Thị trường ICT Indonesia có thể đạt 4,5 tỷ USD

Số người sử dụng Interrnet ở Indonesia sẽ tăng lên 175 triệu năm 2016 và thị trường ICT nước này có thể đạt 4,5 tỷ USD vào năm 2015.
Theo nghiên cứu vừa công bố của Frost & Sullivan, số người sử dụng Interrnet ở Indonesia sẽ tăng hơn 4 lần, từ 40 triệu người năm 2011 lên 175 triệu người vào năm 2016, đi kèm với sự bùng nổ thuê bao kết nối dữ liệu - dự kiến trong cùng kỳ sẽ nhảy vọt từ 52 triệu lên 167 triệu.

Đây sẽ là cơ hội kinh doanh lớn cho các nhà khai thác di động và cung cấp các dịch vụ viễn thông khác, giúp thị trường công nghệ thông tin (ICT) của nước này có thể đạt giá trị 4,5 tỷ USD vào năm 2015.

Phó Chủ tịch Frost & Sullivan phụ trách ICT khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Jayesh Easwaramony, cho biết trong số 167 triệu thuê bao, có 109 triệu kết nối trên điện thoại thông minh, 22 triệu còn lại là máy tính bảng và các thiết bị màn hình lớn.

Theo ông Jayesh Easwaramony, làn sóng lớn về Internet và sử dụng dữ liệu, được thúc đẩy bởi sự hiện diện ngày càng phổ biến của các thiết bị thông minh, đòi hỏi các nhà khai thác viễn thông phải tăng cường cơ sở hạ tầng liên quan đến băng thông rộng cố định và 3G/Long Term Evolution (LTE).

Về tổng thể, thị trường băng thông rộng cố định khu vực châu Á-Thái Bình Dương dự kiến sẽ tăng lên 375 triệu người sử dụng vào năm 2015, tăng 76% so với năm 2011. Trong cùng kỳ, thị trường 3G/LTE cũng được dự báo sẽ tăng 168% lên 1,25 tỷ người sử dụng. Để tận dụng xu hướng gia tăng nhu cầu băng thông rộng cố định, các nhà khai thác phải cung cấp các dịch vụ kỹ thuật số có thể trên các xa lộ thông tin.

Frost & Sullivan dự báo tiềm năng thị trường cung cấp dịch vụ ICT cho các doanh nghiệp ở Indonesia sẽ đạt 3 tỷ USD vào năm 2015, còn tiềm năng thị trường ICT cho các dịch vụ tiêu dùng ước đạt 1,5 tỷ USD. Lĩnh vực kinh doanh triển vọng của các doanh nghiệp ICT sẽ là dịch vụ điện toán đám mây - dòng chảy chính trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương.

Ông Jayesh Easwaramony nhấn mạnh điện toán đám mây đang trở thành hoạt động kinh doanh phát triển nhanh nhất trong lĩnh vực ICT, do đây một giải pháp chi phí-hiệu quả để lưu trữ dữ liệu, và làn sóng tiếp theo của thương mại điện tử, thay vì máy tính để bàn, sẽ dựa trên điện thoại di động.

Indonesia hiện có một số cửa hàng trực tuyến lớn, chẳng hạn như tokobagus.com, hay kaskus.us, song việc thiếu phổ biến rộng rãi hệ thống thanh toán điện tử và điện thoại thông minh đã cản trở sự tăng trưởng của thương mại điện tử.

Ông Jayesh Easwaramony lưu xu hướng điện toán đám mây và các dịch vụ tại chỗ sẽ làm thay đổi hành vi giao tiếp của người tiêu dùng khiến doanh thu từ tin nhắn văn bản ngắn (SMS) và các dịch vụ thoại bị giảm. Vì vậy các nhà khai thác cần phải là một phần của tất cả các hình thức truyền thông. Nếu không, họ không thể được gọi là một nhà cung cấp dịch vụ truyền thông, và khó tồn tại trong cuộc cạnh tranh ngày một gay gắt hơn trong lĩnh vực này./.

Việt Tú (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục