2011-2020 là 22%. Trong đó, một số ngành tăng trưởng cao, gồm điện, điện tử máy tính ở mức tăng trưởng 46%; ngành chế biến gỗ, giấy (29%), ngành chế biến thực phẩm (28%)...

Thị trường khoa học và công nghệ hình thành và bước đầu phát triển, có nhiều triển vọng sẽ hoạt động sôi nổi trên các sàn giao dịch. Ông Trần Văn Tùng cho biết thêm, giải pháp phát triển thị trường khoa học và công nghệ giai đoạn 2021-2030 là tiếp tục hoàn thiện môi trường pháp lý, đẩy mạnh nghiên cứu cơ sở khoa học và thực tiễn. Qua đó, phát triển tổ chức trung gian của thị trường khoa học và công nghệ và phát triển nguồn cầu của thị trường khoa học và công nghệ, nâng cao năng lực hấp thụ, làm chủ và đổi mới công nghệ của doanh nghiệp.

Tiếp tục tháo gỡ rào cản

Một số chuyên gia cho rằng, mặc dù hành lang pháp lý phát triển thị trường khoa học và công nghệ giai đoạn 2011-2020 đã được hoàn thiện với nhiều kết quả nổi bật, song vẫn còn một số tồn tại cần tháo gỡ trong thời gian tới.

Cụ thể, những nội dung hỗ trợ quy định trong Nghị định số 76/2018/NĐ-CP chưa được đưa vào các chương trình quốc gia liên quan để hiện thực hóa các cơ chế hỗ trợ.

Còn Nghị định 70/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quản lý tài sản công quy định về xử lý tài sản là kết quả đề tài, dự án sử dụng ngân sách Nhà nước có quy định kết quả nghiên cứu được tạo ra từ ngân sách Nhà nước thì thuộc sở hữu của Nhà nước. Ngoài ra, kinh phí thu được từ việc thương mại hóa hầu hết phải nộp lại cho Nhà nước, chưa khuyến khích các nhà khoa học chuyển giao, thương mại hóa kết quả nghiên cứu.

Một vấn đề thách thức nữa là thông tin, thống kê dữ liệu về các giao dịch chuyển giao công nghệ tại các địa phương còn thiếu. Theo quy định của Luật Chuyển giao công nghệ, Hợp đồng chuyển giao công nghệ không bắt buộc phải đăng ký, trừ Hợp đồng chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam.

Quy định này một mặt tạo môi trường thực sự tự do cho các doanh nghiệp trong giao kết hợp đồng chuyển giao công nghệ nhưng mặt khác là hoạt động chuyển giao công nghệ diễn ra tại các địa phương khó có thể nắm bắt.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Sử Đình Thành, Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh thông tin về chiến lược đào tạo và phát triển khoa học và công nghệ tại trường. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Ở góc độ giáo dục-đào tạo, theo Giáo sư, Tiến sỹ Sử Đình Thành,Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh, trong chiến lược phát triển của nhà trường đã định hướng tái cơ cấu theo hướng đa ngành nghề, lĩnh vực và ưu tiên đào tạo những ngành khoa học và công nghệ.

Đây cũng được xem là chiến lược đột phá của nhà trường trong việc chủ động bắt nhịp với xu hướng thị trường và sự thay đổi của các nước trong bối cảnh cuộc cách mạng khoa học và công nghệ lần thứ 4.

Mặt khác, nhà trường sẽ không ngừng nỗ lực giải bài toán thương mại hóa sản phẩm khoa học và công nghệ bằng việc hợp tác cùng doanh nghiệp xây dựng viện, trung tâm nghiên cứu với hơn 20 nhóm khởi nghiệp đang hoạt động. Việc đẩy mạnh hoạt động hợp tác giữa nhà trường-nhà quản lý-doanh nghiệp sẽ góp phần gia tăng giá trị thương mại hóa sản phẩm khoa học và công nghệ hơn nữa.

Thị trường khoa học và công nghệ là một bộ phận cấu thành của thể chế kinh tế thị trường, có vai trò then chốt trong việc thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực khoa học và công nghệ, năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, cũng như nền kinh tế. Trong đó, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo là chủ thể trung tâm trong hoạt động của thị trường, giao dịch và mua bán hàng hóa khoa học và công nghệ của doanh nghiệp đổi mới sáng tạo có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển sản xuất kinh doanh của các ngành nghề./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục