Thị trường hàng xa xỉ mùa Giáng sinh: Giảm giá mà vẫn đìu hiu

Sự sụt giảm nhu cầu mua sắm hàng xa xỉ thể hiện rõ tại các cửa hàng bách hóa và trực tuyến, khi lượng mua hàng thông qua hai hình thức này giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái.
Một cửa hàng của thương hiệu thời trang Moncler ở London, Anh. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Suy thoái kinh tế đã và đang tác động sâu rộng đến từng ngõ ngách. Không chỉ tầng lớp trung lưu mà cả tầng lớp nhiều tiền cũng đang “thắt lưng buộc bụng” đối với chi tiêu cho các món hàng cao cấp.

Ngay từ đầu mùa mua sắm cuối năm, các nhãn hàng cao cấp đã chạy đua giảm giá hòng đẩy mạnh doanh thu nhưng thị trường đìu hiu, làm dấy lên quan ngại rằng một mùa Giáng sinh "ảm đạm" có thể dẫn đến lượng lớn tồn kho các mặt hàng xa xỉ.

Theo thống kê của Công ty Dịch vụ Tài chính Barclays, mức tiêu thụ hàng xa xỉ tại Mỹ trong tháng 11 vừa qua giảm 15% so với cùng kỳ năm ngoái, sau khi giảm 14% trong tháng 10.

Các nhà phân tích của Barclays cho biết điều này không mang lại nhiều lạc quan trong quý 4 với xu hướng ảm đạm ở Mỹ gây ra mối lo ngại về hiệu quả hoạt động của các thương hiệu xa xỉ trong thời gian qua.

Trong khi đó, dữ liệu thẻ tín dụng của tập đoàn dịch vụ tài chính Citi cho thấy lượng mua quần áo cao cấp trong tháng 11 đã giảm 9,6% so với cùng kỳ năm ngoái sau khi giảm 11,4% trong tháng 10.

Cảnh vắng vẻ tại cửa hàng mua sắm ở thành phố New York, Mỹ. (Ảnh: THX/TTXVN)

Sự sụt giảm thể hiện rõ hơn nhiều tại các cửa hàng bách hóa và trực tuyến, khi lượng mua hàng thông qua hai hình thức này giảm 13% so với cùng kỳ năm ngoái.

Một số thương hiệu có số lượng giao dịch giảm 50-60% so với năm ngoái.

Theo ông Olivier Abtan, nhà tư vấn của công ty tư vấn tài chính Alix Partners, các nhà bán lẻ đối mặt với lượng tồn kho lớn trong mùa mua sắm năm nay, nhiều hơn so với mức bình thường.

Hậu COVID-19, ngành công nghiệp xa xỉ chứng kiến tốc độ tăng trưởng kỷ lục khi người tiêu dùng mua sắm thỏa mãn bản thân một cách “điên cuồng” sau thời gian ở yên trong nhà.

Thuật ngữ “mua sắm trả thù” là mô tả xác thực nhất cho những gì đã diễn ra sau dịch.

Thế nhưng, thời kỳ hoàng kim không kéo dài. Một loạt vấn đề ập đến (kinh tế, chiến tranh, thiên tai…) đã đẩy nền kinh tế toàn cầu trong bối cảnh nhen nhóm phục hồi đến bờ chênh vênh.

Hoạt động kinh doanh yếu cũng ảnh hưởng đến giá cổ phiếu của các hãng. Từ đầu tháng 8 vừa qua, giá cổ phiếu của LVMH, Kering và Burberry đã giảm lần lượt 12%, 23% và 33%.

Bà Caroline Reyl, người đứng đầu bộ phận các nhãn hàng cao cấp tại công ty quản lý tài sản Pictet Asset Management, thừa nhận rằng người tiêu dùng Mỹ sẽ tiếp tục chi tiêu hợp lý hơn và các nhà bán lẻ phải thích ứng với điều đó.

Cửa hàng thời trang Louis Vuitton trên đại lộ Waterloo ở Brussels (Bỉ). (Ảnh: Hương Giang/TTXVN)

Xung đột ở Trung Đông cùng với lạm phát tăng và bất ổn địa chính trị đã ảnh hưởng đến triển vọng của ngành hàng xa xỉ trong bối cảnh người tiêu dùng ở Mỹ và châu Âu thắt chặt chi tiêu, trong khi cuộc khủng hoảng bất động sản tại Trung Quốc đã phủ "bóng đen" lên kỳ vọng về sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này sau đại dịch COVID-19.

Ước tính doanh thu trong mùa mua sắm cuối năm vào tháng 11 và 12 hằng năm chiếm tới 25% tổng doanh thu cả năm.

Giới chuyên gia của Citi dự báo các cửa hàng bách hóa sẽ chịu ảnh hưởng từ 6-12 tháng tới do nhu cầu mua sắm giảm.

Các cửa hàng bách hóa, đặc biệt tại Mỹ, thường thu hút nhiều khách hàng do có các chương trình ưu đãi rầm rộ, nhưng việc bán với mức giá thấp hơn có thể làm xói mòn sức hấp dẫn của các thương hiệu thời trang và khiến người tiêu dùng chờ mua hàng khi có chương trình giảm giá.

Các trung tâm thương mại cũng bắt đầu nhận thấy mô hình mua sắm đang dần thay đổi, họ dần điều chỉnh lượng hàng tồn kho để đáp ứng nhu cầu suy yếu.

Kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và 2009, các thương hiệu thời trang đã áp dụng trí tuệ nhân tạo để dự báo lượng hàng bán ra và điều chỉnh sản xuất, qua đó có thể tránh tình trạng tồn kho lớn. Bên cạnh đó, các hãng này còn tối ưu hóa tỷ lệ các kiểu mẫu theo mùa./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục