Thị trường khí đốt thắt chặt khi nhu cầu của Trung Quốc tăng mạnh

Một chiến lược gia cho hay, Trung Quốc là động lực chủ chốt thúc đẩy đà tăng trưởng nhu cầu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) trên thị trường toàn cầu trong năm 2021.
Hệ thống đường ống dẫn khí đốt của dự án Dòng chảy phương Bắc 2 ở Lubmin (Đức). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Giới chuyên gia nhận định thị trường khí đốt tự nhiên toàn cầu đang ngày càng thắt chặt khi nhu cầu đang trên đà phục hồi khởi sắc trong năm nay, giữa bối cảnh nhiều quốc gia, với Trung Quốc là nước dẫn đầu, đang chứng kiến sự hồi sinh kinh tế hậu đại dịch COVID-19.

Chiến lược gia về hàng hóa và sản phẩm tài chính Francisco Blanch thuộc Bank of America Securities đánh giá Trung Quốc là động lực chủ chốt thúc đẩy đà tăng trưởng nhu cầu khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) trên thị trường toàn cầu trong năm 2021.

Theo chuyên gia Blanch, sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc đã thúc đẩy sản lượng của các nhà máy nhiệt điện vận hành bằng đốt của nước này trong nửa đầu năm 2021 tăng 18% so với cùng kỳ năm ngoái.

Khối lượng LNG nhập khẩu của Trung Quốc giai đoạn này tăng gần 30% lên 8,6 triệu tấn. Chiến lược gia Blanch cho rằng Trung Quốc có thể sẽ vượt Nhật Bản trở thành nhà nhập khẩu LNG lớn nhất thế giới trong năm nay.

[Australia: Hoạt động xuất khẩu khí đốt sang Trung Quốc đạt mức kỷ lục]

Một yếu tố quan trọng khác khiến giá khí đốt gia tăng ở cả thị trường châu Âu và châu Á trong những tuần gần đây là lượng khí đốt tồn kho ngày càng giảm ở châu Âu, xuống còn 16 tỷ m3, thấp hơn 20% so với mức trung bình 5 năm.

Ông Blanch nói rằng điều này một phần là do Nga đã từ chối xuất khẩu thêm khí đốt sang thị trường châu Âu vì nước này hy vọng sẽ đẩy nhanh tiến độ để sớm hoàn thành dự án "Dòng chảy phương Bắc 2."

Lượng khí đốt chảy qua Trạm Mallnow ở biên giới Đức, nơi xử lý chủ yếu khí đốt của Nga để vận chuyển về miền Tây nước Đức, chỉ vào khoảng 20 triệu m3/ngày vào ngày 16/8, giảm mạnh so với hồi đầu tháng.

Những lo ngại về nguồn cung khí đốt eo hẹp từ Nga đã gia tăng trong thời gian gần đây sau khi xảy ra vụ cháy tại nhà máy sản xuất khí đốt ở bán đảo Yamal của Nga.

Khí đốt Nga được vận chuyển tới Tây Âu thông qua một số tuyến đường ống, trong đó có tuyến đường ống Yamal-châu Âu chạy qua Ba Lan trước khi hòa vào mạng lưới GASCADE của Đức tại Trạm Mallnow.

Các số liệu từ nhà điều hành mạng lưới GASCADE của Đức cho thấy, lượng khí đốt của Nga được vận chuyển vào Đức tại Trạm Mallnow đã giảm mạnh từ 60 triệu m3/ngày hồi đầu tháng Tám xuống còn khoảng 20 triệu m3/ngày vào giữa tháng này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục