Các công ty hàng xa xỉ toàn cầu đang dồn mọi nỗ lực để thuyết phục người tiêu dùng Mỹ mạnh tay chi tiền cho vòng tay kim cương, túi xách da chần trám và các mặt hàng thời trang thiết kế khác trong năm 2025.
Động thái này diễn ra trong bối cảnh dự báo thị trường Trung Quốc tiếp tục chưa khởi sắc mạnh mẽ như dự kiến.
Các nhà điều hành bán lẻ đang nhắm đến khối tài sản của người tiêu dùng tại Mỹ gia tăng nhờ thị trường chứng khoán khởi sắc và sự trỗi dậy của tiền kỹ thuật số. Bên cạnh đó, khả năng chính quyền của Tổng thống đắc cử Donald Trump áp thuế nhập khẩu cũng có thể củng cố đồng USD, từ đó tăng sức mua hàng xa xỉ châu Âu của người Mỹ.
Dữ liệu từ tập đoàn tài chính-ngân hàng Citi cho thấy chi tiêu thẻ tín dụng của người Mỹ cho các thương hiệu xa xỉ trong tháng 12/2024 đã có sự cải thiện đáng kể, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2023, đánh dấu lần đầu tiên tăng trưởng sau hơn hai năm. Sự tăng trưởng này chủ yếu đến từ doanh số bán hàng tốt hơn của đồ da và quần áo.
Các "ông lớn" trong ngành hàng xa xỉ, bao gồm LVMH và Kering, đang kỳ vọng người mua sắm Mỹ sẽ "giải cứu" họ sau nhiều thập niên phụ thuộc vào doanh số bán hàng mạnh mẽ từ người tiêu dùng Trung Quốc.
Thị trường hàng xa xỉ toàn cầu trị giá 363 tỷ euro (373,16 tỷ USD) đang phải vật lộn với tốc độ tăng trưởng doanh số thấp nhất trong nhiều năm. Tình hình khó khăn ở thị trường bất động sản và nền kinh tế giảm tốc của Trung Quốc đang ảnh hưởng lớn đến nhu cầu mua sắm quần áo và túi xách hàng hiệu. Trong khi đó, người tiêu dùng châu Âu cũng hạn chế chi tiêu do chi phí sinh hoạt tăng cao.
Ngành này đã trải qua một đợt "tàu lượn siêu tốc" trên thị trường chứng khoán kể từ khi cơn sốt chi tiêu hậu đại dịch COVID-19 bắt đầu hạ nhiệt hơn một năm trước, dẫn đến việc điều chỉnh giảm dự báo vào cuối năm 2024. LVMH đã mất hơn 30 tỷ euro vốn hóa thị trường trong sáu tháng qua.
Theo ước tính trước đó của công ty tư vấn Bain & Company, năm 2024 có thể là một trong những năm kinh kém nhất của ngành, với doanh số ước giảm 2%.
Bức tranh trái chiều từ các báo cáo
Các ngân hàng lớn vừa công bố báo cáo và xác nhận sự biến động của thị trường. Báo cáo doanh số cuối năm của tập đoàn Richemont sản xuất và kinh doanh hàng xa xỉ (chủ sở hữu thương hiệu Cartier) ngày 16/1 sẽ cung cấp đánh giá tổng quan đầu tiên về sức khỏe của nhu cầu hàng cao cấp, vì mảng kinh doanh đồng hồ của Richemont thu hút sự quan tâm của các khách hàng Trung Quốc nhiều hơn đáng kể so với các tập đoàn xa xỉ khác.
LVMH, chủ sở hữu các thương hiệu đình đám Louis Vuitton và Dior, sẽ khởi động mùa báo cáo lợi nhuận của ngành vào ngày 28/1. Những dấu hiệu ban đầu cho thấy quý cuối cùng, hoạt động kinh doanh vẫn khó khăn ở Trung Quốc, trong khi một số dấu hiệu cải thiện đã xuất hiện ở thị trường Mỹ. Các nhà phân tích dự đoán doanh số bán hàng tổng thể vẫn sẽ biến động.
Các nhà phân tích của ngân hàng Barclays dự báo doanh số quý 4/2024 sẽ giảm ở mức vừa phải hơn so với quý trước, nhờ sự hỗ trợ của các chương trình khuyến mãi từ trung tâm mua sắm và những nỗ lực kích thích kinh tế của chính phủ.
Tuy nhiên, họ nhấn mạnh sự thiếu hụt "sự phục hồi nhu cầu có ý nghĩa và bền vững" ở Trung Quốc, đồng thời lưu ý rằng ngay cả những người giàu có nhất cũng đang cắt giảm chi tiêu.
Các nhà phân tích của Barclays nhận định xu hướng mua sắm các sản phẩm có giá thấp hơn ngày càng tăng.
Theo dự đoán của các nhà phân tích, LVMH sẽ báo cáo doanh số quý 4 giảm 1%, trong đó mảng thời trang và đồ da chủ lực của tập đoàn giảm 3%.
Trong khi đó, Hermes, nhà sản xuất túi xách cao cấp Birkin, dự kiến sẽ đạt mức tăng trưởng doanh số 10%. Còn Kering, đang nỗ lực mang lại cú hích mạnh mẽ cho thương hiệu Gucci, được dự báo sẽ ghi nhận doanh số giảm 12%, làm nổi bật khoảng cách ngày càng lớn giữa các tập đoàn trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh hàng xa xỉ.
Theo ngân hàng UBS, Richemont dự kiến sẽ báo cáo doanh số tăng 1% trong ba tháng cuối năm 2024. Trong khi đó, một tên tuổi hàng đầu khác trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh hàng xa xỉ là Burberry dự kiến công bố doanh số giảm 13% trong bối cảnh đang trải qua quá trình tái cơ cấu thương hiệu.
Triển vọng năm 2025: Mỹ dẫn đầu, Trung Quốc tụt hậu
Theo ước tính của ngân hàng UBS, ngành này dự kiến sẽ tăng trưởng khoảng 4% trong năm 2025, với doanh số bán hàng ở thị trường Mỹ chiếm hơn 1/3 mức tăng trưởng toàn cầu, tăng 7%, so với mức giảm 1% ở thị trường Trung Quốc.
Người đứng đầu bộ phận thương hiệu cao cấp tại công ty quản lý tài sản Pictet Asset Management, Caroline Reyl, cho biết trong ngành công nghiệp xa xỉ, sự cạnh tranh rất khốc liệt. Ngay cả khi toàn ngành đang gặp khó khăn, không phải tất cả các thương hiệu đều chịu chung số phận.
Một số thương hiệu sẽ biết cách thích ứng, đổi mới và nắm bắt cơ hội để phát triển, trong khi những thương hiệu khác sẽ không thể vượt qua được thách thức.
Sau khi LVMH mở màn mùa báo cáo lợi nhuận vào cuối tháng 1/2025, Kering sẽ tiếp bước vào ngày 11/2 và Hermes vào ngày 14/2. Richemont và Burberry sẽ báo cáo doanh số ba tháng cuối năm lần lượt vào ngày 16/1 và 24/1./.
Ngày càng nhiều khách hàng trên toàn cầu rời bỏ các thương hiệu xa xỉ
Báo cáo của công ty tư vấn Bain có trụ sở ở Massachusetts (Mỹ) cho thấy nhu cầu về hàng hóa xa xỉ dự báo sẽ không thay đổi nhiều trong năm nay, khi tỷ giá hối đoái duy trì ở mức ổn định.